IV. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CSHTDL TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ THỜI GIAN QUA
1. Những thành tựu đạt được
1.1. Về thu hút vốn đầu tư cho xây dựng CSHTDL
Trong giai đoạn 2001-2008, mặc dù là một tỉnh nghèo, thu nhập thấp nhưng do nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch trong sự phát triển của tỉnh, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Tỷ lệ vốn đầu tư giành cho CSHTDL trong tổng lượng vốn đầu tư phát triển của tỉnh luôn ở mức cao, trung bình hàng năm đạt trên 50%. Năm thấp nhất là năm 2001 với 43,3% và năm 2004 với 44,3%. Giai đoạn 2001-2003 là giai đoạn mà tỷ lệ này tăng cao nhất, năm 2003 đạt tới 65,1%. Nguyên nhân là do đây là giai đoạn cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nghèo nàn, lạc hậu, đồng thời là thời gian sau khi có Pháp lệnh Du lịch năm 1999 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 22/7/2002 đã thúc đẩy sự quan tâm của tỉnh tới cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng xã hội. Trong giai đoạn này, hàng trăm Km đường bộ được xây dựng và cải tạo, nhất là các đoạn đường trong thành phố Việt Trì như đại lộ Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành, đường Trần Phú,…; đường vành đai khu du lịch Đền Hùng, nối liền thành phố Việt Trì với ga Tiên Kiên,… đều được nâng cấp, tạo nên bộ mặt mới cho thành phố. Năm 2004, do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh nên tỷ lệ vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch có giảm đi (chỉ còn 44,3%) nhưng đến năm 2005 lại quay trở lại nhịp độ tăng trưởng cao.
Năm 2008, tỷ lệ vốn đầu tư cho CSHTDL đạt 59,9% so với tổng vốn đầu tư phát triển của toàn tỉnh. (Hình 2.7)
Hình 2.8: Tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng CSHTDL so với tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2001-2008.
Đơn vị tính: %
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ)
1.2. Về cơ cấu vốn đầu tư cho CSHTDL.
Cơ cấu vốn đầu tư biến động theo hướng tích cực, giảm dần sự hỗ trợ từ phía trung ương, tăng dần sức mạnh nội tại của địa phương cũng như từ khu vực tư nhân.
Hình 2.9: Cơ cấu vốn đầu tư cho CSHTDL theo nguồn vốn
Đơn vị tính: %
(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ)
Từ hình 2.9 có thể thấy sự biến động về cơ cấu mỗi nguồn vốn. Nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương giảm từ 50,08% năm 2001 xuống còn 48,99% năm 2005 và còn 47,40% năm 2008. Nguồn vốn ngân sách tỉnh có xu hướng biến động không ổn định, nhưng nhìn chung cả thời kỳ vẫn tăng nhẹ từ 32,97% năm 2001 lên 33,07% năm 2008. Sự thay đổi tích cực nhất là từ khu vực tư nhân. Năm 2001 mới chỉ có 108 tỷ đồng, chiếm 16,95% tổng nguồn vốn thì năm 2008 đã đạt 691 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần năm 2001 và bằng 19,53% tổng số. Sự gia tăng này cho thấy khu vực tư nhân đang ngày càng quan tâm đến tiềm năng du lịch của tỉnh Phú Thọ, tạo điều kiện cho
tỉnh giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, tăng dần sự tự chủ và nâng cao hiệu quả đầu tư trên địa bàn tỉnh.
1.3. Quản lý các hoạt động có liên quan đến đầu tư xây dựng CSHTDL.
Giai đoạn vừa qua tỉnh Phú Thọ đã có những thay đổi rất tích cực trong chính sách quản lý đối với hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Việc thường xuyên tổ chức các buổi quảng bá, xúc tiến đầu tư đã thu hút được không ít các nhà đầu tư từ bên ngoài tỉnh. Các dự án này đều thuộc lĩnh vực khai thác tiềm năng du lịch như xây dựng nhà hàng, khách sạn, dịch vụ massage, tắm xông hơi, sân tennis, phòng tập thể hình,…Các dự án này đều tập trung trên địa bàn thành phố Việt Trì. Chỉ riêng năm 2007 và 2008 đã có thêm hàng chục cơ sở lưu trú và nhà hàng ăn uống, trong đó có không ít là của các nhà đầu tư từ bên ngoài.