Mở rộng mạng lưới phục vụ
2.3.2.1. Những hạn chế từ phía Nhà nước
Thứ nhất, quản lý nhà nước về DNVVN còn nhiều sơ hở, lơi lỏng gây nên tình trạng phát triển tràn lan của các loại hình doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đặc biệt là các DNVVNNQD. Một số cuộc điều tra cho thấy có những công ty sau khi đăng ký hoạt động đã chuyển địa điểm và trụ sở hoạt động ngoài vòng pháp luật thoát khỏi những ràng buộc trách nhiệm đối với Nhà nước. Không ít doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh nhưng không đi vào hoạt động hoặc thay đổi chức năng hoạt động mà không đăng ký lại, không thực hiện nghiêm túc chế độ hạch toán và chế độ báo cáo kết quả kinh doanh cho các cơ quan chức năng nhà nước. Chính những doanh nghiệp này là biểu hiện của những hoạt động làm ăn phi pháp với các hành vi nghiêm trọng gây thất thoát tài sản của Nhà nước như bán hoá đơn tài chính, môi giới, buôn
lậu, trốn thuế.... ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Hơn nữa bộ máy theo dõi và quản lý của nhà nước chưa bắt kịp nhịp độ phát triển của các doanh nghiệp này. Theo luật định, cơ quan chủ quản về đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trong phạm vi trách nhiệm của mình và cung cấp thông tin về doanh nghiệp cho các tổ chức cá nhân có yêu cầu. Tuy vậy hiện tại các phòng đăng ký kinh doanh mới chỉ làm được chức năng tiếp nhận hồ sơ và cấp đăng ký kinh doanh chứ chưa cập nhật được thông tin, theo dõi các động thái và hoạt động của DNNQD. Điều này đã làm cản trở ngân hàng trong việc nắm bắt các thông tin về doanh nghiệp để ra quyết định cho vay.
Thứ hai, về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất làm bảo đảm tiền vay.
Ngân hàng sẽ căn cứ vào giá trị tài sản thế chấp cầm cố của doanh nghiệp để quyết định mức cho vay (khoảng 80% giá trị tài sản thế chấp cầm cố). Theo Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ thì việc xác định giá đất căn cứ vào giá đất của do UBND tỉnh, thành phố quy định nhưng mức giá này thấp rất xa so với giá thị trường đặc biệt là ở Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã làm giảm giá trị của tài sản thế chấp đi rất nhiều dẫn đến lượng vốn vay được cũng rất ít. Nhiều nhà máy hình thành từ vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng ngân hàng qua nhiều năm đã quá cũ kỹ, số nhà máy ra đời vài năm gần đây thì việc thi công lắp đặt kéo dài, dự toán bổ sung nhiều đợt không quyết toán được. Do đó khó xác định giá trị công trình chính xác, ra quyết định phê duyệt giá trị chính thức và cấp giấy tờ sở hữu chính thức về tài sản để doanh nghiệp giao cho TCTD khi vay vốn.
Thứ ba, hệ thống pháp luật chung cho toàn bộ nền kinh tế chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và thiếu những đạo luật quan trọng. Luật về DNVVN, Luật Sở hữu tài sản vẫn chưa ra đời gây những bất cập, cản trở cho DNVVN trong việc vay vốn ngân hàng nhất là tài sản thế chấp cầm cố. Quy định nhất thiết phải có tài sản thế chấp mới được vay (trừ một số trường hợp) làm cho các
DNVVN gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. Do đó các DNVVN chỉ còn cách tìm đến các nguồn vốn phi chính thức mặc dù lãi suất có cao hơn. Hoặc là các doanh nghiệp chuyển hướng sang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, vốn ít hơn đầu tư vào khu vực sản xuất mà thu lời lại nhanh hơn song điều này làm ảnh hưởng đến sự cân đối của cơ cấu kinh tế. Còn nếu ngân hàng lấy tiêu chuẩn uy tín và hiệu quả làm ăn của khách hàng là tiêu chuẩn hàng đầu để xem xét, thiết lập quan hệ tín dụng thì con đường tất yếu của các doanh nghiệp mới thành lập là gì hẳn ai cũng đoán ra. Do đó ngân hàng cần có một cơ chế cho vay thông thoáng linh hoạt.
Thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cũng đã chứng minh tính không đồng bộ, không linh hoạt của các văn bản pháp luật đặc biệt là trong lĩnh vực thuế. Cụ thể là tháng 12 năm 1996 Bộ Tài Chính ban hành văn bản thu tiền thuê đất với mức tăng 10 lần so với thuế đất làm cho doanh nghiệp không có đối tượng phân bổ và do đó không có nguồn để nộp thuế, đến nay vẫn phải nhận nợ số chênh lệch này.
Các tổ chức tín dụng cũng đang phải đối mặt với vấn đề này:
Điều 12 NĐ 178 quy định về việc giữ tài sản và giấy tờ của tài sản cầm cố thế chấp như sau:"Nếu tài sản có đăng ký quyền sở hữu... TCTD phải giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản". Thực tế hiện nay các TCTD vẫn chưa nắm rõ được danh mục các tài sản theo quy định phải đăng ký quyền sở hữu và cơ quan chức năng cấp chứng nhận quyền sở hữu đó.
Điều 8 NĐ 08 quy định các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và điều 9 quy định nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này nhưng thực tế cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các chi nhánh chưa được hình thành.
Theo điểm 2, mục 1 chương V của Thông tư 06 thì ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục ban hành văn bản "quy định chế độ kế toán về cho vay có bảo đảm bằng tài sản, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản do tổ chức tín dụng lựa chọn cho vay theo chỉ định của Chính phủ" để các tổ chức tín dụng thực hiện. Đến nay văn bản này vẫn chưa được ban hành.
Nghị định 178 quy định khi thế chấp tài sản gắn liền với đất, doanh nghiệp vay phải thế chấp cả giá trị quyền sử dụng đất cùng với tài sản đó. Song khi doanh nghiệp công chứng thì công chứng viên không chứng nhận hợp đồng thế chấp tài sản bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất mà chỉ chứng nhận hợp đồng thế chấp tài sản không phải là giá trị quyền sử dụng đất. Vì theo quy định của Nghị định 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ thì chỉ có Sở Địa chính mới có quyền chứng nhận hợp đồng thế chấp tài sản giá trị quyền sử dụng đất. Nhưng nếu phòng công chứng chỉ chứng nhận hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất thì mặc nhiên phòng công chứng đã thừa nhận cho các doanh nghiệp được thế chấp tài sản gắn liền với đất tách rời với giá trị quyền sử dụng đất. Như thế lại trái với Nghị định 178 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể vay vốn ở hai ngân hàng cùng một lúc làm tăng rủi ro cho ngân hàng.
Môi trường pháp lý như vậy đã bó buộc hoạt động không chỉ của doanh nghiệp mà cả các hoạt động của ngân hàng.