Bài học kinh nghiệm từ kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Một phần của tài liệu tiểu luận Xu hướng Kiến trúc Đương đại (Trang 35)

V. TÍNH XÃ HỘ I NHÂN VĂN BỀN VỮNG

3. Bài học kinh nghiệm từ kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một môi trường khí hậu nóng ẩm, từ xa xưa ông cha ta đã có nhiều kinh nghiệm xử lý kiến trúc truyền thống từ chọn hướng xây dựng ngôi nhà ở, bố cục và tổ chức không gian khuôn viên đến lựa chọn vật liệu xây dựng, đào ao hồ, trồng cây xanh....để xử lý ngôi nhà của mình phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm tạo một cuộc sống thích nghi nhất phù hợp với tâm sinh lý của người Việt trong điều kiện kinh tế cho phù hợp. Những kinh nghiệm này không những giúp người dân cải thiện được điều kiện vi khí hậu mà còn góp phần tích cực sử dụng tiết kiệm năng lượng trong cuộc sống. Vì vậy có thể xem kiến trúc dân gian truyền thống là kiến trúc xanh.

3.1. Bố cục, tổ chức không gian khuôn viên ngôi nhà truyền thống.

Bố cục khuôn viên ngôi nhà truyền thống cũng có những nét riêng, đặc sắc rất Việt Nam, đó là một quần thể bao gồm những ngôi nhà nhỏ, giản dị, được tổ chức, bố cục phân tán vây quanh ngôi nhà chính với không gian đệm là cái sân rộng gắn liền trước ngôi nhà chính. Cách sắp xếp nhà ở, tổ chức sân vườn, ao cá, chuồng trại chăn nuôi, công trình sản xuất phụ....trong ngôi nhà truyền thống đều mang đậm bản sắc, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên được một bố cục tương đối hoàn chỉnh, cân bằng và ổn định. Cái sân trong nhà ở dân gian Việt Nam đã có nhiều tác dụng rõ rệt: Đó là nơi sản xuất, phơi phóng, là nơi tạo ra những luồng gió đối lưu thông thoáng cho ngôi nhà đồng thời là nơi đều tổ chức hội họp, ma chay, cưới hỏi, giỗ lạt.... Sân phơi đa chức năng thường nằm ngay trung tâm của bố cục quần thể khuôn viên và chúng ta có thể xem nó như là "trái tim- lá phổi" của vùng nông thôn nhiệt đới nóng ẩm, vì đó không những là nơi diễn ra các sinh hoạt chủ yếu của một gia đình mà còn làm nhiệm vụ điều hoà, cải tạo điều kiện vi khí hậu góp phần tích cực phục hồi sức khoẻ cho người dân sau một ngày lao động vất vả, nặng nhọc. Tương phản nhiệt độ giữa mặt sân đã được nung nóng và bóng mát vườn cây đã góp phần tạo nên dòng khí mát đối lưu hai chiều trong những ngày hè nóng bức.

Từ những kinh nghiệm tổ chức sân vườn này đã được ông cha ta áp dụng vào trong ngôi nhà ống phố cổ và ngày nay đã được các nhà qui hoạch, thiết kế vận dụng sáng tạo trong nhà ở có giếng trời, đã góp phần nâng cao tiện nghi sống cho người dân đô thị hôm nay cũng như đã góp phần giúp họ tiết kiệm trong sử dụng năng lượng.

3.2. Chọn hướng xây dựng ngôi nhà truyền thống.

Chọn hướng xây dựng ngôi nhà là một việc làm quan trọng, việc làm trước tiên của người dân Việt Nam khi xây dựng ngôi nhà ở. Như chúng ta đã biết khí hậu nước ta mùa hè ẩm ướt có gió mát thổi từ biển vào (gió nam, đông nam), mùa đông khô có gió lạnh từ lục địa (gió bắc, đông bắc). Để đón được gió mát của mùa hè và tránh được gió rét của mùa đông, nhà ở nhân dân ta thường chọn quay về hướng Nam hay Đông Nam. Mặt khác nhà quay về hướng này sẽ tránh được nắng tây xiên khoai bất lợi và chịu được gió bão lớn. Các công trình phụ được tổ hợp quây quanh công trình chính, ôm lấy cái sân rộng chừng vài chục mét vuông. Các công trình phụ hầu như được ẩn mình trong các vòm cây xanh của khu vườn, như cố tình nhờ sự chở che, đùm bọc của cây lá để chống chọi với gió bão, đồng thời tranh thủ tận hưởng luồng gió mát và bầu không khí trong lành từ những lùm cây này. Những kinh nghiệm về giải pháp tổ chức sân vườn như "ao trước - vườn sau, chuối sau - cau trước", không những đã có giá trị về mặt tổ chức cảnh quan khuôn viên ngôi nhà ở mà còn thể hiện được tính khoa học trong kinh nghiệm chống nóng bức, làm mát ngôi nhà, cải thiện điều kiện vi khí hậu, tạo được môi trường cư trú thích nghi, góp phần tiết kiệm sử dụng năng lượng.

3.3. Tổ chức cây xanh, mặt nước.

Từ xưa tới nay, cây xanh mặt nước bao gồm mảnh vườn, cái ao đã trở thành một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong bố cục khuôn viên truyền thống của người dân đất Việt chúng ta. Ao có thể xem như một nhân tố cơ bản tạo nên môi trường sống của người dân, đặc trưng cho hệ sinh thái nhà ở thôn xóm. Ao đã giúp người dân cải tạo địa hình khu đất, giúp cho việc tiêu nước được nhanh chóng, chống lầy lội, ngập úng đồng thời là nguồn dự trữ nước để tưới cây, trồng trọt và cũng là phương tiện hữu hiệu góp phần cải tạo điều kiện vi khí hậu, cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Vườn và ao trong khuôn viên gia đình nông dân đã trở thành một hệ cân bằng sinh thái (Vườn - Ao - Chuồng). Ao đã góp phần tích cực trong bố cục khuôn viên của ngôi nhà, thông thường ao đặt ở phía trước hay bên cạnh sườn ngôi nhà chính, cạnh lối ngõ vào sân, một mặt bố cục này thuận lợi cho công việc tưới cây, rửa chân tay khi làm đồng về, mặt khác khi ao đặt đầu gió sẽ tạo điều kiện thông gió cho sân, các phòng ngủ cũng như các bộ phận khác của ngôi nhà.

Cùng với ao, vườn cây cũng là nhân tố quan trọng - cấu thành bố cục khuôn viên nhà ở truyền thống. Vườn cây đã góp phần tích cực chống trả bão lụt tạo cho ngôi nhà có một môi trường vi khí hậu thuận lợi: Mùa hè cho bóng mát, mùa đông che chắn gió lạnh. Mặt khác vườn cũng đã góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người dân.

Ao vườn kết hợp với nhau tạo nên điều kiện tiện nghi cho môi trường sống nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nước ta. Chúng đã hút bớt năng lượng nhiệt và bức xạ, tạo ra một không khí trong lành, mát mẻ (cây xanh có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời 40 - 45%, không khí nóng thổi qua thảm cỏ xanh nằm trong bóng mát cây xanh có thể hạ thấp nhiệt độ 2- 30C. Cây xanh còn có tác dụng lọc bụi, làm giảm độ ô nhiễm không khí từ 25 - 40%, ngăn cản được tiếng ồn...).

nung nóng và trong bóng mát của vườn cây đã góp phần tạo ra những luồng gió "đối lưu" từ sân, vườn, nhà với nhau, có tác dụng cải tạo điều kiện vi khí hậu trong khuôn viên ngôi nhà ở truyền thống cũng như trong toàn bộ thôn xóm.

Ngôi nhà vườn ở xứ Huế cũng có những nét đặc trưng riêng. Nhà và vườn là hai yếu tố tạo nên môi trường sống đã gắn bó lâu đời với người dân xứ sở này. Quanh khuôn viên của các hộ gia đình ở đây được rào bằng những hàng cây phía trước thường rào bằng cây chè tàu, dâm bụt, ô rô.... được cắt xén rất công phu, cẩn thận, vừa có tác dụng ngăn tầm nhìn, vừa tạo điều kiện thông thoáng dễ dàng, đón gió mát vào nhà. Phía sau nhà thường trồng bụi tre gai dày, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa để chắn gió bất lợi thổi từ phía sau đến. (Hình 3)

3.4. Cấu trúc tường mái:

Nước ta có điều kiện khí hâu khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, lượng bức xạ mặt trời lớn, miền Bắc mùa đông lạnh (nhất là các tỉnh miền núi phía bắc), độ ẩm cao. Để khắc phục vấn đề này ông cha ta trên mỗi vùng khác nhau của đất nước đã có những kinh nghiệm riêng trong việc sử dụng vật liệu, cấu trúc tường, mái chắn mưa nắng...

- Vùng Đông Bắc có mùa đông lạnh ngắt, có nơi có tuyết rơi, có sương muối vì vậy ngôi nhà cổ truyền thống ở đây là nhà trình tường đất dày 40cm, nhà mở ít cửa và cửa sổ thường có kích thước nhỏ. Ngôi nhà này rất đặc trưng, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm áp. Ngoài ra người dân nơi đây còn sử dụng loại nhà sàn để tránh ẩm mốc, tránh lũ lụt, thú dữ.

- Nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngoài việc lựa chọn hướng nhà, ông cha ta còn chú ý kết hợp với các loại hình thức che chắn khắc như: trồng cây, treo mành che, dựng các tấm phên dại... để ngăn chặn bức xạ mặt trời mùa hè, che chắn gió lạnh mùa đông. Ngôi nhà luôn luôn được thoáng đãng, chống được ẩm mốc.

- Nhà ở dân gian miền Trung hay ở đồng bằng sông Cửu Long thường có loại tường mỏng: vách đan bằng tre, nứa, gỗ hay bằng đất trộn rơm trát lên khung tre. Với loại cấu tạo tường này thì vào buổi trưa thường bị bức xạ mặt trời xâm nhập dễ dàng nhưng lúc xế chiều nó lại tạo điều kiện cho khí nóng thoát ra khỏi nhà một cách nhanh chóng, làm cho ngôi nhà chóng mát hơn.

Một phần của tài liệu tiểu luận Xu hướng Kiến trúc Đương đại (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(41 trang)
w