Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu Luận văn: Hoàn thiện công tác thẩm định tài chính dự án tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội (Trang 58)

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động thẩm định nói chung và thẩm định tài chính dự án nói riêng tại chi nhánh còn có những điểm chưa hợp lý, đã làm hạn chế nhất định đến hiệu quả công tác thẩm định, do đó cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo đạt được yêu cầu và tương xứng với tầm quan trọng cũng như vai trò của công tác thẩm định trong hoạt động của ngân hàng.

- Tổ thẩm định mới được thành lập còn ít kinh nghiệm. Số lượng cán bộ thẩm định còn thiếu dẫn đến khó khăn trong phân công công tác. Vì vậy, một cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc làm ảnh hưởng tới tính chuyên môn hoá trong công tác thẩm định.

- Báo cáo thẩm định còn chưa chi tiết, sơ sài. Các chỉ tiêu còn chưa có phân tích, so sánh chuyên sâu. Việc tính toán trong quá trình tính toán các chỉ tiêu còn gặp sai sót, trình bày báo cáo thẩm định chưa thực sự khoa học và hợp lý. Việc phân tích và đánh giá các chỉ tiêu tài chính còn chung chung, sơ sài, khó hiểu, khiến người đọc có cảm giác như báo cáo chỉ mang tính hình thức, không sâu sắc.

- Việc tính toán hiệu quả tài chính của dự án còn nhiều lúng túng, có những dự án việc xác định thời hạn cho vay chưa phù hợp với nguồn thu, nguồn trả nợ của dự án.

- Phương pháp thẩm định còn một số hạn chế. Mới chỉ dừng lại ở việc tính một số ít chỉ tiêu chính mà chưa quan tâm đúng mức tới một số chỉ tiêu khác. Trong phân tích rủi ro của dự án mới chỉ sử dụng phương pháp tính độ nhạy, các phương pháp khác như phân tích tình huống, phân tích điểm hoà vốn chưa được áp dụng.

- Thẩm định tài chính dự án chủ yếu dựa trên thông tin hồ sơ dự án, thông tin do khách hàng cung cấp, chưa xây dựng được kênh thông tin độc lập làm cơ sở để đánh giá một cách toàn diện khách quan.

- Hiện nay việc thẩm định dự án cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn do thị trường có những diễn biến bất ổn. Lạm phát nước ta đang ở mức cao làm cho các dự án trước đây gặp nhiều khó khăn vì trượt giá. Giá xây dựng cũng tăng đến chóng mặt nhiều vật liệu như xi măng, sắt, thép tăng gấp 2, 3 lần làm các công trình đã được dự toán trước đây đều phải xem xét lại ngân sách, thậm chí nhiều dự án phải dừng lại vì không còn đủ kinh phí. Kèm theo đó là giá xăng dầu, giá vàng thay đổi từng ngày từng giờ càng làm công tác thẩm định dự án thêm khó khăn hơn. Các cán bộ tín dụng và thẩm định đang gặp nhiều trở ngại khi giá cả liên tục biến động. Điều này làm việc xác định giá cũng như doanh thu của dự án khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, nhiều dự án nhạy cảm đặc biệt là các dự án xây dựng thường khó để được Chi nhánh phê duyệt trong thời điểm này dẫn đến những cơ hội có thể bị bỏ lỡ rất đáng tiếc.

Khi công tác thẩm định vẫn còn những bất cập thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động tín dụng- hoạt động chính của ngân hàng. Điều này làm cho hoạt động tín dụng sẽ tiềm tàng nhiều rủi ro hơn, dẫn đến không đảm bảo chất lượng tín dụng. Và để nâng cao chất lượng tín dụng một trong những biện pháp hữu hiệu là nâng cao chất lượng thẩm định đặc biệt là thẩm định tài chính dự án. Để làm được điều này ta phải tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác thẩm định tại chi nhánh. Có hai nhân tố tác động tới chất lượng thẩm định tài chính dự án đó là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

a/ Nguyên nhân chủ quan

Đánh giá kế hoạch doanh thu từ năm trong những năm đầu thực hiện dự

án không khả thi do dự kiến tiến độ thi công dự án chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến việc tính toán dòng tiền của dự án, từ đó làm sai lệch các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.

∗ Khi thẩm định tài chính dự án, cán bộ tín dụng thường chấp nhận dự toán của chủ đầu tư đưa ra trong dự án mà chưa đánh giá một cách toàn diện, do vậy ở một số dự án khi đi vào thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn do thiếu vốn.

∗ Phân tích độ nhạy, yếu tố rủi ro, đặc biệt là khi xác định thời gian thu hồi vốn đều ít tính đến hệ số chiết khấu hoặc tính chưa đúng tỷ lệ chiết khấu.

Thứ hai: Cán bộ thẩm định còn bất cập về trình độ nghiệp vụ, kiến thức, chưa được huấn luyện tốt về kỹ năng thẩm định.

Do yêu cầu của công tác tổ chức, trong năm qua, một số cán bộ làm công tác tín dụng lâu năm, có kinh nghiệm thuyên chuyển, nhận công tác mới và một số cán bộ mới được tăng cường về các phòng ban khác. Tuy đã được học ở các trường đại học, cao đẳng, được theo học các lớp tập huấn và tự trau dồi kiến thức để theo kịp sự phát triển về nghiệp vụ ngân hàng cũng như những đòi hỏi ngày càng phức tạp trong công tác thẩm định nhưng quá trình thẩm định chưa được thực hiện theo đúng bài bản, chưa tuân thủ đúng nội dung quy trình thẩm định. Điều đáng lưu ý là thiếu sự quan tâm tới các giả định của số liệu nêu trong dự án mà chỉ lắp số liệu đó vào công thức để tính toán. Có thể nói rằng cán bộ thẩm định của ngân hàng lấy thông tin chủ yếu từ khách hàng và nguồn dự kiến của ngân hàng mà chưa tham khảo được thông tin từ các dự án tương tự hoặc từ nguồn thông tin các nhà cung cấp và đối tác của khách hàng.

Thứ ba: Thông tin, số liệu làm căn cứ tính toán, thẩm định, nhất là thẩm định tài chính chưa đầy đủ, thiếu chính xác dẫn đến khó đánh giá hay đánh giá sai về khách hàng, về hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi của dự án.

Pháp lệnh kế toán, thống kê chưa được thực hiện nghiêm túc. Việc hạch toán của doanh nghiệp nhiều khi không đúng thực chất và chưa có chế độ kiểm toán bắt buộc nên rất khó đánh giá thực trạng khả năng tài chính, tình hình thanh toán, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, việc hạch toán không được cập nhật, doanh nghiệp chỉ có bảng cân đối tài khoản hay lập quyết toán theo tháng, quý thậm chí 6 thángmột lần nên số tài liệu cung cấp cho ngân hàng không kịp thời, thường là lạc hậu so với hiện tại.

Đối với khách hàng là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, một số doanh nghiệp tư nhân thường lên đồng thời hai bảng cân đối lỗ - lãi riêng. Để đối phó với cơ quan thuế, doanh nghiệp thường sử dụng bảng cân đối lỗ để chịu thuế thấp. Nhưng ngược lại, để có cơ sở vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân thường sử dụng bảng cân đối lãi để tạo ra tình hình tài chính lành mạnh, do đó tạo ra sự không chính xác trong thông tin làm ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định.

Bên cạnh số liệu lịch sử về doanh nghiệp thiếu chính xác, số liêụ nêu trong các bảng báo cáo khả thi hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật cũng ở tình trạng như vậy. Trong đó, các con số dự kiến về cân đối thu chi, về khả năng tiêu thụ thường là ước tính, chưa mang tính khoa học cao nhất là áp dụng phương pháp toán học để tính toán, từ đó, kết quả tính toán các chỉ tiêu điểm hoà vốn, NPV, IRR và mốc để so sánh các chỉ tiêu đi cùng chưa chính xác.

Thứ tư: Cơ sở vật chất tại ngân hàng phục vụ cho công tác thẩm định còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa có hệ thống máy tính hiện đại với phần mềm dành riêng cho

việc hệ thống hoá thông tin và tính toán các chỉ tiêu hiệu quả tài chính dự án. Điều kiện vật chất cung cấp cho các cán bộ thẩm định trong quá trình làm việc còn chưa đạt yêu cầu. Hầu như chưa có cán bộ nào được trang bị máy tính xách tay trong quá trình đi công tác do đó hạn chế trong việc xử lý thông tin và phân tích dự án.

Thứ năm: Các hệ thống quy trình nghiệp vụ mặc dù đã được triển khai nhưng

việc áp dụng còn có những thiếu sót, bất cập dẫn đến hiệu quả hạn chế.

b/ Nguyên nhân khách quan.

Chất lượng của thẩm định tài chính dự án không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan xuất phát từ chính ngân hàng mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ dự án, cụ thể:

Thứ nhất: Tình trạng thiếu trung thực và năng lực hạn chế trong việc điều hành quản lý dự án của chủ đầu tư.

Các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện vay vốn, dự án chưa đủ tài chính để được đầu tư vốn nhưng do chủ đầu tư tin vào khả năng sẽ thành công của dự án hoặc thậm chí chủ dự án muốn chiếm dụng vốn của ngân hàng nên lập dự án hết sức hoàn hảo dưới sự tư vấn của các chuyên gia cho nên việc thẩm định và đưa ra quyết định cho vay hay không cho vay là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, một số dự án xin vay vốn ngân hàng chỉ là một phần, một mảng của dự án phát triển tổng thể của một tổng công ty, có trường hợp doanh nghiệp xin vay để đầu tư thiết bị lẻ trong dây chuyền sản xuất…như vậy việc tính toán hiệu quả kinh tế rất khó khăn và thông thường là tính doanh thu, chi phí, lợi nhuận chung cho cả dây chuyền hay toàn doanh nghiệp, nên các chỉ tiêu thường là không xác đáng.

Thứ hai: Định hướng quy hoạch phát triển kinh tế, môi trường pháp lý chưa lành mạnh, chủ trương của các ngành hữu quan không thống nhất dẫn đến khó khăn cho công tác thẩm định và quyết định cho vay.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đang từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới đã đem lại những lợi ích to lớn cho đất nước. Tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định của các yếu tố vĩ mô mà điều này lại tác động tới chất lượng thẩm định tài chính. Thị trường đầu vào và đầu ra thường xuyên có những biến động to lớn gây nên những thay đổi to lớn về giá bán sản phẩm, giá mua nguyên liệu đầu vào trong một số dự án, đã làm giảm tính chính xác của việc thẩm định dự án.

Trong nền kinh tế ngày nay, vai trò của Nhà nước có ý nghĩa hết sức to lớn, ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển lành mạnh của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tuy vậy, ở nước ta sự quản lý của Nhà nước về kinh tế vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, thể hiện ở góc độ ban hành các văn bản chồng chéo, không rõ ràng. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thẩm định dự án của ngân hàng do luôn xảy ra tình trạng các doanh nghiệp không tuân thủ hoặc lách luật. Bên cạnh đó những thay đổi thường xuyên của các chế độ, chính sách như hiện nay cũng làm cho ngân hàng khó đưa ra những dự đoán trong tương lai và do vậy chất lượng thẩm định dự án không cao.

Thứ ba: Xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế nước ta là chủ yếu dùng tiền mặt để thanh toán, do đó lượng tiền mặt luân chuyển qua hệ thống ngân hàng còn ít, điều này gây khó khăn trong việc theo dõi việc thu chi của doanh nghiệp vay vốn nên không thể nắm chắc được tình hình của doanh nghiệp đó, xem xét doanh nghiệp đó có sử dụng tiền vay đúng mục đích, đúng tiến độ hay không, để từ đó có các biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn các hành vi sai phạm, thu hồi vốn nếu

cần thiết…qua đó nâng cao chất lượng tín dụng và cũng góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm định.

Tóm lại trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, công tác thẩm định dự án của Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, điều này đặt ngân hàng trước những thử thách mới, đòi hỏi các biện pháp tháo gỡ. Để hoàn thiện công tác thẩm định tài chính dự án, các nguyên nhân trên cần được khắc phục thông qua việc thực thi một số giải pháp nhất định.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM GÓP PHẦN HOÀN THIỆN CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH

TÀI CHÍNH DỰ ÁN TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NGOẠI THƯƠNG HÀ NỘI

3.1.Định hướng hoạt động kinh doanh của NHNT Hà Nội

Một phần của tài liệu Luận văn: Hoàn thiện công tác thẩm định tài chính dự án tại Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội (Trang 58)