IV. Đánh giá tổng kết
1. Tồn tại và nguyên nhân
- Tồn tại
Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị là văn bản có tính chiến lược quan trọng cho suốt thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở nước ta. Nhất là trong giai đoạn 2006-2010, với đặc thù hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm hội nhập quốc tế thành công, đưa đất nước thoát khỏi
tình trạng lạc hậu. Nhưng các chỉ số xếp hạng liên quan đến Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) của Việt Nam trong năm 2006 - 2007 nhìn chung không có thay đổi lớn.
Lực đẩy cho ngành CNTT nước nhà vẫn chưa mạnh, nhiều kế hoạch đề ra còn chậm trong việc triển khai. Chỉ riêng ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam cũng chưa đạt kết quả theo kế hoạch đề ra. Doanh số năm 2006 của ngành công nghiệp phần mềm đạt trên 350 triệu USD, trong đó thị trường trong nước là 240 triệu USD, gia công xuất khẩu là 110 triệu USD. Trong chiến lược phát triển đến năm 2010, doanh số của ngành này phải đạt từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Hiệu quả ứng dụng CNTT đạt mức trung bình của các nước trong khu vực. Trình độ ứng dụng CNTT của ta vẫn còn tụt hậu xa so với một số nước ASEAN và mức trung bình của thế giới;
Công tác quản lý nhà nước vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển, môi trường pháp lý chưa đáp ứng các nhu cầu bức thiết về ứng dụng và phát triển CNTT. Công tác chỉ đạo và điều phối còn một số hạn chế: chưa phối kết hợp tốt các chương trình ứng dụng CNTT giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm tính thống nhất và liên kết của hệ thống thông tin quốc gia; chưa tạo được sự phối hợp của các cơ quan trong việc quản lý, thực hiện các nhiệm vụ có tính liên bộ và liên chương trình; giữa các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và các chương trình ứng dụng và phát triển CNTT.
Tiến độ xây dựng, xem xét và phê duyệt các chiến lược, kế hoạch, chương trình và các chính sách thực hiện rất chậm so với đòi hỏi của tình hình. Việc triển khai các chương trình, đề án và dự án còn lúng túng, phần lớn bị ách tắc, hiệu quả thấp.
Chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế, cơ cấu còn bất hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT. Hệ thống các chương trình đào tạo và các chứng chỉ chưa có sự liên thông nên có sự đào tạo lặp lại gây lãng phí và không thuận lợi trong việc đánh giá, sử dụng nguồn nhân lực và bảo đảm quyền lợi của người học. Rất thiếu đội ngũ cán bộ lãnh
đạo thông tin và CNTT (CIO), quản lý CNTT, quản lý các dự án CNTT và các kỹ sư trưởng về CNTT.
- Nguyên nhân
Chúng ta có xuất phát điểm từ một nền kinh tế - xã hội còn nghèo và lạc hậu, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp khó trách khỏi các vấp váp, thiếu sót trong quá trình thực hiện.
Cấu trúc pháp lý mới hình thành dạng khung. Cơ sở hạ tầng về truyền thông mặc dù đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục nhưng vẫn còn khoảng cách để có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất công nghiệp. Lực lượng doanh nghiệp chưa ổn định, đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cao của sản xuất, kinh doanh.
Môi trường pháp lý chưa bảo đảm sự phối hợp công bằng giữa các DN viễn thông và chất lượng các dịch vụ. Chưa có phương pháp xác định giá cước một cách hợp lý để khuyến khích sử dụng chung hạ tầng và kích thích cạnh tranh lành mạnh giữa các DN viễn thông.
Nhận thức về vai trò của CNTT trong cán bộ lãnh đạo các cấp còn chưa đúng tinh thần “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển”, là “phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước”, mới dừng ở mức chung chung, chưa được thể hiện bằng quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa được cụ thể hoá bằng những chương trình, dự án với các đầu tư cân xứng về nhân lực, thời gian và nguồn lực tài chính. Nhìn chung, các cấp, các ngành, các địa phương chưa thực sự coi ứng dụng và phát triển CNTT là nhiệm vụ ưu tiên trong khi triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Chưa khai thác tốt các kinh nghiệm quốc tế để rút ngắn thời gian, tiết kiệm công sức, chi phí và tránh các thiếu sót mà các nước đi trước đã gặp phải. Trên thế giới và trong khu vực nhiều nước đã đi trước ta trong cuộc cách mạng thông tin, đã có nhiều kinh nghiệm, bài học thành công và thất bại tuy nhiên ta chưa khai thác tốt được các kinh nghiệm này. Nhiều yếu kém, thiếu sót của ta các nước đi trước cũng đã gặp phải, nếu ta nghiêm túc nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của họ và vận dụng thì đã có thể tránh được nhiều vấp váp.