Khoan dung

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức trong triết học khai sáng Pháp (Trang 69)

Khoan dung là một trong những tư tưởng đặc trưng của thời kỳ Khai sáng. Xét trên phương diện đạo đức, tư tưởng về khoan dung được coi là một trong những đóng góp lớn của các nhà tư tưởng thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, khi mà đến thế kỷ XX, khái niệm khoan dung được mở rộng về mặt nội hàm và áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực, trở thành một chuẩn mực đạo đức chung.

Thuật ngữ khoan dung (tolérance) xuất phát từ tiếng Latinh tolerare với nghĩa là ủng hộ, tha thứ. Theo F.Mentré trong Từ điển thuật ngữ và phê bình triết học thì “từ ngữ khoan dung được sinh ra từ thế kỷ XVI trong cuộc chiến tranh tôn giáo giữa người Thiên Chúa giáo và người Tin lành; người Thiên Chúa giáo đã kết thúc chiến tranh bằng cách khoan thứ với người Tin lành và ngược lại. Sau đó sự khoan dung dần dần trở thành đòi hỏi đối với tất cả các tôn giáo và các niềm tin khác nhau” [63, tr.1110]. Như vậy, nghĩa nguyên thủy của từ ngữ khoan dung gắn liền với đời sống tôn giáo. Nói chính xác hơn, nó gắn với giai đoạn Thiên Chúa giáo có những đảo lộn mang tính căn bản. Từ ngữ khoan dung sau đó còn được sử dụng rộng rãi hơn trong quá trình thoát ly ảnh hưởng của tôn giáo và của Nhà thờ Thiên Chúa giáo. Mặt khác, ta lại thấy rằng, thế kỷ XVIII ở Pháp, vấn đề tôn giáo và sự thống trị của Nhà thờ là một trong những điểm trọng tâm của những tranh luận triết học. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi tư tưởng khoan dung trong thế kỷ XVIII ở Pháp lại có một mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề tôn giáo, với thái độ của các nhà Khai sáng đối với tôn giáo.

Khoan dung, theo nghĩa rộng nhất, là “khuynh hướng của tinh thần, hay quy tắc hướng dẫn, cho phép ai đó quyền tự do thể hiện ý kiến của mình, kể

cả khi người ta không chia sẻ với ý kiến đó. (…) nó không phải là từ bỏ niềm tin của mình hoặc tránh biểu lộ nó, bảo vệ nó hay truyền bá nó, mà là cấm tất cả những biện pháp bạo hành, lăng nhục hay lừa dối, tóm lại là đề xuất tư tưởng của mình mà không tìm cách áp đặt nó” [63, tr.1110]. Theo nghĩa này, khoan dung gắn liền với quyền tự do tư tưởng. Và trên kia chúng ta đã nói quyền tự do tư tưởng là một trong những quyền được các nhà Khai sáng thế kỷ XVIII ở Pháp bảo vệ mạnh mẽ nhất.

Khoan dung được sử dụng như là một phẩm chất đạo đức ở nhiều lĩnh vực khác nhau: trong tôn giáo (sự chấp nhận và không can thiệp đối với tín ngưỡng, niềm tin của người khác), trong xã hội (sự chấp nhận và không can thiệp đối với những chính kiến của một nhóm người và rộng hơn là của một quốc gia), trong văn hóa (sự chấp nhận và không can thiệp đối với những lối sống, những phong tục tập quán khác biệt so với chuẩn giá trị của ta), trong tư tưởng (sự chấp nhận và không can thiệp đối với những tư tưởng khác biệt). Vấn đề đặt ra là khoan dung như vậy có phải là sự thỏa hiệp, hay nói cách khác, người ta có phải chấp nhận những khác biệt kể cả khi biết rằng những khác biệt đó là xấu, hay không. Đây là một câu hỏi vẫn còn gây tranh cãi. Chỉ biết rằng trong thế giới “đầy tràn” những khác biệt và những quan niệm khác nhau về giá trị, khoan dung là một chuẩn mực mà nếu tuân theo nó, ta có thể có được hòa bình.

Trong lịch sử tư tưởng, Locke được thừa nhận là người đầu tiên luận chứng một cách triết học cho khái niệm khoan dung. Khái niệm khoan dung của Locke có một nội dung phê phán tôn giáo. Nguyên nhân là do ông không đồng ý với những truy bức tôn giáo đang diễn ra ở nước Anh vào thời điểm mà ông sống. Tác phẩm trong đó Locke phát biểu về khoan dung là Bức thư về khoan dung ông gửi cho bá tước Shaftesbury khi Locke đang ở Hà Lan. Những người nghiên cứu cho rằng quan điểm khoan dung của Locke thể hiện

trong Bức thư “không chứng minh cho sự khoan dung nói chung với tư cách một phẩm chất đạo đức, (…) mà nó có khuynh hướng làm nổi bật tính phi lý của những bức hại tôn giáo đặc thù” [59, tr.1631]. Các nhà Khai sáng đã tiếp nối Locke sử dụng thuật ngữ khoan dung và đã đem lại cho nó những nội dung mới mẻ.

Việc tiếp tục dòng tư duy về khoan dung trước hết bắt nguồn từ sự phản đối của các nhà Khai sáng đối với Nhà thờ – thế lực thần quyền lúc đó – phản đối ở khía cạnh sự áp đặt niềm tin tôn giáo của Nhà thờ lên cá nhân trong xã hội. Kết hợp với việc đề cao lý tính phê phán, các nhà tư tưởng nhận thấy rằng việc áp đặt niềm tin tôn giáo mang đến hậu quả tai hại: sự thiên kiến. Những quan niệm bất biến cứ lưu truyền từ đời này sang đời khác, hoặc do các chức sắc tôn giáo đưa vào ý thức của con chiên mà họ chăn dắt, hoặc do chính người dân truyền lại cho con cháu mình, những quan niệm ấy trở thành tiên nghiệm, tạo nên một bức tường thiên kiến cản trở ánh sáng của tiến bộ, của sự phát triển tư tưởng. Người đầu tiên trong số những nhà Khai sáng tấn công vào các thiên kiến là Bayle, với vũ khí hoài nghi của mình. Ông dựa trên “lý tính sáng suốt” để tiến hành phê phán: “Điều mà ông phê phán dữ dội nhất – đó chính là quan điểm theo đó thì mọi phương tiện bảo vệ niềm tin đều là tốt; là quan điểm lẫn lộn niềm tin với ảo tưởng, nhận thức đích thực với thiên kiến, lý tính với dục vọng (…). Cái ác cơ bản cần đấu tranh chống lại, đó không phải là chủ nghĩa vô thần, mà là sự sùng bái ngẫu tượng, không phải là sự vô thần mà là niềm tin giả danh” [16, tr.503]. Theo sau Bayle, hầu như tất cả các nhà tư tưởng Khai sáng đều đưa ra những ý kiến của mình phản đối – không phải phản đối niềm tin tôn giáo nói chung (điều này chúng tôi đã đề cập ở chương Một), mà là phản đối những thiên kiến, những niềm tin được tiếp nhận một cách không ý thức, những tri thức về Chúa được tiếp nhận không có sự suy xét nghiêm túc của lý tính. Ở điểm này các nhà Khai sáng

gặp gỡ tư tưởng mà Locke đã trình bày trong Bức thư về sự khoan dung. Đối tượng của sự phê phán của các nhà Khai sáng là cả những người tiếp nhận niềm tin thiên kiến và cả những người truyền bá thiên kiến ấy – các giáo chức của Nhà thờ. Đến cả giáo hoàng cũng bị mang ra phê phán, tất nhiên với cách nói gián tiếp: “… còn có một nhà ảo thuật khác, mạnh hơn vua Pháp. Ông này nhất quyết rằng chính ông ta là linh hồn của mọi người khác. Nhà ảo thuật này tôi gọi là giáo hoàng và là người làm cho vua Pháp tin rằng số 3 chỉ bằng số 1, rằng bánh người ta ăn không phải là bánh, rượu người ta uống không phải là rượu… và hàng ngàn chuyện đại loại như thế” [34, tr.297. Trích Thư Ba Tư]. Sự phê phán những thiên kiến tôn giáo mà không phải là phê phán trực tiếp niềm tin tôn giáo, phê phán những người truyền bá và những người tiếp nhận không ý thức những thiên kiến ấy, đã dẫn đến quan điểm cho rằng niềm tin tôn giáo phải là công việc riêng của những cá nhân có lý trí tỉnh táo, và rằng niềm tin tôn giáo có cơ sở là tự do ý thức của mỗi người. Đây chính là điểm cốt lõi trong quan niệm khoan dung tôn giáo của triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII.

Tư tưởng khoan dung tôn giáo trong triết học Pháp thế kỷ XVIII có một nội dung hết sức phong phú. Trước hết đó là sự chấp nhận đối với những người vô thần và đa thần. Nếu như trong những thế kỷ trước, vô thần là một biểu hiện của sự vô đạo đức cực độ (do đạo đức mang tính thần khải, có nguồn gốc từ Chúa trời), và đa thần là biểu hiện của sự man rợ, thì tình hình ở thế kỷ XVIII đã khác trước rất nhiều. Chúng ta nhớ rằng ngay trong Utopia

(1516), T.More đã bảo vệ quan điểm khoan dung tôn giáo, nhưng ở đó ông cũng nói rõ: khoan dung chỉ có nghĩa là được phép có những tín ngưỡng khác nhau chứ không phải là vô thần: “Cho nên ông [Utopos, nhân vật không tưởng sáng lập ra đất nước không tưởng Utopia] để ngỏ vấn đề lựa chọn tín ngưỡng cho mỗi cá nhân tự quyết định theo ý riêng của mình. Nhưng bên

cạnh đó, ông nghiêm cấm dân chúng không được tin vào bất kỳ cái gì xa lạ với nhân phẩm, ví dụ như cho rằng linh hồn sẽ mất đi cùng với thể xác hoặc vũ trụ là một bộ máy vô mục đích không có ai điều khiển” [34, tr.176]. Rõ ràng rằng cái mà More cho là “xa lạ với nhân phẩm” chính là những tư tưởng vô thần. Cho đến đầu thế kỷ XVIII, quan điểm đó của More không còn được công nhận ở Pháp. Bayle đã nêu lên ý kiến đầu tiên: “Chủ nghĩa vô thần không nhất thiết dẫn đến sự phá hủy phong tục” (Những suy nghĩ tản mạn). Ông thừa nhận rằng người vô thần cũng có thể có một cuộc sống đạo đức, cũng như người Thiên Chúa giáo có thể gây ra những tội ác ghê gớm nhất. Tiếp nối Bayle, hàng loạt những quan điểm vô thần ra đời. Các nhà tư tưởng Khai sáng không chỉ thừa nhận người vô thần mà trong số họ còn có những người vô thần thật sự (La Mettrie, Diderot, Holbach, v.v.). Quan điểm chấp nhận đối với những người vô thần, tinh thần khoan dung đặc biệt này (đặc biệt so với những thời kỳ trước) đã tạo nên một hệ quả vô cùng quan trọng: nó tạo điều kiện cho sự phát triển của những quan điểm duy vật về thế giới. Chủ nghĩa duy vật thế kỷ XVIII ở Pháp là một bước tiến lớn trong lịch sử tư tưởng duy vật chủ nghĩa. Xét về phương diện đạo đức, quan điểm khoan dung tôn giáo – chấp nhận rằng người vô thần cũng có thể có đạo đức – trên thực tế đã tách biệt đạo đức ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo: vô thần hay hữu thần đều có thể có đạo đức như nhau, điều đó có nghĩa là tôn giáo không có vai trò gì quyết định đối với đạo đức của con người. Như vậy, khoan dung là dấu hiệu của khuynh hướng thế tục hóa đạo đức trong triết học thế kỷ XVIII.

Nội dung quan trọng thứ hai của tư tưởng khoan dung tôn giáo trong triết học Khai sáng Pháp là tư tưởng về tôn giáo tự nhiên. Thuật ngữ tôn giáo tự nhiên được coi là thuật ngữ đặc trưng của thế kỷ XVIII ở Pháp, dùng để chỉ “tập hợp những niềm tin vào sự tồn tại của cái thiện của Chúa, vào giá trị tinh thần của hoạt động đạo đức, được coi như là một sự thần khải của tri thức và

của “ánh sáng bên trong” soi sáng tất cả mọi người” [63, tr.896]. Tư tưởng về tôn giáo tự nhiên là kết quả của rất nhiều suy tư của các nhà Khai sáng Pháp – quan điểm về bản chất tự nhiên của con người, sự phản đối Nhà thờ áp đặt và truyền bá niềm tin không phê phán và cùng với nó là sự không phủ nhận đối với niềm tin tôn giáo nói chung. Quan điểm tôn giáo tự nhiên thể hiện rõ nhất trong tư tưởng của Rousseau qua tác phẩm Émile hay bàn về giáo dục. Khi Émile đã đến tuổi có lý trí, tác giả để cho Émile lựa chọn một thứ tôn giáo tự nhiên. Tôn giáo tự nhiên này dựa trên nhận thức về Thượng đế – người sáng tạo: “Tôi gọi là Thượng đế, Người có ý chí và khả năng muốn làm gì được nấy, tự mình hoạt động, chuyển động vũ trụ và xây dựng hệ thống vạn vật. Tôi cảm thấy một Thượng đế bên trong toàn bộ sự nghiệp người hoàn thành. Tôi cảm thấy Thượng đế trong bản thân tôi, chung quanh tôi” [48, tr.487]. Ngoài quan niệm về Thượng đế và niềm tin vào Thượng đế, tôn giáo tự nhiên của Rousseau không còn giữ lại một chút gì vốn cấu thành một tôn giáo thần khải (như Thiên Chúa giáo) – những thành phần như nhà thờ, giáo luật, lễ nghi, v.v.. Rousseau chủ trương trong tôn giáo tự nhiên, con người tiếp xúc trực tiếp với Đấng Tối cao thông qua niềm tin. Qua đó ông loại bỏ vai trò của Nhà thờ và thế lực thần quyền áp chế con người trong đời sống thực. Tiếp theo xu hướng của các nhà Khai sáng Pháp tách đạo đức ra khỏi ảnh hưởng tôn giáo, với quan điểm tôn giáo tự nhiên của mình, Rousseau đã cá nhân hóa hoạt động tôn giáo. Tôn giáo lúc này chỉ còn là hoạt động mang tính riêng tư của cá nhân. Qua đây, ta thấy rõ sự luận chứng gián tiếp cho quyền tự trị cá nhân trong hoàn cảnh xã hội mới – một trong những quyền quan trọng nhất cả về mặt đạo đức và pháp lý trong xã hội tư bản.

Ngoài sự phản kháng đối với việc áp đặt niềm tin từ Nhà thờ, tư tưởng khoan dung Khai sáng còn có một lý do nữa để nảy nở mạnh mẽ: ý thức về tự do và việc đấu tranh sôi nổi đòi quyền tự do cá nhân. Một trong những quyền

tự do cơ bản được các nhà Khai sáng bảo vệ là quyền tự do tư tưởng – tự do truyền bá tư tưởng. Xem xét định nghĩa về khoan dung của Từ điển thuật ngữ và phê bình triết học, ta nhận thấy quyền tự do truyền bá tư tưởng có một mối quan hệ rất chặt chẽ với sự khoan dung. Khi chấp nhận người khác có thể có những quan điểm khác biệt, thì điều đó bao gồm việc không được phép có những biện pháp bạo hành đối với việc người ta thể hiện những quan điểm ấy. Và ngược lại, ta cũng có quyền thể hiện quan điểm riêng của ta. Có lẽ ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo về truyền bá tư tưởng, các nhà Khai sáng không mong muốn gì hơn là sự tự do này, nên họ đã cổ vũ mạnh mẽ cho sự chấp nhận rằng người khác cũng có thể có những quan điểm, những lý tưởng khác. Ở đây, khi quan niệm khoan dung là một chuẩn mực đạo đức, người ta cũng phải đi đến kết luận rằng tự do cũng chính là một chuẩn mực đạo đức nếu không muốn nói là chuẩn mực đạo đức nền tảng của đạo đức mới (so với phong kiến) – đạo đức tư sản.

Sự phát triển của quan điểm về khoan dung còn có một nguyên nhân hiện thực: các phát kiến về địa lý và văn hóa ngoài châu Âu. Thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa ở châu Âu là thời kỳ bùng nổ của những phát kiến này. Từ những năm 1500 cho đến thế kỷ XVIII, hàng loạt những phát hiện về các vùng đất mới, các nền văn hóa ngoài châu Âu đã làm đảo lộn quan niệm của người châu Âu về thế giới. Niềm say mê đối với lý tính không thiên kiến của các nhà tư tưởng luôn được bồi dưỡng và củng cố bằng những phát hiện ấy. Trong thế kỷ XVIII, người ta vẫn gặp những tác phẩm mang hơi hướng của những cuộc du lịch đến những miền đất xa xôi: Thư Ba Tư của Montesquieu, chuyến phiêu lưu kỳ lạ vòng quanh thế giới của Chàng Ngây thơ của Voltaire (Candide) hay người lữ hành trong Bổ sung cho cuộc du lịch của Bougainville

của Diderot. Những tri thức mới về các nền văn hóa xa lạ đã tạo ra một nét mới trong tư tưởng khoan dung của triết học Khai sáng, một trong những nội

dung mà ngày nay các nhà nghiên cứu đang hết sức đề cao: khoan dung về văn hóa. Chịu ảnh hưởng từ quan niệm của Montesquieu về tầm quan trọng của môi trường địa lý đối với sự phát triển của các xã hội, các nhà Khai sáng cho rằng có một tính tương đối trong các phong tục tập quán từ nơi này sang nơi khác. Sự khác biệt giữa những con người về các điều kiện sinh hoạt vật

Một phần của tài liệu Tư tưởng đạo đức trong triết học khai sáng Pháp (Trang 69)