2.5.2.1. Chiến lược phát triển kinh doanh, chủ trương đầu tư của doanh nghiệp
Chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là kế hoạch tổng thể xác định mục tiêu dài hạn của doanh, các chính sách và giải pháp sử dụng các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phù hợp với môi trường kinh doanh. Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp quyết định đến chiến lược đầu tư, do vậy đây là điều kiện tiền đề, tiên quyết đảm bảo hiệu quả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh có vai trò định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp của doanh nghiệp, là căn cứ để xác định chiến lược đầu tư và các kế hoạch đầu tư cụ thể. Một chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với sự lựa chọn phương án đầu tư phù hợp sẽ khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp nhằm duy trì và tạo ra các nguồn lực lớn hơn. Ngược lại, chiến lược định hướng đầu tư sai, bất hợp lý sẽ gây ra thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.
2.5.2.2. Năng lực tài chính
Năng lực tài chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả hoạt động đầu tư phát triển dưới hai góc độ trực tiếp và gián tiếp
Đứng trên góc độ trực tiếp, năng lực tài chính quyết định đến khả năng huy động các nguồn lực cần thiết cho hoạt động đầu tư bao gồm nguyên liệu, máy móc, công nghệ, lao động,… do đó ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng của dự án.
Trên góc độ gián tiếp, năng lực tài chính có ảnh hưởng lớn đến khả năng huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Thực tế cho thấy, các hoạt động đầu tư có khả năng tự tài trợ lớn trong cơ cấu đầu tư, sẽ rất thuận lợi trong việc huy động vốn từ các nguồn khác như vốn vay, vốn tín dụng thuê mua tài chính,.,.
2.4.2.3. Năng lực quản lý trong hoạt động đầu tư
Chất lượng quản lý hoạt động đầu tư phát triển của doanh nghiệp bao gồm: chất lượng trong công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng quản lý thực hiện đầu tư và chất lượng quản lý khai thácc vận hành kết quả đầu tư.
Chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư
Để đảm bảo cho mọi hoạt động đầu tư được tiến hành thuận lợi, đạt được mục tiêu mong muốn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao thì trước khi bỏ vốn doanh nghiệp phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, vấn đề chất lượng, vấn đề chính xác của kết quả nghiên cứu, tính toán và dự đoán là quan trọng nhất. Trong quá trình lập dự án đầu tư phải dành đủ thời gian và chi phí theo đòi hỏi của các nghiên cứu. Đồng thời, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện hoạt động đầu tư, cũng như nâng hiệu quả hoạt động trong giai đoạn vận hành các kết quả đầu tư.
Ngoài ra, chất lượng công tác thực hiện đầu tư cũng là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, chất lượng công trình, máy móc thiết bị thi công, lắp đặt, tránh hiện tượng thất thoát, lãng phí.
Quản lý quá trình thực hiện đầu tư
Năng lực quản lý quá trình thực hiện đầu tư tốt sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bao gồm nguồn
lực tài chính, nguồn lực máy móc thiết bị, nguồn lực con người, tránh hiện tượng thất thoát lãng phí, đồng thời đảm bảo chất lượng các công trình, máy móc, thiết bị thi công, xây dựng, lắp đặt. Do vậy, chất lượng công tác quản lý quá trình tựhc hiện đầu tư là một trong các yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp và gián tiếp đến kết quả và hiệu quả hoạt động đầu tư.
Năng lực quản lý quá trình thực hiện đầu tư lại chịu tác động bởi các yếu tố như năng lực cán bộ, hình thức tổ chức thực hiện đầu tư, chất lượng công tác giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư…
Quản lý quá trình khai thác vận hành
Khai thác, vận hành là quá trình trực tiếp tạo ra doanh thu, lợi nhuận vì vậy, đây là khâu quan trọng, có tính quyết định đến kết quả và hiệu quả hoạt động đầu tư. Chất lượng công tác quản lý, khai thác vận hành tốt sẽ có tác dụng giảm chi phí vận hành, nâng cao công suất hoạt động của máy móc thiết bị, khai thác có hiệu quả và mở rộng thị trường đầu ra, từ đó làm tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, đẩy nhanh tốc độ quay vòng của vốn đầu tư, rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư. Ngược lại, sẽ có tác động tiêu cực, làm giảm hiệu quả hoạt động đầu tư.
2.5.2.4. Cơ cấu sử dụng vốn đầu tư
Một trong những đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển là sử dụng nguồn vốn lớn. Một cơ cấu sử dụng vốn đầu tư hợp lý sữ góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn lực với chi phí thấp nhất. Vì vậy, cơ cấu sử dụng vốn đầu tư hợp lý sẽ có tác dụng nâng cao kết quả và hiệu quả của hoạt động đầu tư phát triển.
2.5.2.5. Chất lượng nguồn nhân lực
Chất lượng nguồn nhân lực có vai trò xuyên suốt đến tất cả các khâu, các giai đoạn của quá trình đầu tư phát triển từ khâu ra quyết định, đến chất lượng công tác lập dự án, đến năng lực quản lý quá trình thực hiện đầu tư, năng lực quản lý quá trình vận hành, do đó đây là nhân tố có tính quyết định đến kết quả và hiệu quả của hoạt động đầu tư phát triển. Việc sử dụng đúng, hợp lý nguồn nhân lực ở từng khâu, từng giai đoạn của quá trình đầu tư góp phần khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhằm tạo ra kết quả lớn hơn nguồn lực đã bỏ ra.