DÂN CHỦ
Sau cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, cách mạng nước ta bị đế quốc, phong kiến đàn áp, khủng bố hết sức khốc liệt. Hàng vạn cán bộ, đảng viên, đoàn viên và quần chúng yêu nước bị chém giết, tù đày. Nhiều cơ sở Đảng, cơ sở Đoàn tan vỡ. Tuy nhiên, những chiến sĩ cách mạng còn lại vẫn kiên cường hoạt động bất chấp gươm súng của kẻ thù. Trong tình hình đó Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã công bố Chương trình hành động của Đảng và các Chương trình hành động của các tổ chức quần chúng của Đảng, trong đó có Chương trình hành động của Đoàn Thanh niên Cộng Sản. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc củng cố Đoàn cả về mặt nhận thức và thực tiễn. Nhờ vậy đến những năm 1933-1934, các cơ sở Đảng, cơ sở Đoàn dần dần được khôi phục.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3-1935) là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng đã được phục hồi.
Đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản, Đại hội đã nhận định: Cơ sở của Đoàn ở Nam Kỳ đã được khôi phục, ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ đội ngũ của Đoàn đang được chỉnh đốn, nhiều cơ sở mới của Đoàn được tổ chức lại. Tại các tỉnh miền núi ở Bắc Kỳ và Lào - Đoàn đã thu hút thêm nhiều đoàn viên thuộc các dân tộc ít người và cả người Hoa. Đại hội đã nêu rõ: Nhiệm vụ chính của Đoàn là phải củng cố và mở rộng tổ chức, đặc biệt là ở những vùng quan trọng như các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền,v.v... Phải dùng các hình thức công khai và bán công khai, bí mật lập ra các tổ chức có tính phổ thông như Hội thể thao, Câu lạc bộ, Hội đọc sách báo, Hội cứu tế vv... để tập hợp thanh niên.
Sự phục hồi tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng trong đó có Đoàn Thanh niên Cộng sản đã tạo điều kiện cho Đảng và Đoàn bước vào một thời kỳ đấu tranh mới.
Tháng 7 năm 1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1935.
Xuất phát từ sự phân tích bản chất, âm mưu, thủ đoạn và nguy cơ của chủ nghĩa phát xít đối với cách mạng thế giới. Đại hội đã vạch rõ kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân thế giới lúc này không phải là chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít. Nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân quốc tế chưa phải là đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà là đấu tranh giành dân chủ và hòa bình, bảo vệ Liên Xô.
Tháng 5-1935 Mặt trận nhân dân Pháp được thành lập bao gồm Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng cấp tiến, Tổng Liên đoàn Lao động thống nhất và các đoàn thể quần chúng khác. Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5 năm 1936, Mặt trận nhân dân giành được đa số phiếu và tháng 6 năm 1936, Chính phủ phái tả lên cầm quyền ở Pháp.
Chính phủ này thực chất vẫn là cơ quan chấp hành ý chí của giai cấp tư sản Pháp, nhưng trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng đoàn kết trong Mặt trận nhân dân, một số yêu sách về xã hội - kinh tế trong cương lĩnh của Mặt trận đã được thực hiện.
Căn cứ vào những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, quán triệt và vận dụng nghị quyết của Quốc tế Cộng sản vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể ở Việt Nam và để thực sự phối hợp giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, nhất là cách mạng Pháp, tháng 7 năm 1936 Hội nghị Trung ương Đảng đã định ra đường lối, phương pháp tổ chức và đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới.
Nhiệm vụ trước mắt của Đảng và nhân dân ta lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai của chúng ở Đông Dương, đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống, chống chiến tranh phát xít, bảo vệ hòa bình. Vì vậy, Đảng chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi (về sau đổi thành Mặt trận thống nhất dân chủ) bao gồm tất cả các giai cấp, đảng phái, đoàn thể chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau để cùng đấu tranh đòi những điều kiện dân chủ tối thiểu cho nhân dân các nước trên bán đảo Đông Dương.
Để phù hợp với sự chuyển hướng về nhiệm vụ, hội nghị chủ trương chuyển hình thức tổ chức bí mật không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp.
Tiếp sau đó, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 7 năm 1936 đã ra những quyết định quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động thanh niên. Các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương trong các kỳ họp tháng 3-1937, tháng 9-1937, và tháng 3- 1938 đều có những quyết nghị về công tác vận động thanh niên, chỉ ra phương hướng nhiệm vụ công tác tư tưởng và tổ chức của Đoàn trong thời kỳ này.
Tháng 3-1937, Đảng quyết định tổ chức ra “Đông Dương phản đế Đoàn” để thay cho “Đông Dương cộng sản Đoàn”. Tháng 9-1937 Đảng nhấn mạnh phải ra sức tổ chức các hội quần chúng phổ thông của thanh niên (Thanh niên dân chủ, tân tiến, thể thao, khuyến học,v.v...) để thu phục quảng đại quần chúng thành một Mặt trận thống nhất thanh niên. Đến tháng 3-1938 Đảng quyết định
tổ chức “Thanh niên tân tiến Hội” để giúp Đảng vận động các tầng lớp thanh niên phù hợp với hoàn cảnh, trình độ, tâm lý của họ để có khẩu hiệu và hình thức tổ chức thích hợp (phổ thông và công khai hoặc bán công khai, như hội đá bóng, đọc báo, âm nhạc,v.v...). Trong thời kỳ 1936-1939, Đoàn thanh niên có nhiều tên gọi khác nhau song đều nhằm mục đích đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ, vì vậy chúng ta thường gọi tên chung là Đoàn Thanh niên dân chủ.
Một số không ít cán bộ, đoàn viên thanh niên cộng sản thoát khỏi nhà tù đế quốc nay tiếp tục hoạt động với trách nhiệm mới trong Đoàn Thanh niên dân chủ. Được Đảng giáo dục, bồi dưỡng, Đoàn Thanh niên dân chủ đã tiếp nối xứng đáng truyền thống anh dũng của mọi trận tuyến đấu tranh chống quân thù dưới ngọn cờ của Đảng. Mở đầu là phong trào đấu tranh đòi triệu tập “Đại hội Đông Dương”.
Lúc này trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Pháp, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp phải quyết định thả tù chính trị, thi hành một số cải cách xã hội ở các thuộc địa Pháp và thành lập một ủy ban điều tra tình hình Đông Dương.
Nắm được cơ hội hiếm có này, Đảng ta liền chủ trương phát động phong trào đấu tranh công khai, bằng hình thức vận động lập “ủy Ban trù bị Đông Dương Đại hội” nhằm thu thập nguyện vọng cả các tầng lớp nhân dân, tiến tới triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân Đông Dương để thông qua bản “Dân nguyện” gửi cho phái bộ điều tra Pháp sắp sang ta.
Thanh niên là lực lượng hăng hái, tích tực nhất trong các ủy ban hành động, trong việc đi thu thập nguyện vọng của nhân dân. Những yêu cầu về quyền dân sinh, dân chủ này cũng là nguyện vọng bức bách của đông đảo thanh niên và quần chúng lao động vì rằng: “Trừ một số ít thanh niên con nhà tư sản, thì hầu hết thanh niên lao động cho đến thanh niên tiểu tư sản đều phải sống cuộc đời khốn quẫn về vật chất lẫn tinh thần”(1).
Phong trào Đông Dương Đại hội phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn, ở Nam Bộ đã có 600 ủy ban hành động phần lớn là thanh niên tham gia, Một số ủy ban hành động như ở thành phố Sài Gòn bao gồm gần 100% là thanh niên có cảm tình với cách mạng. Các ủy ban hành động tổ chức nhiều cuộc hội nghị, mít tinh để giải thích, thảo luận về tình hình thời cuộc, về tình cảnh đời sống, về mặt trận nhân dân và những yêu cầu về quyền dân chủ, cải thiện đời sống về luật lao động. Qua các cuộc sinh hoạt chính trị này thanh nhiên càng thấy rõ, muốn có được những quyền lợi tối thiểu thì phải đoàn kết lại và tổ chức đấu tranh.
Hoảng sợ trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, Chính phủ Pháp ra lệnh cấm Đông Dương Đại hội, nhưng chúng không ngăn cấm được làn sóng đòi quyền dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân ta.
Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, phong trào đấu tranh của thanh niên ngày một lan rộng khắp các thành phố và địa phương trong cả nước. Thanh niên công nhân đấu tranh đòi tự do lập nghiệp đoàn, tăng lương, giảm giờ làm: phản đối đánh đập, cúp phạt, chống đuổi thợ... Thanh niên nông dân đòi cứu tế nạn đói, nạn lụt, đòi chia lại ruộng công, chống sưu cao thuế nặng, cướp ruộng đất, nữ thanh niên đòi quyền lợi ngang nam giới; việc làm như nhau, tiền lương ngang nhau, cấm bắt bớ, bỏ tù phụ nữ khi đến kỳ sinh đẻ... Thanh niên học sinh đòi mở thêm trường,v.v...
Chỉ tính 6 tháng cuối năm 1936 đã có 361 cuộc đấu tranh trong đó có 236 cuộc của công nhân. Có những cuộc bãi công thu hút hàng nghìn thanh niên công nhân tham gia như cuộc bãi công của 5.000 công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), tiêu biểu là cuộc bãi công lớn của hơn 30.000 công nhân mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả.
Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân lao động Đông Dương, trước sức ép của Mặt trận nhân dân Pháp và áp lực đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp, theo lệnh Chính phủ Pháp, ngày 11-10-1936, toàn quyền Đông Dương ra nghị định về một số quyền lợi của công nhân và lao động làm thuê như thời gian lao động trong một ngày không quá 10 giờ kể từ 1-11- 1936, không quá 9 giờ kể từ ngày 1-11-1938; được nghỉ chủ nhật, nghỉ phép hàng ngày (5 ngày từ năm 1937 và 10 ngày từ năm 1938), được hưởng lương, cấm bắt đàn bà, trẻ em làm việc ban đêm,v.v...
Ngày 30 tháng 12 năm 1936, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp ra nghị định quy định thêm một số chế độ lao động như chế độ học nghề, tiền lương tối thiểu, cấm cúp phạt bằng tiền, chế độ nghỉ đẻ, nghỉ cho con bú trong thời gian làm việc...
Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp đã ra sắc lệnh “ân xá” tù chính trị ở Đông Dương, vào các năm 1936 và 1937. Trên 2500 tù chính trị, phần lớn là các chiến sĩ cộng sản được thoát ra khỏi các nhà tù của bọn đế quốc.
Những thắng lợi trên đây tuy mới là bước đầu nhưng hết sức quan trọng đã nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân ta.
Mặc dù bọn phản động thuộc địa ngoan cố ngăn cấm và đàn áp, nhưng phong trào đấu tranh của quần chúng vẫn không ngừng phát triển. Trong năm 1937 có gần 400 cuộc đấu tranh của công nhân, có những cuộc bãi công lớn có tổ chức và kéo dài như cuộc bãi công của 300 công nhân Nhà máy Tơ Hải
Phòng (tháng 1-1937) của 7.000 công nhân dệt Nam Định (tháng 2-1937), của 4.000 công nhân Ba Son (tháng 4-1937) của 20.000 công nhân mỏ Uông Bí (tháng 7-1937), tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của 3.000 công nhân xe lửa Trường Thi (Vinh) và miền Nam Đông Dương (tháng 7 năm 1937).
Ở nông thôn, nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh thu hút hàng chục vạn nông dân tham gia đòi giảm sưu, giảm thuế, chống cướp ruộng đất, đòi chia lại ruộng công, xóa bỏ hủ tục hương thôn, chống bọn cường hào, lý hương tham nhũng... Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh của nông dân và thanh niên Cà Mau (tỉnh Bạc Liêu cũ) chống bọn địa chủ cướp đất và ức hiếp dân nghèo (cuối năm 1938). Cuộc đấu tranh này có tiếng vang lớn trong cả vùng đồng bằng Nam Bộ. Thanh niên các tỉnh Mỹ Tho, Gia Định - Sài Gòn, Vĩnh Long, Bạc Liêu,v.v... đã tích cực hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân và thanh niên Cà Mau.
Dưới ngọn cờ của Đảng, phong trào đấu tranh ngày càng phát triển mạnh mẽ và thanh niên đã thể hiện là một lực lượng xã hội to lớn luôn giữ vai trò đi đầu trên các trận tuyến chống quân thù. Đoàn Thanh niên dân chủ từng bước được củng cố và phát triển tổ chức. Thông qua đấu tranh, ý thức giác ngộ của quần chúng thanh niên được nâng cao và ảnh hưởng của Đảng trong thanh niên ngày càng thêm sâu rộng.
Trong thời kỳ này, Đảng ta triệt để sử dụng báo chí công khai làm vũ khí đấu tranh cách mạng. Nhờ khôn khéo lợi dụng mọi khả năng hợp pháp, từ năm 1937, báo chí công khai do Đảng lãnh đạo phát triển nhanh chóng. Hàng chục tờ báo của Đảng, của Mặt trận dân chủ, Đoàn Thanh niên dân chủ ra đời. Tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lương Khánh Thiện, đầu năm 1937 báo “Bạn dân” tờ báo của thanh niên ra đời. Báo “Bạn dân” nhanh chóng chiếm được tình cảm của đông đảo bạn đọc trẻ tuổi trong cả nước, trở thành người tuyên truyền, người giáo dục tích cực trong quần chúng thanh niên. Sau khi báo “Bạn dân” bị đình bản, Đoàn Thanh niên dân chủ lại cho xuất bản báo “Thế giới” ở Hà Nội và Đoàn Thanh niên dân chủ Sài Gòn-Gia Định xuất bản báo “Mới” ở Sài Gòn.
Mục tiêu đấu tranh của báo “Thế Giới” và báo “Mới” trong thời gian này là vạch trần chế độ thuộc địa và phong kiến thối nát, phản động, phản ánh tình trạng bị áp bức, bóc lột và những nguyện vọng của mọi tầng lớp thanh niên, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin; hướng dẫn, động viên quần chúng thanh niên đoàn kết đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống.
Đi đôi với việc xuất bản các tờ báo công khai của Đoàn, các Hội đọc sách báo của thanh niên, các đội văn nghệ, các nhóm thanh niên nghiên cứu chủ nghĩa
Mác-Lênin được thành lập ở nhiều nơi thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều tác phẩm chính trị và văn học của Mác, Ăgghen, Lênin, Goócki,v.v... được thanh niên chuyền tay nhau đọc như: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Tư bản, Chống Duyrinh, Nhà nước là gì? Người mẹ,v.v... Thanh niên còn tham gia học tập và nghiên cứu những cuốn sách do các chiến sĩ cộng sản Việt Nam viết như cuốn “Mác xít phổ thông” của Hải Triều, “Vấn đề dân cày” của Qua Ninh và Vân Đình, v.v.v...
Sách báo mác xít của Đảng, của Đoàn thanh niên dân chủ đã góp phần quan trọng giáo dục chủ nghĩa yêu nước, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin và đường lối, chủ trương của Đảng trong thanh niên. Lần đầu tiên, kể từ ngày Đoàn thành lập, tuổi trẻ được học tập và nghiên cứu một cách sâu rộng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp.
Tổ chức Đoàn ở Hà Nội đã vận động hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia lễ truy điệu và đưa tang các chiến sĩ cộng sản có uy tín như Nguyễn Thế Rục, Phan Thanh... biến cuộc đưa tang thành cuộc diễu hành biểu dương lực lượng với khẩu hiệu chính trị đòi thực hiện các quyền dân chủ mà các chiến sĩ cộng sản đã kiên trì nêu gương.
Đoàn Thanh niên dân chủ đã huy động đông đảo thanh niên tham gia các cuộc đấu tranh của quần chúng trong Mặt trận dân chủ như phong trào đấu tranh đòi tự do lập hội, tự do báo chí, tự do đi lại và cư trú, đặc biệt là phong trào truyền bá quốc ngữ.
Cuối năm 1937, đầu năm 1938, Đảng ta chủ trương thành lập Hội truyền bá quốc ngữ để nâng cao trình độ hiểu biết cho nhân dân lao động. Thanh niên học sinh, sinh viên là lực lượng nòng cốt của phong trào này. Đảng còn cử nhiều đảng viên và đoàn viên thanh niên dân chủ tham gia công tác ở cơ