Nhân cách “là hệ thống những phẩm giá của một người được đánh giá từ mối quan hệ qua lại của người đó với những người khác, với tập thể, với xã hội và với thế giới tự nhiên xung quanh trong cách nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai”[33;264-265].
Nhân cách là một thứ giá trị được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc.
Nhân cách tức là tư cách làm người, là biểu hiện tập trung những đặc điểm riêng biệt của mỗi người. Như vậy con người chỉ với tính cách là chủ thể hoạt động mới hình thành nhân cách, con người khi có nhân cách độc lập mới có thể trở thành chủ thể đích thực. Xét theo ý nghĩa này, con người muốn có nhân cách độc lập thực sự, cần giữ tính tự chủ, tính năng động và tính sáng tạo của mình trong các quan hệ xã hội.
Nhìn từ quan hệ giữa con người với các hoạt động giá trị, nhân cách biểu hiện tính chủ thể của con người. Người ta quan niệm chủ thể là cá nhân con người, cũng có thể là một cộng đồng, hoặc toàn thể xã hội, cũng có thể là cả loài người. Bản chất của nhân cách chỉ có thể đạt được tính quy định hợp lý của nó trong các mối quan hệ xã hội. Nhân cách do các nhân tố cụ thể như điều kiện sản xuất, môi trường xã hội và giáo dục văn hóa tạo nên.
Nhân cách con người Việt Nam hiện nay được hình thành trên cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Song thực tế, nước ta là một nước đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với nền kinh tế thị trường mở cửa, nhiều thành phần, chúng ta đang cố gắng xây dựng con người mới - con người theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó chứng tỏ ở nước ta hiện nay vốn có nhiều tầng lớp khác nhau, nhiều loại người, nhưng có lẽ phổ biến hơn cả vẫn là con người truyền thống rải rác ở khắp các làng quê. Dĩ nhiên con người truyền thống hiện nay không phải là con người truyền thống cách đây hai, ba thế kỷ, nhưng những nét chung căn bản của con người truyền thống trước kia cho đến nay họ vẫn còn giữ lại được.
Đã có con người truyền thống, ắt hẳn có thế giới quan truyền thống, phong tục và tập quán truyền thống. Từ đó ta thấy ảnh hưởng của Phật giáo khá rõ nét và sâu đậm lên thế giới quan của những người mà hiện nay họ hầu như vẫn còn giữ lại những cái đặc trưng của thế giới quan truyền thống này ra sao?
Phân tích cấu trúc, nhân sinh quan truyền thống hay nhân sinh quan cổ truyền của người Việt, ta thấy gồm bốn yếu tố: Cái bản địa, Phật, Nho, Lão.
Sự hoà quyện bất phân giữa bốn yếu tố này tạo nên cho người Việt một quan niệm sống tương đối hoàn chỉnh trong lịch sử. Về hình thức, đó là những cái khác nhau, thậm chí có những điểm đối lập nhau, nhưng về mặt kết cấu thì chúng lại là những bộ phận cấu thành của một thế giới quan thống nhất. Giữa chúng có sự phân công hợp tác, nương tựa, bổ sung cho nhau.
Cùng với yếu tố bản địa, Nho - Phật - Lão mỗi cái đều có cái mạnh, sở trường, sở đoản khác nhau, chúng xem xét những mặt, những khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Nhân sinh quan Nho giáo thì cung cấp cho con người cái nhìn khách quan, những quan niệm về chính trị - xã hội, những quan hệ Vua - tôi, cha - con, chồng - vợ. Nhân sinh quan Lão giáo chủ trương xa lánh những gì là nhân tạo, quay về bắt chước tự nhiên, sống tự nhiên vô vi đạm bạc. Cả hai đạo đều không đả động đến vấn đề sướng khổ, hoạ phúc, sinh tử. Nhân sinh quan Nho giáo cho rằng, chưa biết được việc sống thì làm sao biết được việc chết, giàu sang tại mệnh, phú quý tại trời. Nhân sinh quan Đạo Lão cho rằng sống chết, sướng khổ, hoạ phúc là điều tự nhiên, không cần can thiệp để ý, rằng trong phúc có hoạ, trong hoạ có phúc. Những lý giải đó không thoả mãn nhu cầu nhận thức và tâm lý của người Việt. Nhân sinh quan Phật giáo với một hệ thống những quan niệm phong phú chặt chẽ, trong đó có những học thuyết có thể giải quyết được nhiệm vụ hầu như bỏ trống này. Sự phân công có lẽ mang tính tự phát do nhu cầu cuộc sống, trong thế giới quan truyền thống của người Việt như vậy, được hình thành một cách tự nhiên. Có điều nếu nhân sinh quan Nho giáo nghiêng về những quan niệm chính trị - xã hội, nhập thế thì nhân sinh quan Phật giáo, Lão giáo nghiêng về xuất thế. Điều này ngay từ thế kỷ thứ II, Mâu Tử đã đền cập đến. Nếu nhân sinh quan Lão giáo nghiêng về lối sống, thì nhân sinh quan Phật giáo nghiêng về triết học
(tâm linh). Như vậy, xét ở góc độ lý luận triết học nói chung và nhân sinh quan nói riêng thì tỷ trọng tham gia của Phật giáo trong sự tổng hợp bốn yếu tố trên là lớn hơn, căn bản hơn, có hệ thống hơn, có cớ hơn, hợp lý hơn các phần khác. Bởi vậy, nó tồn tại lâu dài hơn, bề thế hơn, vững chắc hơn.
Trước hết, ta thấy nhân sinh quan Phật giáo với học thuyết nhân quả luân hồi không những không cản trở quan niệm linh hồn của người Việt mà còn có nhiều điểm tương đồng và ở khía cạnh nào đó, nó đã củng cố và đặt cơ sở cho quan niệm đó. Trong các bài viết, bàn luận về nhân sinh quan của Phật giáo Việt Nam, Trung Quốc cổ ta thấy có cả khái niệm linh hồn, cái mà nhân sinh quan Phật giáo bác bỏ. Quan niệm tam giới, lục đạo trong nhân sinh quan Phật giáo rất gần gũi với tín ngưỡng bản địa về Tam phủ, với quan niệm tam tài của Nho. Sự hoà nhập giữa tam giáo và tín ngưỡng bản địa đến nỗi rất khó phân biệt cái nào là thuộc giáo nào, cái nào là của bản địa. Ngay trên bàn thờ ở một số nơi ta thấy có cả Phật, Tiên, Thánh và Tổ tiên. Trong nhân dân, trên bàn thờ của nhiều nhà cũng vậy. Ngay trong một số chùa, nơi được gọi là Thánh địa của Phật giáo cũng không còn là Phật giáo thuần tuý nữa, bởi lẽ có mặt cả thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp, thần đá, thần hổ, có mặt cả các Đức Ông, các Mẫu… Chính sự tổng hợp bốn yếu tố trên đã tạo nên cho người Việt truyền thống một cấu trúc tư duy tương đối hoàn chỉnh, toàn diện giữa cá nhân và xã hội, xuất và xử, tâm linh và thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của đời sống con người trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Cũng chính nhờ sự tổng hợp này mà cái bên ngoài biến thành cái bên trong, cái của người biến thành cái của ta. Trong cái tổng hợp tạo nên cấu trúc tư duy truyền thống của người Việt đó, nhân sinh quan Phật giáo chiếm vị trí không nhỏ. Chính vì vậy mà ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo thông qua sự tham gia của yếu tố Phật giáo vào cấu trúc tư duy truyền thống là cực kỳ sâu sắc. Đó là chưa kể trong thời Bắc thuộc, trong khi Nho và Lão còn mờ nhạt thì Phật giáo đã có một hệ thống bề thế tương đối hoàn chỉnh. Để khỏi bị đồng hoá có nơi, có lúc,
cái bản địa còn được gửi vào trong Phật giáo và thế là Phật giáo đứng ra đương đầu, chống trả cuộc tấn công văn hoá từ phía Bắc. Cho đến thế kỷ XV yếu tố của nhân sinh quan Phật giáo trong nhân sinh quan người Việt vẫn là chủ đạo và Phật giáo từ khi du nhập đến thế kỷ XV đã cung cấp cho người Việt một học thuyết nhân bản - đó là chủ nghĩa yêu nước Phật giáo - tiếp tục tồn tại cho đến tận ngày nay.
Đó là xem xét vấn đề ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với nhân sinh quan của người Việt hiện nay trên góc độ đồng đại, phạm vi không gian. Ngày nay, ngoài khía cạnh này còn nhiều khía cạnh khác mà chúng ta cũng phải quan tâm. Trước hết, tục ngữ ta có câu “trẻ vui nhà, già vui chùa”, nên đi chùa đối với các cụ già đã trở thành một truyền thống của những người cao tuổi ở nước ta, nhất là đối với các cụ bà. Các cụ già, một mặt do tuổi cao sức yếu không còn tham gia công tác làm việc, có nhiều thời gian rỗi rãi, mặt khác cuộc đời của họ đã ở buổi hoàng hôn, mọi đắng cay ngọt bùi ở đời họ đã nếm trải. Do đó, họ có một cái nhìn sâu xa, bao dung, họ muốn có một sự yên tĩnh trong tâm hồn. Bởi vậy họ đến cửa chùa để vui thú tuổi già. Ngày nay, với chủ trương khôi phục tinh hoa văn hoá truyền thống trong khung cảnh hoà bình, các cụ lại nô nức đến chùa vào những ngày Sóc, Vọng, thậm chí cả những ngày ma chay giỗ tết. Cảnh thanh tịnh, tiếng chuông chùa không thể nào không ảnh hưởng đến họ. Thuyết vô thường đối với họ - những người sắp từ giã thế gian này lại càng thấm thía.
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo không chỉ đối với bản thân họ, mà thông qua họ, nhân sinh quan Phật giáo còn lan tràn đến lớp con cháu. Chúng ta hãy thử đến một số chùa chính ở Hà Nội vào ngày mồng một hay ngày rằm, chúng ta sẽ thấy khá đông thanh niên nam nữ, khi được hỏi tại sao đi chùa? Họ trả lời rằng, đi chùa để cho tâm hồn được thanh thản, để cầu phúc, cầu may. Theo họ, Đức Phật là người tôn kính và tin tưởng nhất trong
thế giới trần tục này. Ở đây, không thể nói nhân sinh quan Phật giáo không có ảnh hưởng gì tới tầng lớp thanh niên này. Còn nếu kể đến tầng lớp thiếu niên thì đã có gia đình Phật tử.
Lịch sử gia đình Phật tử ở nước ta đã trên 60 năm. Năm 1938 cư sĩ Tam Minh (Lê Đình Thám) tại Đại hội đồng Tổng Trị sự đầu tiên của An Nam Phật học hội tại chùa Từ Đàm (Huế) đã khởi xướng thành lập đoàn thanh niên Đức dục. Năm 1941, tổ chức này đổi tên là gia đình Phật hoá phổ. Năm 1951 cũng tại chùa Từ Đàm diễn ra Đại hội đầu tiên lấy tên gọi thống nhất là Gia đình Phật tử Việt Nam. Từ những tổ chức đầu tiên như gia đình hướng thiện, gia đình thiện ở Huế, gia đình Minh Tâm, gia đình Liên Hoa ở Hà Nội, tổ chức gia đình Phật tử đã lan tràn ra hều hết mọi miền đất nước và ngày nay mở rộng ra cả nước ngoài. Mục đích tôn chỉ của gia đình Phật tử Việt Nam khẳng định đây là một tổ chức giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên trở thành những người Phật tử chân chính để phụng sự đạo pháp, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Họ tuyên bố tổ chức của họ từ trước tới nay là một đoàn thể thân ái và nhân bản, vượt trên mọi quan điểm dị biệt về chính trị, xã hội. Chí hướng của họ là góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đào tạo và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo nếp sống truỵ lạc, đầy dục vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hoá đạo đức các thế hệ thanh thiếu niên.
Lý tưởng của họ là tôn trọng hoà bình thế giới, yêu đất nước không phải bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống cụ thể của mỗi người, tự nguyện giữ giới luật Phật chế, thực hành Tam quy Ngũ giới, mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống, trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật, sống trong sạch từ thể chất tới tinh thần, từ lời nói đến việc làm [28;8].
Ngay từ khi mới thành lập họ đã tuyên bố: “Vì lý tưởng cao cả của gia đình Phật tử, chúng ta sẽ không từ chối một gian lao khổ ải nào hết. Hiện nay đang có hàng ngàn, hàng vạn con em mà phụ huynh giao phó cho chúng ta uốn nắn, che chở vun xới, những phần tử ưu tú của mọi giới Phật tử và của xứ sở đang phó thác cuộc đời cho chúng ta dìu dắt, chúng ta phải làm thế nào cho xứng đáng sứ mệnh ấy”. Hiện nay, chương trình tu học của đoàn sinh gồm ba cấp: ngành oanh (gồm 4 bậc), ngành thiếu (gồm 4 bậc), ngành thanh (gồm 2 bậc). Tổng cộng gồm 7 bậc như sau: Tuyết Sơn, Anoma, Ni Liên, Lộc Uyển, A Dục, Huyền Quang, Vạn Hạnh. Hiện nay, gia đình Phật tử phát triển mạnh nhất ở miền Trung, đặc biệt là Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Như vậy, xét ở lứa tuổi, ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với nhân cách người Việt hiện nay không dừng lại ở các cụ già, mà còn ở cả những tầng lớp trẻ thanh thiếu niên. Tóm lại, ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với nhân sinh quan của người Việt hiện nay thể hiện rõ ở lớp người truyền thống, ở tầng lớp cụ già và thanh thiếu niên. Còn đối với tầng lớp các tu sĩ, cư sĩ mà theo thống kê cũng không phải là ít thì đó là một việc đương nhiên. Đó là ở bình diện bề nổi, dễ thấy, còn ở bình diện sâu xa khó thấy, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, đại đa số người Việt hiện nay đều chịu ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo.
Trong nhân sinh quan Phật giáo, xuất phát từ chỗ cho rằng mọi sự vật hiện tượng là sự kết hợp động của những yếu tố động, nên nó không có tự tính, mọi cái đều vô ngã (chư pháp vô ngã). Ngay con mắt người cũng chỉ là sự kết hợp động của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Bởi vậy, con người cũng là vô ngã. Đã là vô ngã, đã không có cái gì mà nhờ đó tôi có thể được gọi là tôi, ta có thể được gọi là ta, thì sống với chết, sinh với tử có ý nghĩa gì, đó chẳng qua chỉ là đổi thay, hợp tan của ngũ uẩn. Quan điểm này khiến cho con người đứng trước cái chết họ không thấy khiếp sợ, bạc nhược, “vô bố uý”.
Nhân sinh quan Phật giáo đã cho thấy mối quan hệ cơ bản phổ biến của mọi sự vật hiện tượng. Đó là quan hệ nhân quả. Chính nhờ có thuyết nhân quả mà trong nhân sinh quan Phật giáo, cách xem xét vạn vật, con người trong Phật giáo đều mang tính chất nhân quả. Ảnh hưởng của quan điểm này lớn đến mức chính nó đã biến thành quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của đại đa số người Việt. Người ta luôn nói với nhau rằng, gieo nhân nào thì gặt quả nấy, gieo gió gặp bão là vậy. Quan điểm nhân quả của nhân sinh quan Phật giáo để hiểu cho đến tận ngọn nguồn đối với người thông thường là khó khăn, đặc biệt là thuyết luân hồi quả báo. Nhưng xét về mặt nào đó, nó cũng có ý nghĩa tích cực nhất định. Giả sử nếu thay thế quan điểm này bằng quan điểm duy vật thô thiển, chết là hết không còn gì nữa thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Với sự thay thế này, một số người sẽ nghĩ đời sống chỉ có một lần, chết là hết. Bởi vậy, mọi hành động mà mình gây ra, sau khi chết, mình hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì cả. Do đó, họ luôn hưởng thụ, sống gấp, tham lam, tàn bạo. Khi tính ích kỷ và “cái tôi” lên đến cực điểm, con người sẽ bất chấp công bằng lẽ phải, luân lý đạo đức để thoả mãn những dục vọng cá nhân thấp hèn. Đó là dấu hiệu suy thoái ở con người mà chúng ta cần phải đấu tranh không khoan nhượng. Ngày nay, có