XHCN VIỆT NAM
2.1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền
Dân tộc ta tự hào đã sinh ra con người vĩ đại, đã kế thừa và phát huy những tư tưởng của các tiền bối “nước lấy dân làm gốc”. Đó là Hồ Chí Minh - người khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trực tiếp đứng đầu Nhà nước trong 24 năm, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đưa đất nước đi lên con đường no
ấm hạnh phúc, sánh vai với các nước tiên tiên trên thế giới. Quá trình đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là quá trình tìm kiếm một nhà nước mới phù hợp với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam và Người khẳng định cách mạng chính quyền nhà nước luôn luôn là vấn đề cơ bản.
Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh sống trong cảnh nước mất nhà tan, từng chứng kiến cảnh nhân dân ta bị áp bức, bóc lột nặng nề dưới chế độ hà khắc, bất chấp luật pháp của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều. Khi bôn ba nơi hải ngoại, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước phương Tây, ý tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền đã xuất hiện. Bởi vậy khi có điều kiện thực hiện ý tưởng đó, Người đã chớp thời cơ đấu tranh để có được những quyền của người dân ghi trong pháp luật.
Năm 1919, tại Hội nghị Vecxây họp sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Người đã gửi Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điều, trong đó có 4 điều liên quan tới vấn đề pháp quyền. Cụ thể là:
Điều 1: Yêu cầu ân xá đối với tất cả chính trị phạm
Điều 2: Đòi cải cách nền công lý ở Đông Dương nhằm đảm bảo cho người bản xứ được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Châu Âu.
Điều 7: Đòi thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Điều 8: Đòi có đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ cử ra tại Nghị viện Pháp.
Và Người đã chuyển bản yêu sách trên thành “Việt Nam yêu cầu ca” để phổ biến rộng rãi cho mọi người trong đó có hai câu: „Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Sau khi tìm được con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta giành lấy tự do độc lập cho Tổ quốc. Tháng 8 năm 1945, Hà Nội và các địa phương trong toàn quốc khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Trước khi quân Đồng minh đổ bộ vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba
Đình, để tuyên bố với toàn thế giới và quốc dân đồng bào sự khai sinh của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính phủ lâm thời đã ra mắt trước quốc dân Việt Nam và thế giới. Tuyên ngôn độc lập là văn kiện chính trị đặc biệt có ghi: “Dân tộc Việt Nam bằng sức mạnh kỳ diệu của mình đã giành được độc lập tự do và kiên quyết bảo vệ quyền tự do và độc lập ấy. Nước Việt Nam dân chủ cộng ra đời là hợp hiến, hợp pháp. Chính phủ lâm thời là hợp pháp, hợp công lý” [23, tr.1].
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chí Minh đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ thứ ba là phải có một hiến pháp dân chủ và đề nghị sớm tổ chức tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Đó là cơ sở để tiếp tục xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước dân chủ, hợp pháp, một nhà nước thực sự đại diện cho nhân dân, do toàn dân bầu cử ra và quản lý xã hội bằng pháp luật.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật của nước ta là ý chí chung của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Người yêu cầu các cơ quan nhà nước, cán bộ viên chức nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải gương mẫu chấp hành pháp luật và Đảng cầm quyền cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Người rất coi trọng việc đưa Hiến pháp và pháp luật vào thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thể hiện tư tưởng này của Hồ Chí Minh. Người yêu cầu nhà nước ta phải là nhà nước có bộ máy hành chính mạnh, có hiệu lực, điều hành bằng pháp luật; mọi quyền dân chủ phải được thể chế trong Hiến pháp, trong các bộ luật và đòi hỏi công dân phải tuân theo.
Hồ Chí Minh đòi hỏi tính nghiêm túc không trừ một ai trong thi hành pháp luật, nhất là cán bộ ngành tư pháp càng phải nêu cao tinh thần “Phụng công thủ pháp. Chí công vô tư”. Người nói Chính phủ hiện thời đã rất cố gắng để liêm khiết, đã hết sức để làm gương và nếu làm gương không xong sẽ
“Dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết” [27, tr.1]. Đặc biệt trong tư tưởng trị nước của Hồ Chí Minh có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “pháp trị” và “đức trị”. Người nói nhà nước phải vừa giáo dục vừa vừa sử dụng pháp luật để cải tạo, giúp đỡ người phạm tội trở nên lương thiện. Xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền yêu cầu mọi người sống và làm việc tuân thủ pháp luật là nội dung chủ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước. Người nói pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do nhưng là tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền đã được phát triển trong quá trình hoạt động cách mạng của Người. Người đã dành tâm trí và nghị lực để xây dựng một nhà nước kiểu mới - nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Hồ Chí Minh nói Nhà nước của ta là “Nhà nước của dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, vận mệnh quốc gia trong tay nhân dân” [19, tr.2].
Nội dung đầu tiên, cơ bản nhất về Nhà nước của dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Dân bầu ra chính quyền nhà nước ở Trung ương và chính quyền các cấp. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già trẻ, gái trai, giầu nghèo, nòi giống, tôn giáo đều phải gánh vác một phần” [15, tr.1]. Bản thân Hồ Chí Minh đã hoạt động không mệt mỏi nhằm thức tỉnh toàn dân tộc phát huy cao nhất sức mạnh của trí tuệ, tài năng và nghị lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Ngay sau ngày thành lập nước, Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Người nhấn mạnh Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc
nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Lần đầu tiên tất cả các công dân Việt Nam có quyền bầu cử và ứng cử. Sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội chính thức tổ chức ra bộ máy nhà nước. Điều này thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trên thực tế, huy động được toàn thể nhân dân tham gia quản lý đất nước, nhân dân đóng vai trò làm chủ đất nước.
Chính quyền là vấn đề cốt tử của cách mạng mà chính sách bầu cử, ứng cử là để cho toàn dân giải quyết vấn đề đó. Tính lập hiến trong việc hình thành bộ máy nhà nước, tự do hay hạn chế, bình đẳng hay phân biệt, giả hay thật, áp đặt hay tự do lựa chọn đều là chuẩn mực để xem xét bộ máy chính quyền thực sự của dân hay không. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Có thế dân mới thực hiện được nguyện vọng và ý chí của mình. Đồng thời xuất phát từ chính nhu cầu cấp bách của tình hình phải chuyển từ Chính phủ lâm thời sang chính thức để đối phó với âm mưu của kẻ thù nhằm xóa nền độc lập về chính quyền non trẻ của nước ta lúc bấy giờ. Đối với Hồ Chí Minh, xây dựng một nhà nước của dân không chỉ trong ý tưởng mà bằng hành động thực tiễn của Người. Trước vận mệnh đất nước hiểm nghèo, để đoàn kết dân tộc và giữ vững chính quyền nhân dân non trẻ, Người đã đề nghị bổ sung 70 ghế đại biểu Quốc hội cho Việt Nam quốc dân đảng. Đây là sáng kiến kịp thời của Hồ Chí Minh để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm tập hợp lực lượng, lôi kéo các đảng phái, các tầng lớp xã hội tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Được sự ủy nhiệm của Quốc hội trong lời tuyên bố sau khi thành lập Chính phủ mới, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc Chính phủ mới “Phải tỏ rõ tinh thần đại đoàn kết, không phân đảng phái, những người tài năng dù ở trong hay ngoài Chính phủ đều cố gắng làm việc, một lòng vì nước vì dân” [27, tr.2]. Chính phủ này “Phải tỏ rõ tinh thần quốc dân liên hiệp, chú trọng thực tế và nỗ lực làm việc
để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới” [27, tr.3]. Quyền bính của nhân dân được thể hiện rõ trong việc nhân dân có quyền kiểm tra, kiểm soát và bãi miễn đại biểu. Người nhắc nhở Chính phủ phải là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân và “Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc kiểm soát, phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân” [14, tr.270]. Để nhân dân có thể kiểm tra, kiểm soát, Hồ Chí Minh yêu cầu cơ quan nhà nước phải có cách tổ chức thuận tiện để nhân dân thực hiện quyền của mình, tránh tình trạng hách dịch, cửa quyền, lạm quyền, đứng trên dân; thực hiện quyền khiếu tố của nhân dân, đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân. Người nhắc nhở lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước gây ra. Vì vậy cần phải có cơ quan thanh tra nhà nước, không những chống được lãng phí, tham ô mà còn chống được bệnh quan lieu, mệnh lệnh, giúp đỡ các cơ quan nhà nước cải tiến công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ, góp phần củng cố bộ máy nhà nước. Người nói “Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến họ, do đó mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn” [19, tr.3]. Hồ Chí Minh yêu cầu để nhà nước thực sự là của dân thì cán bộ nhà nước phải thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình, lấy ý kiến tín nhiệm hay không tín nhiệm, khen chê rõ ràng. Theo Người kiểm soát, giám sát là một nguyên tắc để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân “nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”. Nguyên tắc này đảm bảo quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình. Những người trong bộ máy các cấp phải là công bộc của dân, do dân cử ra trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm thực thi quyền lực của dân, là người phục vụ nhân dân.
Nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nhà nước do dân. Dân không chỉ lập ra nhà nước mà còn tham gia vào công việc quản lý nhà nước. Người nói nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân tổ chức nên nên quyền hành và lực lượng đều phải ở nơi dân. Bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn đều của dân, xây dựng đất nước cũng là trách nhiệm của dân. Trong báo cáo dự thảo Hiến pháp năm 1959 Hồ Chí Minh có viết “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương” [16, tr.6]. Dân bầu ra người đại diện cho mình và sử dụng cơ quan quyền lực thông qua người đại diện đó đồng thời dân có quyền kiểm soát, giám sát người mình bầu ra và bãi miễn khi họ không làm tròn sự ủy thác. Nhà nước do dân là dân phải tham gia vào công việc của nhà nước. Quốc hội nước ta tuy là vị trí cao nhất song không phải là cơ quan tập trung tất cả quyền lực. Khi xuất hiện những công việc liên quan đến vận mệnh quốc gia thì sẽ đưa ra nhân dân giải quyết nếu ba phần tư tổng số đại biểu của Quốc hội đồng ý (Điều 22, Hiến pháp năm 1946). Hội đồng nhân dân được xem như là cơ quan tự quản của dân, do dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương. Nhà nước do dân là mọi công việc xây dựng đất nước thuộc trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Do vậy phải phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể trong công tác quản lý Nhà nước và xã hội. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề nhân dân thảo luận, phát huy sang kiến và tìm cách giải quyết các vấn đề của đất nước. Người nói “Lực lượng nhiều là ở dân hết” [27, tr.3]. Do vậy Nhà nước muốn điều hành, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả, nhất định phải dựa vào dân, dựa vào sáng kiến và trí tuệ của dân. Đó là “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động” [27, tr.4]. Nhà nước do dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là dân tự làm, tự lo việc thông qua các mối quan hệ
trong xã hội, qua các đoàn thể chú không phải Nhà nước bao cấp lo thay dân, làm cho dân thụ động ỷ lại chờ đợi. Người cho rằng “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong” [27, tr.3]. Chính vì vậy Nhà nước do dân xây dựng và làm chủ, đặt dưới sự kiểm tra và kiểm soát của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn là Nhà nước tin dân, mọi lực lượng đều ở nơi dân, do dân nắm mọi quyền hành. Nhà nước tin dân, dân tin ở sự lãnh đạo của Nhà nước thì việc gì cũng làm được.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích của nhân dân, đảm bảo quyền dân chủ rộng rãi và có hiệu quả trong đời sống xã hội. Đây là tư tưởng nhất quán, nổi bật trong đời hoạt động của Người từ những năm ở nước ngoài cho đến khi trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam. Sau hơn môt tháng thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi các Uỷ ban nhân dân, các bộ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh nhắc nhở “Các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác công