Chúng ta đều biết rằng, việc xây dựng, phát triển một ứng dụng, một giao thức mới trên một mạng bao giờ cũng cần phải có giai đoạn thử nghiệm và đánh giá kết quả trước khi có thể đem ra ứng dụng trong thực tế. Thông thường, nếu các phòng thí nghiệm có đủ điều kiện về thiết bị, tài chính thì các thử nghiệm có thể được thực hiện ngay trên những mạng thực do các thiết bị mạng thực tạo nên, qua đó, kết quả đo được sẽ có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng có thể thực hiện được, ví dụ như khi cần một mạng máy tính cần đến hàng nghìn máy tính để thực hiện một giao thức hoặc một mạng không dây cần đến một không gian rộng lớn với rất nhiều các thiết bị không dây tham gia… Trong các trường hợp này, biện pháp được hầu hết các nhà nghiên cứu lựa chọn là triển khai thử nghiệm trên các công cụ mô phỏng. Lựa chọn này sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu đơn giản hóa việc thử nghiệm, tiết kiệm được nhiều công sức cũng như tài chính. Nhưng ngược lại với các ưu điểm trên, độ chính xác của các kết quả đo được lại phụ thuộc nhiều vào thiết kế của các công cụ mô phỏng. Tuy vậy, các công cụ mô phỏng cho đến thời điểm hiện nay đều đã phát triển đến độ chính xác rất cao, khiến cho các kết quả đo được thông qua mô phỏng khá gần với các kết quả đo được khi triển khai trong thực tế.
Các nghiên cứu trên mạng MANET hiện nay đều gặp phải các vấn đề khó khăn như vừa được nêu ở trên. Chúng ta đều biết, một mạng MANET là một tập hợp của các thiết bị tính toán di động với số lượng từ vài chục đến vài nghìn và trải rộng trên một phạm vi có thể lên đến hàng km2. Rõ ràng là việc thiết lập được một mạng MANET thực sự như vậy là không hề đơn giản. Ngoài ra, việc dò lỗi cũng như điều kiện thông kê về kết quả cũng rất phức tạp và khó chịu. Với những lý do trên, hầu hết các nghiên cứu liên quan đến mạng MANET đều được các tác giả của chúng tiến hành thử nghiệm trên các công cụ mô phỏng mạng. Hiện nay, rất nhiều kết quả nghiên cứu có được thông qua mô phỏng đã được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín lớn.
Công việc thiết kế và cài đặt các thử nghiệm mô phỏng đều theo một số bước chung như sau:
Lựa chọn công cụ mô phỏng: công cụ hỗ trợ tốt nhất cho việc thiết kế mô hình mạng (cấu hình và số lượng thiết bị có thể hỗ trợ, độ rộng của môi
trường…), giao thức mà mình nghiên cứu (đã có sẵn hoặc khả năng thiết kế mới dễ dàng…) và độ chính xác của các mô phỏng.
Thiết kế mô hình mạng và giao thức cần thử nghiệm: cấu hình mạng (hình trạng, thiết bị tham gia…), thiết kế giao thức cần thử nghiệm trên công cụ đã chọn, xây dựng mô hình biểu diễn dữ liệu đầu ra.
Xây dựng các kịch bản thử nghiệm và tiến hành mô phỏng các kịch bản. Phân tích kết quả và đưa ra nhận xét đánh giá.
Việc tiến hành thử nghiệm kỹ thuật flooding xác suất mà luận văn nghiên cứu cũng không nằm ngoài xu hướng chung của các nghiên cứu khác, đó là được thực hiện trên công cụ mô phỏng. Tiến trình xây dựng cài đặt thử nghiệm mô phỏng cũng đã được tác giả thực hiện theo các bước vừa nêu trên và được trình bày trong các phần sau.