Viện trợ phát triển chính thức

Một phần của tài liệu Sức mạnh mềm Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 21 (Trang 33)

ODA là một trong các nguồn viện trợ từ các quốc gia phát triển cung cấp cho các quốc gia đang phát triển, mục tiêu chính của nó là thúc đẩy phát triển kinh tế và phúc lợi của nước tiếp nhận. Đối với Nhật Bản, ODA cũng là một trong các phương tiện ngoại giao hiệu quả và quan trọng nhất nhằm đạt các mục đích chính trị, đồng thời tăng cường sự thống trị của mình trong hợp tác kinh tế khu vực, đảm bảo an toàn cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vận chuyển thương mại, tăng sức ảnh hưởng trên thế giới để trở thành một siêu quyền lực chính trị.

ODA bao gồm các khoản trợ cấp song phương (viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật), cho vay và hỗ trợ đa phương (cung cấp cho các thể chế đa phương như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các cơ quan Liên hiệp quốc). ODA Nhật có các đặc tính nổi bật phản ánh được cơ cấu thể chế cũng như triết lý viện trợ đã xác nhận được qua kinh nghiệm phát triển của bản thân mình.

Chương trình viện trợ phát triển của Nhật đã bắt đầu vào giữa thập niên 50, theo hình thức bồi thường chiến tranh và các hình thức tương tự bồi thường cho các tổn hại thời chiến mà Nhật đã gây ra đối với các quốc gia châu Á. Các khoản bồi thường được chi trả cho bốn quốc gia (Myanmar, Philippines, Indonesia và miền Nam Việt Nam) từ năm 1955 – 1965 là khoảng 1 tỷ USD [33, tr. 258]. Phần viện

35

trợ kinh tế phụ thêm được cấp cho các quốc gia châu Á khác bao gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Vì các nguồn quỹ này được cung cấp theo tinh thần bồi thường chiến tranh nên chúng được gọi là hình thức “tương tự bồi thường” ở Nhật. Cùng thời điểm đó, Nhật cũng đã khởi xướng một chương trình hợp tác kỹ thuật như tham gia vào Kế hoạch Colombo. Kế hoạch Colombo, được thành lập bởi các quốc gia Khối thịnh vượng chung Anh vào năm 1950, là sự sắp xếp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các quốc gia thành viên Nam và Đông Nam Á, Nhật làm thành viên vào cuối năm 1954.

Vào đầu thập niên 60, Nhật dần dần mở rộng chương trình viện trợ phát triển và trở thành một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế các nước cho tặng viện trợ. Vào năm 1960, Nhật trở thành một trong 9 quốc gia thành viên của Nhóm viện trợ phát triển. Sau đó nhóm này được lập lại thành Ủy ban viện trợ phát triển (Development Assistance Committee – DAC) thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development – OECD) vào mùa thu năm 1961. Cùng năm 1960, Nhật gia nhập Hiệp hội phát triển quốc tế (International Development Association – IDA), một tổ chức của WB, và đã đóng góp 33.5 triệu USD cho nguồn vốn tổng là 1 tỷ USD. Nhật cũng đóng vai trò đi đầu trong việc thành lập ADB vào năm 1966 với đóng góp ban đầu là 200 triệu USD, bằng với Hoa Kỳ. [33, tr. 258-259]

Suốt thập niên 60, các khoản ODA Nhật đều tăng, tăng từ khoảng 100 triệu USD mỗi năm lên đến khoảng 500 triệu USD. Vào năm 1970, Nhật trở thành quốc gia cấp viện trợ lớn thứ 5, đứng sau Hoa Kỳ, Pháp, Tây Đức và Anh. Nhật vượt qua Anh vào năm 1972, Tây Đức vào năm 1983, Pháp vào năm 1986 và tạm vượt Hoa Kỳ vào năm 1989. Trong thập niên 70 và 80, giá trị USD của ODA tăng gần 20 lần, từ 500 triệu USD đến khoảng 9 tỷ USD. Sau khi Nhật trở thành nhà cung cấp ODA lớn nhất vào năm 1991, giá trị tiếp tục tăng đều đặn trong thập niên 90. [33, tr. 259]

36

Số lượng lớn ODA Nhật Bản và cả các dòng viện trợ chính thức khác (other official flows – OOF) được hỗ trợ bởi nền kinh tế mở rộng của Nhật qua các năm đã phản ánh mục tiêu của đất nước về cả lợi ích kinh tế lẫn chính trị.

Trước tiên, là một quốc gia thương mại thì Nhật có lợi khi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cho các đối tác thương mại của mình, đặc biệt là trong khu vực láng giềng châu Á [8, tr. 131-133] và trong các nước cấp ODA cho ASEAN thì Nhật Bản là nước viện trợ nhiều nhất (xem Hình 3, Phụ lục). Vì Nhật cũng là quốc gia nằm trong khu vực châu Á, nền kinh tế Nhật có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau rất chặt chẽ với châu Á, nhất là Đông Nam Á. Ngoài ra, việc tạo nên cũng như giữ gìn nền hòa bình và ổn định cho thế giới và khu vực là điều kiện cần thiết cho việc đầu tư và mua bán ổn định. Trong những năm đầu của chương trình viện trợ phát triển, nền kinh tế Nhật được cho là lạm dụng động cơ cung cấp viện trợ. Nhật dùng viện trợ như là một cách thức để bảo đảm các nguồn vật liệu thô cho nền công nghiệp của mình và để mở cửa các thị trường cho xuất khẩu. Sự suy tính cho kinh tế vẫn giữ phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách.

Thứ hai, giới hạn Hiến pháp về chi tiêu quân sự không chỉ mang lại khoản ngân sách lớn hơn cho viện trợ phát triển mà còn làm tăng tính hữu dụng của nó như là một công cụ cho ngoại giao quốc tế. Trải qua các năm, vị thế nước Nhật như một quyền lực kinh tế lớn đã được củng cố, chính phủ Nhật ngày càng có thái độ khẳng định dùng viện trợ như là một công cụ ngoại giao. Một quyết định của nội các năm 1992 đã phản ánh tầm ảnh hưởng lớn của Bộ Ngoại giao đối với các quyết định của ODA. Đó là việc chính phủ Nhật ban hành “Điều lệ ODA”. Điều lệ này đặt ra 4 nguyên tắc: (1) chú trọng môi trường, (2) tránh sử dụng ODA cho mục đích quân sự, (3) chú ý chi phí quân sự và sự phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước tiếp nhận ODA, (4) chú ý thúc đẩy dân chủ, kinh tế thị trường và nhân quyền.

Theo các nguyên tắc trên, ODA Nhật Bản đã cho thấy nỗ lực của mình trong thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế. Qua phương tiện ngoại giao này, chính sách ngoại giao kinh tế của Nhật đã có những bước đi rất nổi bật trong quan hệ với các

37

nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Đây là đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng sức mạnh mềm của Nhật Bản.

Viện trợ kinh tế như là một sự hỗ trợ vật chất cho nước tiếp nhận, có thể xem là sự thể hiện sức mạnh cứng. Tuy nhiên, những quan điểm quyết định sự ủng hộ phát triển và thực hiện ODA là một sự thể hiện sức mạnh mềm của nước cho tặng ODA, với ý nghĩa phản ánh những giá trị của xã hội cho tặng. [61]

Một phần của tài liệu Sức mạnh mềm Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 21 (Trang 33)