Những mặt còn tồn tại trong công tác huy động vốn.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN KINH DOANH TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG KHU VỰC II HAI BÀ TRƯNG (Trang 41 - 43)

III. Đánh giá hoạt động huy động vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương khu vực II Hai Bà Trưng

2.Những mặt còn tồn tại trong công tác huy động vốn.

Bên cạnh những thành tích khả quan đã đạt được trong những năm qua, thì Chi nhánh không phải là không có những tồn tại và hạn chế và nhất thiết cần phải được hoàn thiện trong thời gian tới, đó là:

_ Thứ nhất: Mặc dù Chi nhánh đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động vốn nhưng hình thức huy động vốn chưa thực sự phong phú, còn đơn điệu và mang tính chất cổ truyền, chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi tiền của khách hàng. Hình thức huy động chủ yếu mà Chi nhánh đang áp dụng hiện nay

vẫn chỉ là tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi doanh nghiệp, hình thức huy động bằng kỳ phiếu tuy được xem là hình thức huy động vốn năng động đáp ứng nhanh nhạy cho nhu cầu tín dụng trung và dài hạn của Ngân hàng nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn và không được sử dụng một cách thường xuyên. Hơn nữa, kỳ hạn các hình thức huy động vốn còn đơn điệu, trong đó đặc biệt là hình thức huy động vốn dài hạn.

_ Thứ hai: Cơ cấu nguồn vốn tuy có những cải thiện nhất định song nhìn chung chưa thật sự phù hợp với cơ cấu tín dụng. Nguồn vốn huy động được dùng cho vay và đầu tư còn thấp, hệ số sử dụng vốn chỉ đạt khoảng 0,4 – 0,5. Dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa nguồn vốn huy động và khả năng sử dụng vốn, và kết quả là lượng vốn thanh toán điều chuyển đi ngày một gia tăng (khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm). Điều này ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của Chi nhánh.

_ Thứ ba: Công nghệ Ngân hàng mặc dù liên tục được đổi mới và hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nguyên nhân một phần là do Chi nhánh thiếu vốn để trang bị công nghệ hiện đại đồng bộ, một phần là do chủ chương tiến hành kinh doanh mà Ngân hàng Công thương giao cho Chi nhánh. Từ đó dẫn đến tình trạng thanh toán trong nội bộ Ngân hàng thì tương đối nhanh trong khi thanh toán ra bên ngoài thì lại luôn gặp ách tắc lòng vòng làm cho tốc độ luân chuyển chứng từ và luân chuyển vốn chậm. Vấn đề này đã làm giảm đáng kể nguồn vốn bằng tiền được gửi vào với mụch đích thanh toán của khách hàng. Mặt khác, công tác sổ sách, giấy tờ thủ tục trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt còn rườm rà, phức tạp gây bất tiện cho khách hàng cũng đã góp phần đáng kể vào việc làm giảm lượng vốn huy động qua nghiệp vụ nhận tiền gửi thanh toán.

_ Thứ tư: Các biện pháp bổ trợ cho công tác huy động vốn còn nhiều hạn chế. Điều kiện làm việc của cán bộ công nhân viên còn chưa thuận lợi, địa điểm làm việc còn chật hẹp, trang thiết bị kỹ thuật chưa thực sự hiện đại và cần phải đổi mới thêm. Mạng lưới quỹ tiết kiệm đã được mở rộng nhưng chưa bao phủ khắp địa bàn. Hoạt động Marketing chưa có những biện pháp tiếp cận khách hàng thích hợp dẫn đến tình trạng khách hàng chỉ biết đến một vài hình thức dịch vụ ngân hàng khi họ có quan hệ giao dịch với Ngân hàng.

Trên đây là một số những hạn chế chủ yếu trực tiếp góp phần làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt dộng huy động vốn của Chi nhánh nói riêng. Do vậy, trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động huy động vốn và tiếp tục phấn đấu là lá cờ đầu trong toàn hệ thống Ngân hàng Công thương Việt nam, thì Chi nhánh cần phải tích cực khắc phục những hạn chế trên bằng việc đưa ra những nhóm giải pháp đồng bộ và có tính khả thi cao.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN KINH DOANH TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG KHU VỰC II HAI BÀ TRƯNG (Trang 41 - 43)