HẠN CHẾ QUYỀN CỦA CHA MẸ ĐỐI VỚI CON SAU KHI LY HÔN

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản từ thực tiễn áp dụng tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Trang 64)

Bên cạnh những nghĩa vụ của cha mẹ để đảm bảo cho lợi ích của con cái, cha mẹ cũng có những quyền nhất định với con, những quyền này gắn liền với những nghĩa vụ mà pháp luật quy định cha mẹ phải thực hiện đối với con cái. Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ cơ bản đối với con, gây ảnh hưởng đến lợi ích của con cái thì việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con được pháp luật đặt ra và điều chỉnh. Việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con không chỉ đặt ra khi hôn nhân của cha mẹ còn tồn tại mà nó còn được thực hiện cả khi cha mẹ đã ly hôn. Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con bao gồm hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con, đại diện theo pháp luật cho con áp dụng đối với con chưa thành niên.

2.5.1. Căn cứ hạn chế quyền của cha mẹ đối với con

Theo Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích của xã hội. Đó chính là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, tồn tại ngay cả khi cha mẹ đã ly hôn. Do đó, nếu cha mẹ có những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con được quy định tại Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì cha, mẹ vẫn có thể bị hạn chế quyền đối với con. Người cha hoặc mẹ bị hạn chế quyền đối với con có thể là người trực tiếp hoặc là người không trực tiếp nuôi con. Cha mẹ vi phạm quyền và nghĩa vụ đến đâu thì bị hạn chế quyền đến đó. Tuy nhiên pháp luật chỉ quy định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, Tòa án có thể dựa trên

những căn cứ sau để ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ, cụ thể là:

Thứ nhất, cha mẹ đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức

khỏe, nhân phẩm, danh dự của con.

Cha mẹ có thể bị kết án các tội trong Bộ luật Hình sự như tội cố ý gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe (Điều 104); tội làm nhục người khác (Điều 121); tội ngược đãi, hành hạ (Điều 151)… con chưa thành niên. Cha mẹ là người đầu tiên phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con, nhưng họ lại không bảo vệ mà còn vi phạm nghĩa vụ này thì khi họ bị kết án về các tội này, bên cạnh việc kết án về mặt hình sự thì đây cũng là một căn cứ để tòa án hạn chế quyền của họ đối với người con mà họ vi phạm.

Thứ hai, cha mẹ có hành vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom,

chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Cha mẹ phải có nghĩa vụ trông nom con tức là quản lý, giữ gìn con không để con bị những người khác xâm hại hoặc không để con rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe. Chăm sóc là việc cha mẹ quan tâm sức khỏe, tinh thần và giáo dục cho con, tùy theo điều kiện mà khám chữa bệnh cho con. Nuôi dưỡng là phụ thuộc vào điều kiện của mình mà cha mẹ tạo cho con những điều kiện vật chất tốt nhất có thể để con phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Vậy vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ này là như thế nào? Hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể vì vậy rất khó cho Tòa án áp dụng căn cứ này. Do vậy khi áp dụng căn cứ này cần hiểu vi phạm nghiêm trọng là trường hợp cha mẹ đã không hề trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng con cái thường xuyên, cha mẹ đã bỏ mặc con, không bảo vệ hoặc không lường trước được những nguy hiểm mà lẽ ra phải biết đối với con, làm cho con bị rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, hay không có một môi trường sống an toàn, bỏ mặc con bị đói rét, ngược đãi, bạo hành đối với con… ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của con.

Thứ ba, cha mẹ có hành vi phá tán tài sản của con.

Pháp luật nước ta công nhận con có quyền có tài sản riêng, theo quy định tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì tài sản của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý, như vậy cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ khối tài sản của con không được phá tán tài sản của con, cha mẹ không có quyền định đoạt tài sản của con mà không vì lợi ích của con. Hiện nay có vướng mắc với quy định này là khi tài sản của cha mẹ không đủ thì phải lấy tài sản của con để đảm bảo cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình và nhu cầu của con vậy khi đó có được coi là phá tán hay không? Vì vậy nên coi trường hợp cha mẹ phá tán tài sản của con là việc cha mẹ dùng tài sản của con để đánh bạc, ăn chơi, không dùng vào nhu cầu chung cho gia đình và dùng vào những mục đích không tốt khác.

Thứ tư, cha mẹ có lối sống đồi trụy, xúi giục, ép buộc con làm những

việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Cha mẹ có nghĩa vụ tạo cho con có một môi trường sống lành mạnh và cha mẹ phải là những tấm gương sáng để con phát triển đúng chuẩn về thể chất, trí tuệ và đạo đức, nếu cha mẹ có lối sống đồi trụy, tức là cha mẹ đã tạo ra một môi trường sống không lành mạnh, do vậy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bình thường của con, nhất là về đạo đức và tinh thần, tuy nhiên rất khó để xem cha mẹ có lối sống nào là lối sống đồi trụy để hạn chế quyền của cha mẹ. Ngoài ra nếu cha mẹ xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội cũng là một căn cứ hạn chế quyền, đây là một hiện tượng xuất hiện nhiều trong những năm gần đây như ép và lôi kéo con vào việc buôn bán ma túy, ép hay bao che cho con ăn trộm hay lôi kéo con vào việc gây tổn hại tới tính mạng, sức khỏe cho người khác, ép con bán dâm… Đó là những hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của cha mẹ, cha mẹ đã không bảo vệ con mà còn tạo cho con hình thành nhân cách không tốt, ảnh hưởng sự phát triển của con, đồng thời ảnh hưởng tới trật tự công cộng.

2.5.2. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con Theo quy định tại Điều 43 của Luật Hôn nhân và gia đình, khi mà người cha hoặc mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì họ không được trực tiếp thực hiện quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con, tùy từng mức độ vi phạm và tùy từng trường hợp mà thời hạn bị hạn chế quyền này kéo dài từ 1 năm đến 5 năm. Việc chăm nom, nuôi dưỡng, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con sẽ do người cha, hoặc mẹ không bị hạn chế thực hiện, nếu cả hai cha mẹ cùng bị hạn chế thì người thực hiện những công việc này do người giám hộ cho con thực hiện, việc cử người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khi cha mẹ ly hôn, người trực tiếp nuôi con bị hạn chế quyền đối với con thì con được giao cho người kia nuôi dưỡng và phải được Tòa án ghi rõ trong quyết định hạn chế quyền của cha mẹ đối với con. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con bị hạn chế quyền đối với con thì họ không không còn quyền thăm nom con trong thời gian bị hạn chế. Mặc dù bị hạn chế quyền đối với con nhưng người đó vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng tức là vẫn phải đảm bảo và cung cấp những nhu cầu vật chất cho con.

Tóm lại, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định một cách chi tiết và cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn. Việc cha mẹ thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ này nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha mẹ ly hôn. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con như một biện pháp răn đe nhằm hạn chế những hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của con.

Chương 3

THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CON

KHI CHA MẸ LY HÔN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Quyền sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản từ thực tiễn áp dụng tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)