Tính chất vật lý của một hạt nanoshell sẽ thay đổi khi chúng ta thay đổi thành phần cấu tạo hoặc tỷ lệ bán kính lõi – vỏ. Một hạt nanoshell thông thường có lớp vỏ được cấu tạo bởi những kim loại quý có bề dày trong khoảng 1 – 20nm. Đa số những tính chất được sử dụng của nanoshell phụ thuộc mạnh vào tính chất của lớp vỏ này. Thật vậy, khi một lớp nano kim loại phủ trên bề mặt của một lõi điện môi, diện tích bề mặt sẽ lớn hơn rất nhiều. chúng ta có thể điều khiền bề dày lớp vỏ này, tuy nhiên cần chú ý tới sự cân bằng nhiệt động của lớp lõi bên trong. Hơn thế nữa, hình thái học của hạt nanoshell có thể thay đổi tuỳ vào phương pháp tổng hợp vật liệu. Khi hình thái của hạt thay đổi, tính chất của hạt cũng sẽ thay đổi theo, đó là ưu điểm khác của nanoshell. Trên thực tế, lớp vỏ điện môi bên trong có thể là một sợi nano, một ống nano, một vòng nano hoặc một khối nano hình hộp. Điều đó có ý nghĩa là, chúng ta có thể có những hạt nanoshell với hình thái thay đổi tuỳ theo ý mong muốn.
Hạt nanoshell cũng mang lại lợi ích về mặt kinh tế trong quá trình sản xuất vật liệu. Thật vậy, chúng ta sẽ ít tiêu tốn vật liệu hơn khi tạo ra một hạt có lớp vỏ vàng bên ngoài một hạt nano điện môi giá rẻ. Thêm vào đó, lớp vỏ vàng bên ngoài lại có những tính chất vật lý và hoá học khác biệt so với một hạt nano vàng thuần khiết. Những tính chất đặc biệt đó bao gồm sự cân bằng hoá học của vật liệu, tính chất phát quang mạnh, độ rộng vùng cấm có thể thay đổi được. Những tính chất này được sử dụng trong công nghệ làm cảm biến sinh học và dẫn truyền thuốc.