Ta có thể gọi chung là giai đoạn văn học Minh - Thanh vì cơ sở kinh tế , chính trị xã hội văn hoá hai triều này căn bản giống nhau. Giai đoạn văn học này chỉ tính đến 1840 khi Chiến tranh Thuốc phiện nổ ra ( chứ không tính đến 1911 khi ông vua cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi bị lật đổ). Bởi vì sau chiến tranh thuốc phiện, xã hội Trung Quốc đã thay đổi về bản chất. Văn học cũng bắt đầu chuyển sang thời kỳ cận - hiện đại.
Văn học Minh -Thanh là giai đoạn cuối cùng của văn học cổđiển Trung Quốc, có nội dung phong phú nhất và là giai đoạn đánh dấu sự chuyển mình sang khuynh hướng hiện đại.
Ðây là lúc văn học dân chủ và tiến bộ trỗi dậy mạnh mẽ, phản ánh những yêu cầu và khát vọng của nhân dân, đặc biệt tầng lớp thị dân. Văn học chính thống suy tàn theo cùng chếđộ phong kiến.
Văn học chính thống là thơ từ, tản văn (văn xuôi) chỉ nhằm ca ngợi công đức các bậc đế vương, ca tụng cảnh sống thanh bình yên ả của thời đại. Nghệ thuật bắt chước người xưa theo lối phục cổ. Số nhà văn " chính thống " này khá đông, sáng tác nhiều vô kể nhưng chẳng có mấy ý nghĩa. Tuy nhiên khi nhà Thanh mới lên, họ cũng sáng tác một số thơ văn yêu nước.
Hai thể loại mới là hí khúc và tiểu thuyết phát triển mạnh mẽđáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân , đặc biệt thị dân đông đảo. Hí khúc là ca vũ kịch dân tộc còn gọi là truyền kỳ, nội dung có nhiều màn, nhiều lớp, nhiều nhân vật. Hí khúc có ít nhiều giá trị hiện thực , có tính phúng dụ và dân chủ song không phát triển được vì tác giả chủ yếu là giới văn nhân quí tộc. Dần dần hí kịch dân gian ở các địa phương như Kinh kịch , Côn kịch , Việt kịch nổi lên thay thế.
Ðáng kể nhất là tiểu thuyết chương hồi, tuy không được coi là chính thống nhưng đạt được thành tựu tiêu biểu cho cả giai đoạn này. Các nhà nho thường chỉ coi trọng thơ và tản văn, họ cho tiểu thuyết là thứ văn thô kệch của kẻ tiểu nhân. Tiểu thuyết dù là phi chính thống nhưng đáp ứng nhu cầu nhân dân, đã có hàng vạn tác phẩm lớn nhỏ, trong đó Tam Quốc, Thuỷ Hử, Tây Du , Hồng Lâu Mộng, Liêu Trai Chí Dị, Chuyện Làng Nho ( Nho lâm ngoại sử ) ... được nhân dân cả nước ưa chuộng. Thật ra tiểu thuyết Trung Quốc đã trải qua hàng chục thế kỷ phôi thai và hình thành dần mới đạt tới trình độ cổđiển như vậy.