Đặc tính truyền sóng

Một phần của tài liệu Giải pháp thiết kế nâng cao vùng phủ sóng thông tin di động bên trong toàn nhà cao tầng (Trang 31)

Đã có một số nghiên cứu được thực hiện để xác định các đặc tính truyền sóng vô tuyến trong các ngôi nhà, tòa nhà công sở, và nhà xưởng. Một trong những nghiên cứu sớm nhất, được thực hiện trên một hệ thống điện thoại không dây tại Nhật Bản, với dải tần 250 MHz và 400 MHz. Việc đo đạc sử dụng một máy phát công suất thấp (10mW), kết quả đo được cho thấy suy hao đường truyền trung bình tuân theo quy luật suy hao trong không gian tự do với khoảng cách rất ngắn (phạm vi 10m), sau đó tăng tỷ lệ với khoảng cách. Nếu đường truyền tín hiệu bị chắn bởi đồ vật, các đặc tính lan truyền sẽ bị ảnh hưởng theo các cách khác nhau và không có quy luật chung. Sự thay đổi tức thời của tín hiệu xung quanh giá trị trung bình rất gần với phân bố Rayleigh, đó là kết quả của quá trình tán xạ từ tường, sàn nhà, trần nhà và đồ đạc.

Một quy luật về mối quan hệ giữa suy hao đường truyền theo khoảng cách từ máy phát được sử dụng để dự đoán cường độ tín hiệu trong một tòa nhà có cấu trúc đã cho, nhưng rất khó để đưa ra một công thức chung. Các đặc tính sẽ gần như tuyến tính khi các phòng có kích thước giống nhau, bố trí đều, với các bức tường suy hao giống nhau giữa các phòng. Số mũ n trong công thức tính công suất thay đổi từ xấp xỉ 2 (trong không gian tự do) theo dọc tiền sảnh và hành lang sau đó tăng đến gần 6 khi đường truyền bị tắc nghẽn cao.

Motley và Keenan đã báo cáo kết quả nghiên cứu của họ với môi trường nghiên cứu là một tòa nhà công sở nhiều nhiều tầng tại tần số 900 và 1700 MHz [4]. Nói chung suy hao đường truyền đo được tại tần số 1700 MHz cao hơn 5.5 dB so với tần số 900 MHz.

Các kết quả đo thực nghiệm khác cho thấy suy hao qua tường tấm thạch cao hai lớp là 3 – 4 dB và qua tường gạch là 7 – 8 dB. Các giá trị này nhỏ hơn suy hao qua sàn, có thể do sàn nhà thường bằng bê tông có lưới kim loại gia cố. Và có thể thấy rằng tại tần số 1700 MHz có xu hướng giữ lại năng lượng sóng vô tuyến cao hơn tại

tần số 900 MHz khi truyền qua cầu thang và thang máy. Điều này đã được đúc kết lại rằng suy hao giữa các tầng chịu ảnh hưởng bởi cấu trúc vật liệu của các bức tường, số lượng và kích thước cửa sổ và loại kính.

Môi trường xung quanh tòa nhà cũng phải được xem xét, vì rõ ràng, năng lượng bên trong tòa nhà có thể lan truyền ra xa, bị phản xạ và nhiễu xạ từ những tòa nhà xung quanh và lại đi vào tòa nhà với mức độ mạnh hay yếu hơn tùy thuộc vào anten và đặc tính phân cực của nó. Các cuộc thử nghiêm cũng đã chỉ ra rằng suy giảm giữa các tầng gần kề lớn hơn suy giảm gia tăng bởi mỗi tầng thêm vào và sau 5 hoặc 6 tầng thì suy giảm gia tăng càng ít hơn. Đã có một vài nghiên cứu được công bố về suy hao tín hiệu gây ra bởi lan truyền sóng qua các vật liệu xây dựng khác nhau trên một dải tần rộng.

Các nghiên cứu này chỉ ra rằng tất cả các lan truyền tín hiệu trong tòa nhà phụ thuộc vào quy hoạch và kiến trúc tòa nhà tại tần số 1700 MHz nhiều hơn là tại tần số 900 MHz. Mặc dù suy hao tín hiệu tăng theo tần số nhưng dải tần 1700 MHz có thể được sử dụng cho hệ thống điện thoại không dây trong nhà, nơi mà trong bất cứ trường hợp nào, số lượng trạm phát gốc phụ thuộc vào dung lượng và yêu cầu chất lượng hoạt động hơn là sự giới hạn vùng phủ sóng của tín hiệu.

Phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu hai mô hình truyền sóng trong nhà tiêu biểu: • Mô hình truyền sóng trong tòa nhà của Rappaport.

• Mô hình truyền sóng tronh tòa nhà của Keenen và Motley.

Một phần của tài liệu Giải pháp thiết kế nâng cao vùng phủ sóng thông tin di động bên trong toàn nhà cao tầng (Trang 31)