hữu công nghiệp bằng chế tài hình sự
Như phần đầu luận văn đã trình bày, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bằng pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng của Việt Nam mới bắt đầu được hơn 20 năm nay trong khi đó, ở các nước phát triển vấn đề này đã được luật hóa từ rất sớm. Dưới đây, luận văn chỉ nêu ra một số nước tiêu biểu:
a. Pháp luật Liên bang Nga
Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 có hai cấu thành tội phạm đề cập đến việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp: Điều 147 (tội xâm phạm
quyền sáng chế, phát minh) và Điều 180 (tội sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa). Theo đó hành vi xâm phạm quyền sáng chế, phát minh hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa chỉ được coi là tội phạm và phải chịu hình phạt khi các hành vi này được thực hiện một cách cố ý và gây nên thiệt hại lớn hoặc vi phạm nhiều lần. Chế tài nghiêm khắc nhất đối với tội phạm quy định tại Điều 147 là tước tự do đến hai năm còn đối với tội phạm quy định tại Điều 180 là cải tạo lao động đến hai năm [11].
Trích "Điều 180 - Tội sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa
1. Sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ, tên gọi xuất xứ hàng hóa của nước ngoài nhiều lần hoặc gây thiệt hại lớn:
- Thì bị phạt tiền từ 200 lần đến 400 lần mức thu nhập tối thiểu hay mức lương hay khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 02 tháng đến 04 tháng hoặc lao động bắt buộc từ 180 giờ đến 240 giờ hoặc lao động cải tạo đến hai năm.
2. Sử dụng bất hợp pháp các loại nhãn hiệu hàng hóa hoặc tên gọi xuất xứ hàng hóa được đăng ký tại Liên Bang Nga nhiều lần hoặc gây thiệt hại lớn:
- Thì bị phạt tiền từ 100 đến 200 lần mức thu nhập tối thiểu hay khoản thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 01 tháng đến 02 tháng hoặc lao động bắt buộc từ 120 giờ đến 180 giờ hoặc lao động cải tạo đến một năm."
b. Pháp luật Liên bang Hoa Kỳ
Có thể nói, hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở Hoa Kỳ hiện nay khá hoàn chỉnh và tỏ ra có hiệu quả ở cả cấp độ liên bang lẫn tiểu bang. Ngay từ năm 1946, Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật về nhãn hiệu (gọi là Đạo luật Lanham). Năm 1952, Đạo luật sáng chế cũng được ra đời. Đến năm 1995, Nghị viện Hoa Kỳ lại thông qua Đạo luật liên bang về sự lu mờ nhãn hiệu (FTDA) nhằm sửa đổi, bổ sung cho Đạo luật Lanham năm
1946. Tại các Đạo luật này, các biện pháp hình sự đã được đưa ra để ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt đối với nhãn hiệu, Đạo luật Lanham quy định khung hình phạt dành cho hai hành vi:
Một là, hành vi cố ý mua bán, lưu thông hàng hóa, dịch vụ có sử dụng nhãn hiệu giả mạo;
Hai là, hành vi cố ý gắn nhãn hiệu lên bất kỳ sản phẩm, hộp, lon, tài liệu hoặc bao bì nào mà biết rằng việc sử dụng nhãn hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc nhằm mục đích lừa dối công chúng.
Đối với hành vi phạm tội lần đầu tiên thì bị phạt tù không quá 10 năm hoặc phạt tiền không quá 2.000.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại (5.000.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại đối với tổ chức phạm tội) hoặc áp dụng đồng thời cả hai loại chế tài này.
Trường hợp phạm tội nhiều lần (từ hai lần trở lên) thì thời hạn phạt tù tối đa là 20 năm và phạt tiền tối đa đến 5.000.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại (15.000.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại đối với tổ chức phạm tội).
Nếu người phạm tội gây ra sự tổn hại sức khoẻ nghiêm trọng cho người khác từ hành vi phạm tội này thì bị phạt tù thêm không quá 20 năm, phạt tiền thêm đến 250.000 USD (500.000 USD đối với tổ chức) hoặc áp dụng cả hai.
Nếu người phạm tội gây thiệt hại về tính mạng cho người khác từ hành vi phạm tội này thì bị phạt tù không thời hạn hoặc phạt tiền thêm đến 250.000 USD (500.000 USD đối với tổ chức) hoặc áp dụng cả hai.
Đối với bí mật kinh doanh (thương mại) - một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ, Luật hình sự Liên bang Hoa Kỳ cũng quy định:
+ Hành vi làm tình báo kinh tế cho nước ngoài: Mức hình phạt cao nhất
là 15 năm tù và phạt tiền 500.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại (phạt 1.000.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại đối với tổ chức phạm tội). áp dụng biện pháp tịch thu hình sự và dân sự (18 U.S.C
Đ1831);
+ Hành vi ăn cắp bí mật kinh doanh [34]: Mức hình phạt cao nhất là 10
năm tù và phạt tiền 250.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại đối với người phạm tội lần đầu (10 năm đối với lần phạm tội thứ hai). Phạt 5.000.000 USD hoặc gấp đôi số tiền thu được/bị thiệt hại đối với tổ chức phạm tội. áp dụng biện pháp tịch thu hình sự (18 U.S.C Đ1832).
c. Pháp luật Trung Quốc
Trong hơn hai mươi năm qua, Trung Quốc đã ban hành hàng loạt các văn bản luật, văn bản dưới luật để đấu tranh phòng chống các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo và hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống pháp luật tương đối toàn diện về sở hữu trí tuệ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Luật hình sự Trung Quốc quy định bảy tội danh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong đó điều chỉnh các hành vi xâm phạm quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu và bí mật kinh doanh.
Ngoài các tội phạm trong lĩnh vực quyền tác giả, tội xâm phạm sở hữu đối với bằng sáng chế (có chế tài đến ba năm tù) thì tất cả các tội phạm khác liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp đều có chế tài lên đến bảy năm tù. Hình phạt tiền có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền) hoặc áp dụng độc lập (là hình phạt chính) đối với tất cả các tội phạm này.
Các tội xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu được quy định tại các Điều 213, 214, 215 Bộ luật hình sự Trung Quốc:
Điều 213. Việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tương tự nhãn hiệu của hàng hóa cùng loại, mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ, nếu thuộc trường hợp nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù đến 03 năm, kèm theo hình phạt tiền hoặc bị phạt tiền; trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt trên 03 năm tù đến 07 năm tù và kèm theo hình phạt tiền.
Điều 214. Người nào cố ý bán hàng hóa với nhãn hiệu giả với một khối lượng tương đối lớn, thì sẽ bị phạt dưới 03 năm tù kèm theo hình phạt tiền hoặc bị phạt tiền; trong trường hợp khối lượng hàng hóa lớn, sẽ bị phạt trên 03 năm đến 7 năm tù, kèm theo hình phạt tiền.
Điều 215. Người nào sản xuất nhãn hiệu hàng hóa mà không được phép hoặc bán, sản xuất nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký bảo hộ hoặc nhãn hiệu tương tự mà không được phép, trong những trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt dưới 03 năm tù, kèm theo hình phạt tiền hoặc bị phạt tiền; trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt trên 03 năm đến 07 năm tù và kèm theo hình phạt tiền.
Ngoài ra, Trung Quốc còn ban hành nhiều Giải thích pháp luật liên quan đến các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chẳng hạn: Ngày 17/12/1998, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành Giải thích liên quan đến việc áp dụng pháp luật hình sự để xử lý các hành vi xâm phạm một cách bất hợp pháp tác phẩm của người khác; ngày 21/12/2004, Tòa án nhân dân tối
cao và Viện Công tố tối cao của Trung Quốc đã ban hành: Giải thích liên ngành về một số quy định của pháp luật hình sự đối với các vụ án sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Giải thích năm 2004) trong đó quy định rất cụ thể điều kiện áp
dụng hình phạt và ngưỡng hình phạt đối với bảy tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã nêu ở trên.
Có thể nói đến nay, Trung Quốc đã xây dựng được một hệ thống pháp luật hình sự tương đối toàn diện về sở hữu trí tuệ. So với nhiều nước khác
trong đó có Việt Nam, hình phạt dành cho các tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Trung Quốc là khá nặng (ở Việt Nam mức hình phạt cao nhất đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chỉ là ba năm tù).
Như vậy, điều ước quốc tế cũng như pháp luật của một số quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Việc bảo hộ này được tiến hành bằng nhiều biện pháp khác nhau trong đó biện pháp hình sự tỏ ra khá cần thiết và hiệu quả. Với tính ưu việt riêng đó, việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hình sự đã và đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn thế giới.
Chương 2: Các Quy định của Luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
2.1. Những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cũng như tất cả các tội phạm khác bao giờ cũng là sự hợp thành của bốn yếu tố: Khách thể, mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan. Bốn yếu tố (dấu hiệu) này có mối quan hệ khăng khít và biện chứng với nhau không thể tách rời. Chỉ cần thiếu đi một trong bốn dấu hiệu thì dứt khoát đó không phải và không thể là tội phạm. Bởi tính chất quyết định của chúng cho nên khi nghiên cứu về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nói riêng và tất cả các tội phạm khác nói chung, ta nhất thiết phải xem xét đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ cả bốn dấu hiệu này.
2.1.1. Khách thể của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại đến. Khách thể là yếu tố không thể tách rời của tội phạm bởi bản thân nó bộc lộ và toát lên bản chất giai cấp của luật hình sự cũng như của Nhà nước. ở tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có khách thể bị xâm hại là trật tự quản lý của Nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp và các quy định của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.
Hiểu ở góc độ hẹp hơn, khách thể của tội phạm này chính là quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Đối tượng tác động của tội phạm ở đây không phải là tất cả các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Như ở Chương 1 luận văn đã trình bày,
đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp gồm có: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý... song chỉ có nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mới là đối tượng tác động của tội phạm này,
các đối tượng còn lại được điểu chỉnh bởi luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ hay những ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Như vậy, so với Bộ luật hình sự năm 1999 khi chưa sửa đổi, bổ sung thì lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, Điều 171 Bộ luật hình sự đã thu hẹp về đối tượng tác động của tội phạm (trước khi sửa đổi, đối tượng tác động của tội phạm gồm rất nhiều: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa v.v.. đang được bảo hộ tại Việt Nam). Việc sửa đổi này thể hiện luật hình sự Việt Nam đang tiếp thu cũng như đang tiến gần với pháp luật thế giới đặc biệt là các quy định tương ứng của TRIPS.
Trong nhãn hiệu có một số trường hợp đặc biệt như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng. Nhãn hiệu có thể dùng được cho sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng chỉ dẫn địa lý chỉ dùng cho sản phẩm; chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân song chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý lại chỉ có thể là tổ chức hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây chính là những điểm khác biệt dễ nhận ra giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
2.1.2. Mặt khách quan của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm các biểu hiện tội phạm diễn ra hoặc tồn tại trong thế giới khách quan chẳng hạn như: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của tội phạm, mối quan hệ giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả cũng như những biểu hiện khác thuộc mặt khách quan của tội phạm. Trong đó, hành vi nguy hiểm cho xã hội
luôn là dấu hiệu bắt buộc đối với tất cả các cấu thành tội phạm, còn các biểu hiện khác thuộc mặt khách quan của tội phạm thì tùy theo từng cấu thành tội phạm cụ thể có thể có, có thể không là dấu hiệu bắt buộc.
Xem xét cụ thể vào Điều 171 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì thấy rằng, điều luật này không đề cập đến tất cả các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm mà chỉ quy định ngắn gọn: Là hành vi "xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại".
Các hành vi thuộc mặt khách quan của tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể làm rõ ở đây gồm có hai dạng hành vi:
Thứ nhất: hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam
Hành vi này được hiểu là hành vi bằng hành động, người phạm tội cố ý dịch chuyển một cách bất hợp pháp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của người khác thành của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm bằng bất cứ thủ đoạn nào có thể là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gian dối hay lén lút.v.v.. Hành vi này đồng thời làm cho chủ sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mất đi khả năng thực tế thực hiện đầy đủ quyền năng của mình.
Hành vi chiếm đoạt ở đây không thuần tuý là hành vi chiếm đoạt tài sản thông thường như ở các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt bởi vì đối tượng của hành vi chiếm đoạt này là tài sản trí tuệ (một loại tài sản vô hình), là kết quả của sự sáng tạo đã được bảo hộ và được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Còn hành vi chiếm đoạt ở các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt thì đối tượng bị chiếm đoạt là loại tài sản hữu hình như: tiền, tivi, máy vi tính, ô tô, xe đạp, xe máy.v.v.
Thứ hai: hành vi sử dụng bất hợp pháp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam
Đây là hành vi khai thác lợi ích, công dụng của nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể khác mà không được sự cho phép của chủ thể đó (có thể chủ