dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân
Đảng cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Hồ Chí Minh khẳng định: "Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi" [12, tr.290]. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tế lịch sử chứng minh, không có một tổ chức chính trị nào có thể thay thế được. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh nêu lên luận điểm nổi tiếng trong bản Di chúc: Đảng ta phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Theo Người, Đảng phải tăng cường mối liên hệ chặt chẽ với
nhân dân. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và tự chỉnh đốn bản thân vì đây là một yêu cầu của chính sự nghiệp cách mạng trong tất cả các thời kỳ.
Trải qua thực tế các cao trào cách mạng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng ở Việt Nam một nhà nước dân chủ cộng hòa, một nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh còn khẳng định sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước. Nhà nước ta được coi là Nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng bản chất giai cấp của Nhà nước ta là bản chất giai cấp công nhân. Người đã sớm thấy được tầm quan trọng của pháp luật trong quản lý xã hội. Người rất quan tâm đến việc xây dựng và điều hành nhà nước một cách có hiệu quả bằng pháp quyền. Hồ Chí Minh đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa quản lý xã hội bằng pháp luật với phát huy những truyền thống tốt đẹp trong đời sống cộng đồng người Việt Nam được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử.
1.3.5. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, nhân văn, văn hóa
Theo Hồ Chí Minh, muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đem hết tinh thần và lực lượng ra phấn đấu; phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người rất quan tâm đến vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Về mặt lý luận, Người để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm sâu sắc và toàn diện về đạo đức. Về thực tiễn, Người luôn coi thực hành đạo đức là một mặt không thể thiếu của cán bộ, đảng viên..
Hồ Chí Minh thương yêu những người nô lệ mất nước, những người cùng khổ, giai cấp vô sản bị bóc lột, những thanh niên chết vô ích ở Việt Nam dù họ là da trắng, da đen, người Pháp hay người Mỹ. Bởi vì "Máu nào cũng là máu; người nào cũng là người". Những dòng máu đó đều quý như nhau. Luôn thương yêu con người, nên Người luôn khát khao hòa bình, một nền hòa bình thật sự, trong độc lập, tự do. Lòng thương yêu con người ở Hồ Chí Minh còn
thể hiện ở tinh thần làm cho nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hoàn toàn tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành, chữa bệnh...
Lòng khoan dung ở Hồ Chí Minh có nội dung sâu sắc, rộng lớn: Đoàn kết rộng rãi, lâu dài các lực lượng; Đưa ra chủ trương có lý, có tình đối với kiều dân nước ngoài ở Việt Nam, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của họ; Có chính sách khoan hồng đại lượng, đối xử nhân đạo với tù binh; Khi cán bộ, đảng viên có lỗi, Người chú ý giáo dục, nhẹ về xử phạt. Người cố gắng cổ vũ con người, hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ; Trân trọng mọi ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến không đồng tình, trái với suy nghĩ của Người.
Hồ Chí Minh khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Người rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, đào tạo, rèn luyện con người. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Văn hóa mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải giáo dục nhân dân ta tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, tự do tín ngưỡng, không hút thuốc phiện; chống giặc dốt... Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa có ba chức năng chủ yếu sau đây: Một là, bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; Hai là, nâng cao dân trí; Ba là, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách, lối sống lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới cái chân, cái thiện, cái mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Hồ Chí Minh xác định, xây dựng nền giáo dục mới là một nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa chiến lược, vì nó góp phần làm cho dân tộc ta xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.