Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn khi thực hiện bao thanh toán tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ bao thanh toán tại các NHTM (Trang 37)

Bao thanh toán là phương thức hai bên cùng có lợi, nhưng tại sao lại chưa phát triển ở nước ta?

Qua một thời gian triển khai hoạt động, mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng tình hình bao thanh toán ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển và chưa thể hiện hết những ưu điểm vốn có của nó. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ phía Nhà nước với những bất cập môi trường pháp lý, từ chính bản thân các đơn vị thực hiện bao thanh toán và thái độ của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể:

Khung pháp lý

Quy chế 1096 đã quy định những vấn đề cơ bản trong hoạt động bao thanh toán và đã đã được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2008/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, Quy chế này vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Chính vì thế, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính vẫn chưa mạnh dạn triển khai rộng rãi hoạt động này.

- Theo Quy chế này, bao thanh toán được định nghĩa “là một hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu phát sinh từ việc mua, bán hàng hóa đã được bên bán hàng và bên mua hàng thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa”. + Việc định nghĩa bao thanh toán chỉ là “một hình thức cấp tín dụng” đã khiến toàn bộ nội dung quy chế này lệch ra khỏi bản chất của nghiệp vụ bao thanh toán. Quan niệm này không thống nhất với quan niệm phổ biến về bao thanh toán trên thế giới. Bên cạnh chức năng tài trợ, đơn vị

bao thanh toán còn cung cấp chức năng theo dõi sổ sách, thu nợ tiền hàng và bảo hiểm rủi ro. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản của bao thanh toán so với việc cấp tín dụng thông thường.

+ Đồng thời, định nghĩa bao thanh toán là “hình thức cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho bên bán hàng thông qua việc mua lại các khoản phải thu”. Điều này đã tạo sự nhập nhằng, khó hiểu vì quan hệ tín dụng và quan hệ mua bán là hai mối quan hệ tách biệt nhau.

- Theo định nghĩa, bao thanh toán chỉ là hình thức cấp tín dụng, nên khoản ứng trước chỉ đơn thuần là khoản cho vay, còn khoản phải thu vẫn là tài sản thuộc sở hữu của người bán. Chính sự không chính xác trong việc định nghĩa nghiệp vụ bao thanh toán đã dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn đối với đơn vị bao thanh toán trong việc chuyển giao quyền đòi nợ từ người bán sang đơn vị bao thanh toán. Pháp luật hiện nay vẫn không có quy định liên quan đến việc xác lập mối quan hệ này.

- Lợi ích của bao thanh toán là không cần dùng hối phiếu để tài trợ và giải quyết mọi tranh chấp thương mại mà chỉ cần có hợp đồng và các hóa đơn thương mại đã được đóng dấu chuyển quyền sở hữu. Hợp đồng bao thanh toán cũng như các hợp đồng thương mại khác sẽ được xem như là cơ sở pháp lý để trong trường hợp có tranh chấp, sẽ được đưa ra trọng tài kinh tế hoặc tòa án thương mại để xét xử. Nhưng vấn đề ở đây là, ở Việt Nam, hiệu lực hợp đồng và thậm chí là hiệu lực kết quả xét xử của trọng tài kinh tế hay tòa án thương mại vẫn còn bị xem nhẹ. Rất nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng, không tuân thủ phán quyết của trọng tài và tòa án mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nói tóm lại, một nguyên nhân khiến bao thanh toán chậm được triển khai ở Việt Nam là do luật pháp của ta chưa nghiêm.

- Mặt khác, trên cơ sở lý thuyết, khởi kiện tại tòa án được xem là cứu cánh cuối cùng và hiệu quả nhất của ngân hàng để thu hồi các khoản nợ khi con nợ cố tình lẫn tránh nghĩa vụ khi đến hạn. Nhưng thực tế cho thấy việc khởi kiện tại tòa án chưa thực sự là phương thức hiệu quả để bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ. Thủ tục tố tụng kinh tế và dân sự còn quá phức tạp, chi phí kiện tụng tốn kém, công tác thi hành án còn nhiều bất cập… Sau một chặng đường dài tốn kém thời gian và tiền bạc, kết quả là ngân hàng vẫn đứng trước nguy cơ không thu hồi được khoản nợ.

Khái niệm bao thanh toán còn khá mới

Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 01/10/2004, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết về bao thanh toán còn hạn chế. Các doanh nghiệp lớn có một chút am hiểu về sản phẩm bao thanh toán do được các ngân hàng tiếp thị hoặc thông

qua các diễn đàn doanh nghiệp, diễn đàn phát triển kinh tế còn đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn rất mơ hồ khi nghe nhắc đến nghiệp vụ bao thanh toán. Từ đó, họ không có khái niệm sử dụng dịch vụ cũng như lựa chọn dịch vụ phù hợp với việc kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Chi phí cao gây e ngại cho các doanh nghiệp

Bao thanh toán là một nghiệp vụ có nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ phía người mua. Vì vậy, dịch vụ bao thanh toán có chi phí tương đối cao, trung bình khoảng 3 – 5% doanh thu. Chi phí cao bởi vì ngoài chi phí để gánh chịu rủi ro, còn bao gồm chi phí quản lý sổ sách, chi phí chuyển phát nhanh và các chi phí phụ khác. Điều này gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ bao thanh toán.

Sản phẩm bao thanh toán chưa có sức hấp dẫn đối với khách hàng

- Xét về mặt lý thuyết, bao thanh toán khắc phục được tình trạng cho vay dựa trên tài sản thế chấp của tín dụng ngân hàng. Nhưng thực tế ở Việt Nam, tài sản đảm bảo vẫn là vấn đề tiên quyết để nhận được nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng. Tại Việt Nam, tài sản đảm bảo không những được các ngân hàng Việt Nam mà còn được các ngân hàng nước ngoài xem trọng. Điều này cũng là tất yếu, bởi vì, đặc điểm thị trường Việt Nam đầy rủi ro, không cho phép ngân hàng mạo hiểm. Các ngân hàng không thể xét duyệt hạn mức tín dụng đơn thuần sau khi nghe các doanh nghiệp chứng minh tình trạng tài chính của mình là lành mạnh trong khi những lý lẽ đó có được từ việc phân tích các báo cáo tài chính không thể tin tưởng được.Chính việc ngân hàng đòi hỏi bên bán phải có tài sản đảm bảo đã làm giảm đi ưu thế của dịch vụ bao thanh toán, đồng thời cũng đã làm mất đi bản chất của dịch vụ này.

- Mặt khác, dịch vụ bao thanh toán tại các ngân hàng thường chỉ chú trọng tới các doanh nghiệp lớn. Dịch vụ bao thanh toán của ngân hàng chưa thật tiện lợi, hệ thống thông tin tín dụng còn thiếu thốn nên để tránh rủi ro, ngân hàng đưa ra những điều kiện rất khó đáp ứng, có đòi hỏi cao đối với khách hàng như phải chứng minh uy tín của bên mua hàng, các khoản phải thu phải thật sự an toàn hay phải có sự bảo lãnh của định chế tài chính khác. Đây thật sự là điều kiện khó khăn đối với doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Đối với quốc tế, bao thanh toán thường là miễn truy đòi. Sau khi kí hợp đồng bao thanh toán và nhận tiền đầy đủ từ phía tổ chức bao thanh toán, người bán (nhà xuất khẩu) sẽ hết nghĩa vụ đối

với hợp đồng đã kí với nhà nhập khẩu. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật làm bao thanh toán trở nên hấp dẫn vì nhà xuất khẩu không còn lo lắng, bận tâm với hợp đồng mua bán nữa. Tuy nhiên, vì dịch vụ bao thanh toán còn khá mới mẻ và để đảm bảo an toàn, ngân hàng chỉ thực hiện bao thanh toán có quyền truy đòi. Điều này cũng được xem là một cản trở lớn đối với sự phát triển dịch vụ này tại Việt Nam. Nó làm cho các doanh nghiệp có tâm lý không muốn sử dụng dịch vụ.

- Ngoài ra, bên bán hàng muốn được ngân hàng thực hiện bao thanh toán, khách hàng của bên bán (bên mua hàng) phải được đơn vị bao thanh toán cấp hạn mức tín dụng. Điều này thật sự vô lý, và đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ bao thanh toán.

Trình độ hiểu biết về luật pháp, điều ước và tập quán quốc tế

Sự không thống nhất các qui định về bao thanh toán cũng tạo một rào cản lớn cho sự phát triển của bao thanh toán quốc tế. Bởi vì bao thanh toán quốc tế không những chỉ chịu sự điều tiết của GRIF (General rules for international factoring), mà còn chịu sự điều tiết của luật pháp tại quốc gia của các bên liên quan trong hợp đồng. Ví dụ như: theo GRIF thì không cần phải có xác nhận của người mua đồng ý thanh toán cho đơn vị bao thanh toán. Tuy nhiên, theo Quy chế bao thanh toán tại Việt Nam thì phải có xác nhận này thì hợp đồng bao thanh toán giữa bên bán và tổ chức bao thanh toán mới có hiệu lực. Sự không thống nhất này gây khó khăn cho bên bán và đơn vị thực hiện bao thanh toán.

Mặt khác, mỗi một quốc gia có những qui định cũng như tập quán riêng. Vì vậy, để nắm bắt, am hiểu tất cả các luật lệ quốc tế, điều này thật không đơn giản. Và chính việc không am hiểu luật pháp quốc tế sẽ dễ dẫn đến việc tranh chấp, thua kiện khi ra tòa.

Quan hệ với thị trường nước ngoài còn hạn chế

Trong bao thanh toán quốc tế, người mua và tổ chức bao thanh toán xuất khẩu ở hai quốc gia khác nhau, vì thế việc thẩm định người mua rất khó khăn. Nhất thiết cần phải có sự tham gia hỗ trợ của một tổ chức bao thanh toán tại quốc gia người mua (đơn vị bao thanh toán nhập khẩu). Do đó, một ngân hàng muốn thực hiện bao thanh toán quốc tế tốt, cần phải có mối quan hệ rộng rãi với các tổ chức bao thanh toán khác trên thế giới. Nhưng đa số các ngân hàng Việt Nam hiện nay chưa đủ điều kiện để mở các chi nhánh tại nước ngoài. Hơn nữa, mối quan hệ với các ngân hàng, đơn vị bao thanh toán nước ngoài còn nhiều hạn chế. Đây thực sự là một khó khăn rất lớn của các ngân hàng Việt Nam.

Những lý do trên là nguyên nhân làm cho nghiệp vụ bao thanh toán không phát triển ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng còn một lý do nữa, đó là chủ yếu nghiệp vụ bao thanh toán chỉ được thực hiện ở hội sở của các ngân hàng. Phần lớn các chi nhánh chưa quen thuộc và cũng chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện cũng như đẩy mạnh tiếp thị dịch vụ này đến khách hàng. Điều này cũng là một rào cản gây khó khăn cho việc mở rộng, phát triển sản phẩm ở thị trường đầy tiềm năng như nước ta.

Phần 3 : Một số giải pháp thưc hiện và phát triển bao thanh toán tại NHTM

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ bao thanh toán tại các NHTM (Trang 37)