Nhiều tỉnh quan tâm đến phát triển chè, coi chè là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đã ban hành các chính sách khuến khích sản xuất chè, nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế. Song từ khi có quyết định 43/1999/TTg, các chính sách của nhà nước và các tỉnh về khuyến khích sản xuất chè được thực hiện một cách tích cực hơn. Lãnh đạo các cấp chính quyền và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tổ chức rất nhiều đoàn tham quan, trao đổi, hoặc hỏi kinh nghiệm lẫn nhau... Tuy nhiên, để ngành chè tiếp tục phát triển ổn định, đạt năng suất, chất lượng cao thì Chính phủ cũng như lãnh đạo các tỉnh cần tiếp tục đưa ra các chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất chè. Cụ thể:
6.1. Chính sách thuế
Thuế nông nghiệp đang được thực hiện nộp 12% theo từng hạng mục đất để phát triển ngành chè, đề nghị Nhà nước miễn giảm thuế sử dụng đất nông
nghiệp cho diện tích đất trồng mới ở thời kỳ kiến thiết cơ bản (4-5 năm) và giảm tỷ lệ phải nộp (trong thời kỳ kinh doanh) xuống còn 6-8% vì chè chỉ phát triển ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, lại trồng trên địa hình dốc, hiểm trở. Đất khôi phục chè được miễn thuế 3-6 năm.
Với các dự án liên doanh với ngoài thuế đất chỉ nên thu 50 USD/ha trong một năm với đất trồng chè và 100 USD/ha trong một năm với đất xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ.
Với các dự án trồng và chế biến chè xuất khẩu, thuế lợi tức nên áp dụng 100% kể từ khi kinh doanh (sau khi trồng mới 4 năm) và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo khi cây trồng chưa có năng suất cao và ổn định.
6.2. Chính sách vốn
Vốn đầu tư trong nước: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về lãi suất và tiền vay cho người trồng chè, trong đó danh mục là: cho người sản xuất chè, công nghiệp chế biến, trồng mới và cho vùng chè đặc sản, đặc biệt.
Vốn đầu tư trồng mới theo các dự án được duyệt vay trong thời hạn 15 năm, 7 năm đầu ân hạn, lãi suất bằng lãi suất vốn vay ưu đãi đầu tư theo kế hoạch. Người làm chè phải hoàn trả vốn và lãi trong 8 năm kể từ năm thứ 8 đến hết năm thứ 15.
Các ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng người nghèo cho các hộ gia đình làm chè được vay vốn để đầu tư thâm canh vườn chè mức 4,5 triệu đồng/ha với lãi suất đặc biệt đối với người nghèo thông qua các hoá đơn chứng từ mua vật tư, phân bón... Hộ gia đình thế chấp bằng chính vườn chè của mình (có sự xác nhận của chính quyền địa phương); ngân hàng thu hồi vốn sau 18 tháng bằng tiền bán chè búp tươi qua các cơ sở chế biến hoặc chủ thầu nguyên liệu (chủ thầu do các hộ gia đình cử ra và có sự xác nhận của chính quyền địa phương).
Các ngân hàng Đầu tư và Phát triển, ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng cho người nghèo, cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp làm chè được vay vốn để phục hồi vườn chè với mức 12-15 triệu đồng/ha (để phục hồi trong 3 năm) với lãi suất ưu đãi người nghèo, thế chấp vốn vay bằng vườn chè (đối với hộ gia đình), các doanh nghiệp cho vay thông qua dự án. Thời hạn hoàn trả: 3 năm đầu ân hạn và trả trong 6 năm tiếp theo.
Các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng và cải tạo nhà máy chế biến chè theo dự án được duyệt trong 10 năm, 3 năm đầu ân hạn, lãi suất bằng lãi suất vốn ưu đãi dầu tư theo kế hoạch nhà nước, doanh nghiệp hoàn trả vốn và lãi suất trong 7 năm kể từ năm thứ 4 đến năm thứ 10.
Việc vay vốn để thâm canh, cải tạo vườn chè và trồng mới chè ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa được áp dụng theo chính sách ở vùng đó.
Đầu tư nước ngoài: Nhà nước cần có những sửa đổi và bổ sung trong hệ thống luật đầu tư ngoài nước, cụ thể: coi trồng chè cũng như trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, do đó các công ty liên doanh với nước ngoài, một mặt nên được hưởng như chính sách thuế nêu trên, mặt khác cho phép thời hạn liên doanh tối đa 50 năm. Được phép chủ động nhập vật tư, nguyên liệu giống mới vào công ty. Ngoài ra, đề nghị không khống chè tỷ lệ góp vốn pháp định tối thiểu của phía Nhà nước trong công ty liên doanh.
Với vùng chè ở trung du và miền núi, đề nghị Nhà nước có giải pháp kết hợp giữa phát triển chè với các chương trình định canh, định cư, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, di dân và kinh tế mới...
6.3. Chính sách xuất nhập khẩu
Mặc dù có thể xuất hiện những công ty tư nhân kinh doanh (sản xuất -chế biến - tiêu thụ) như luật định, đề nghị Nhà nước cần ban hành những chính sách cụ thể về mức độ, địa bàn... hoạt động của các loại công ty. Mặt khác Nhà
nước cũng cần có những chính sách ưu tiên xuất nhập khẩu cho những vùng có tiềm năng sản xuất chè cao mà mức sống nhân dân trong vùng còn thấp.
6.4. Chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng
Đề nghị Nhà nước quan tâm ưu tiên đầu tư chính sách hạ tầng cho các vùng chè tập trung, phần lớn các vùng chè này đều thuộc Trung du Miền núi Bắc Bộ, đặc biệt trước hết là hệ thống điện, giao thông đi lại, đồng thời là hệ thống thông tin liên lạc, văn hoá xã hội như trường học, bệnh viên, trạm xá, chợ búa... Đề nghị các cơ quan hữu quan cần quan tâm ngay từ nay đến năm 2005.
Cần hình thành một số cơ sở tổ chức và cơ sở thiết yếu sau:
- Tổ chức một trung tâm đấu trộn chè nhằm nâng cao sự đồng đều các mặt hàng chè Việt Nam, tiến tới tổ chức bán đấu giá chè tại đây.
- Xây dựng nhà máy sản xuất các loại bao bì đóng gói chè thành phẩm tại thủ đô Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Xây dựng viện nghiên cứu chè Việt Nam và cần hình thành một trung tâm thực nghiệm khép kín (sản xuất-chế biến) và là nơi cung cấp giống chè tốt cho toàn quốc.
- Xây dựng một trung tâm cơ khí để chế tạo phụ tùng thay thế và thiết bị cho chế biến
6.5. Chính sách về chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông
Người trồng chè được hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hút và chế biến chè.
Nhà nước (tỉnh) trả lương cho cán bộ khuyến nông trực tiếp chỉ đạo sản xuất chè (biên chế tại doanh nghiệp) từ khi trồng mới đến khi chè vào kinh doanh định mức khoán 50 ha chè cho cán bộ khuyến nông. Mức lương theo ngạch bậc công chức theo Nhà nước quy định, nếu công tác ở vùng cao thì
được hưởng chính sách đối với cán bộ công tác ở vùng cao. Cán bộ khuyến nông ngoài biên chế của doanh nghiệp, nếu địa bàn có nhu cầu sẽ được bố trí và hưởng lương theo chính sách đối với cán bộ khuyến nông của tỉnh. Tỉnh chịu trách nhiệm mở lớp đào tạo tập huấn cán bộ kỹ thuật và quản lý sản xuất chè ở các địa bàn quy hoạch.
6.6. Chính sách thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm
Thu mua toàn bộ sản phẩm do người trồng chè sản xuất ra theo giá thoả thuận. Các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện chính sách bảo hiểm giá chè cho người trồng chè. Mức bảo hiểm bằng mức giá thành hợp lý theo thời điểm.
Các doanh nghiệp chế biến được vay vốn để xây dựng mới cơ sở chế biến chè với lãi suất đặc biệt ưu đãi. Thời gian hoàn trả vốn vay theo khả năng hoàn vốn của dự án được duyệt.
Khuyến khích các hộ vùng sâu, vùng xa phát triển hình thức chế biến thủ công bán cơ giới và cơ giới nhỏ với công nghệ tiên tiến, hiện đại theo chính sách này. Các cơ sở chế biến được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về phát triển và kinh doanh ở miền núi.
Đồng thời với các chính sách nêu trên, các chính sách khác như: tín dụng ngân hàng, bảo hiểm sản xuất, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học... cũng cần được xem xét cho phù hợp.