Mục đích của công việc này là đánh giá việc thực hiện của kiểm toán viên chưa có kinh nghiệm và đảm bảo rằng cuộc kiểm toán thoả mãn các chuẩn mực thực hiện của Công ty kiểm toán. Vào giai đoạn hoàn thành cuộc kiểm toán có quy mô lớn, toàn bộ tư liệu kiểm toán sẽ được một kiểm toán viên có kinh nghiệm và độc lập không tham dự vào cuộc kiểm toán xem xét lại nhằm đánh giá khách quan xem cuộc kiểm toán có được tiến hành hợp lý không, các kiểm toán viên có khả năng đánh giá các bằng chứng mà họ tập hợp được hay không, cuộc kiểm toán có được thực hiện với sự thận trọng thích đáng hay không?
2.3.5. Phát hành thư quản lý.
Thư quản lý là thông báo cho khách hàng về những bình luận của Công ty kiểm toán đối với việc cải tiến công việc kinh doanh của khách hàng. Nó giúp cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Việc kết hợp kinh nghiệm của kiểm toán viên trong nhiều ngành kinh doanh khác nhau với một sự hiểu biết sâu sắc thu được khi tiến hành kiểm toán giúp kiểm toán viên cung cấp cho Ban quản trị khách hàng nhiều thông tin bổ ích.
Thư quản lý không bắt buộc nhưng trong hầu hết các cuộc kiểm toán đều lập nhằm tạo mối quan hệ tốt hơn giữa Công ty kiểm toán và khách hàng. Không có một tiêu chuẩn nào cho việc viết thư quản lý. Mỗi thư phải được triển khai để đáp ứng phong cách của kiểm toán viên và nhu cầu của khách hàng. Nhưng thư quản lý phải chỉ ra được các nhược điểm và yếu kém của doanh nghiệp, ảnh hưởng của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2.3.6. Công bố Báo cáo kiểm toán.
Công bố Báo cáo kiểm toán là việc thực hiện mục tiêu cơ bản, mục tiêu lớn nhất của một cuộc kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về Báo cáo tài chính phục vụ yêu cầu những người quan tâm. Thông thường, Báo cáo kiểm toán được gửi kèm theo thư quản lý. Nội dung báo cáo bao gồm:
- Tên, địa chỉ của Công ty kiểm toán.
- Số hiệu Báo cáo kiểm toán.
- Tiêu đề Báo cáo kiểm toán.
- Căn cứ, phạm vi, địa điểm, thời gian lập Báo cáo kiểm toán.
- Chữ ký, đóng dấu.
Có bốn loại ý kiến của kiểm toán viên về BCTC của doanh nghiệp là:
- Ý kiến chấp nhận toàn phần.
- Ý kiến chấp nhận từng phần.
- Ý kiến từ chối đưa ra ý kiến.
- Ý kiến không chấp nhận.
Tóm lại, kết thúc kiểm toán là bước quan trọng trong đó kiểm toán viên tổng hợp toàn bộ các kết quả kiểm toán và đưa ra ý kiến chung duy nhất cho toàn bộ cuộc kiểm toán. Kết thúc giai đoạn này, tất cả các mục tiêu kiểm toán cũng như trách nhiệm của Công ty kiểm toán đối với khách hàng đã hoàn thành.