Hiện nay trên thế giới có khá nhiều các công cụ mô phỏng cho phép những người nghiên cứu triển khai các thử nghiệm mạng không dây của mình và ba công cụ phổ biến được dùng nhiều nhất hiện nay là OPNET [6], NS-2 [7] và GloMoSim [8]. Cả ba công cụ này đều cung cấp các môi trường mô phỏng nâng cao cho phép kiểm tra và gỡ lỗi hầu hết các giao thức mạng, bao gồm cả các ứng dụng mạng không dây. Sau đây là một số nét cơ bản về ba công cụ này.
Hình 10. Tỷ lệ sử dụng một số công cụ mô phỏng [11]
OPNET Modeler là một công cụ mô phỏng mạng rất mạnh được xây dựng bởi OPNET. Công cụ này có thể mô phỏng tất cả các loại mạng hữu tuyến, đồng thời cung cấp các cài đặt lớp MAC tương thích với chuẩn 802.11. Mặc dù mục đích của OPNET là giúp cho các doanh nghiệp chuẩn đoán hoặc cải tổ lại hệ thống mạng của mình, tuy
nhiên công cụ này cũng cho phép phát triển các giao thức mới bằng cách sử dụng những thành phần sẵn có. Hầu hết các bước triển khai bằng OPNET đều được thực hiện thông qua một giao diện người dùng đồ họa phân cấp. Hiện nay đây là công cụ được ưa chuộng nhất trên thị trường các phần mềm thương mại mô phỏng mạng.
NS là phần mềm mã nguồn mở mô phỏng mạng sự kiện rời rạc được phát triển từ năm 1989 dưới dạng một biến thể của phần mềm mô phỏng mạng REAL [9] và NS- 2 là phần mềm NS phiên bản 2. Từ năm 1995, sự phát triển của NS đã được hỗ trợ bởi DARPA thông qua dự án VINT tại LBNL, Xerox PARC, UCB, và USC/ISI [46].Ban đầu, phần mềm này chỉ dùng để mô phỏng các mạng hữu tuyến, tuy nhiên sau đó Monarch Group của CMU [13] đã thêm vào NS-2 thành phần mô phỏng mạng không dây cho phép mô phỏng các mạng như MANET hay LAN không dây. Kiến trúc của NS-2 tuân thủ chặt chẽ mô hình OSI. Hầu hết các giao thức dùng cho MANET và các cài đặt lớp MAC tương thích 802.11 đều có trong NS-2. Đây là công cụ mô phỏng rất quen thuộc với các nhà nghiên cứu về mạng.
GloMoSim là một môi trường mô phỏng hỗ trợ rất nhiều kiểu mạng hữu tuyến và không dây, được phát triên bởi phòng thí nghiệm tính toán UCLA [10]. Công cụ này được thiết kế bằng cách sử dụng khả năng mô phỏng sự kiện rời rạc song song được cung cấp bởi ngôn ngữ mô phỏng song song dựa trên C là Parsec [10]. Hiện nay, GloMoSim chỉ hỗ trợ các giao thức dùng cho các mạng hoàn toàn là không dây. Kiến trúc của công cụ này được xây dựng dựa trên cách tiếp cận theo lớp. Các API chuẩn được sử dụng ở giữa các lớp khác nhau. Điều này cho phép sự tích hợp một cách nhanh chóng các mô hình được phát triển trên các lớp khác nhau.
Hiện nay, sự so sánh giữa ưu và nhược điểm cũng như hiệu suất của các công cụ vẫn còn đang được xem xét và đánh giá. Tuy vậy, việc sử dụng các công cụ này đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng và các kết quả có được thông qua mô phỏng trên các công cụ này đã được đăng trên nhiều tạp chí có uy tín. Trong khuôn khổ và điều kiện của luận văn, tác giả đã chọn NS-2 làm công cụ mô phỏng cho nghiên cứu của mình.