Điều ước quốc tế đa phương

Một phần của tài liệu Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 29)

- Điều ước quốc tế đa phương, đầu tiên và quan trọng nhất mà ta không thể không kể đến đó là Hiệp định TRIPS - Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Agrrement on Trade- related of intellectual property right). Hiệp định này được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) ký kết ngày 15/4/1994 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1995. Tính đến thời điểm hiện nay, đây vẫn là điều ước quốc tế đa phương toàn diện nhất về sở hữu trí tuệ. Ngoài việc đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Hiệp định TRIPS còn có rất nhiều điều khoản quy định các biện pháp nhằm thực thi hữu hiệu việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có biện pháp hình sự.

Điều 61 Hiệp định TRIPS quy định rõ: "Các thành viên phải quy định việc áp dụng thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp giả mạo nhãn hiệu hàng hóa hoặc xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả hình phạt tù và hình phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm, tương ứng với các mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp, các biện pháp chế tài cũng phải bao gồm cả việc bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hóa xâm phạm và bất cứ vật liệu và các phương tiện nào khác được sử dụng để thực hiện tội phạm. Các thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và các hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt và trường hợp cố ý xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại".

Đối với đối tượng sở hữu công nghiệp là chỉ dẫn địa lý, Hiệp định còn có quy định chi tiết:

"Liên quan đến chỉ dẫn địa lý, các thành viên phải quy định những biện pháp pháp lý để các bên liên quan ngăn ngừa:

a. Việc sử dụng bất kỳ phương tiện nào để gọi tên hoặc giới thiệu hàng hóa nhằm chỉ dẫn hoặc gợi ý hàng hóa đó bắt nguồn từ một khu vực địa lý khác với xuất xứ thực, với cách thức lừa dối công chúng về xuất xứ địa lý của hàng hóa.

b. Bất kỳ hành vi sử dụng nào cấu thành một hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo ý nghĩa của Điều 10 bis Công ước Paris (Stockholm 1967)"…(Điều 22).

- Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (thông qua ngày 20/3/1883 được sửa đổi tại Brussels ngày 14/12/1900, tại Washington ngày 02/6/1911, tại Lahay ngày 06/11/1925, tại Lodon ngày 02/6/1934, tại Lisbon ngày 31/10/1958 và tại Stockholm ngày 14/7/1967 và được tổng sửa đổi ngày 28/9/1979) là Công ước đa phương đầu tiên về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp. Tính đến ngày 22/6/1999 đã có tới 155 nước thành viên. Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Paris kể từ ngày 08/3/1949. Mặc dù Công ước không có điều khoản riêng về việc áp dụng chế tài hình sự trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Song qua quy định "mở" tại Điều 25 của Công ước ta cũng có thể hiểu biện pháp này hoàn toàn có thể được áp dụng như các biện pháp hành chính hay dân sự khác: "Mỗi nước tham gia Công ước này có trách nhiệm đưa ra các biện pháp cần thiết, theo Hiến pháp của mình, để bảo đảm cho việc thực hiện Công ước".

Một phần của tài liệu Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)