Đời sống văn hóa tinh thần

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần người Việt Nam hiện nay (Trang 31)

1.2.1. Khái niệm đời sống văn hóa tinh thần

Mọi khái niệm khoa học đều có lịch sử sinh thành và phát triển của nó. Với thời gian khám phá, bổ sung nó ngày càng mang nội dung hoàn chỉnh, thuật ngữ văn hóa cũng vậy. Vốn được dịch từ tiếng Pháp là culture, có nguồn gốc La tinh, thuật ngữ văn hóa được dùng lần đầu khoảng thế kỷ XIII với nghĩa “cây trồng”. Qua thế kỷ XIV, nó có thêm những nghĩa và từ mới phát sinh “người trồng trọt” (cultivateur), rồi mở rộng ra là “người làm nông nghiệp” (agriculteur). Nhưng rồi với những biến đổi xã hội to lớn, có tính cách mạng ở thời Phục hưng (thế kỷ XIV-XVI), từ văn hóa ở thế kỷ

XV được nhận thêm các nghĩa bóng trừu tượng: nhận thức, giáo dục, kiến thức. Nghĩa bóng của từ cũng được dùng song song với các từ phát sinh cultiver (giáo dục) cultivé (có giáo dục, có học vấn), incultu (vô học, không học vấn). Đến thế kỷ XVIII – thế kỷ của Ánh sáng trong lịch sử nhân loại, thuật ngữ văn hóa nhận được đầy đủ nội dung và nâng cấp lên để chỉ sự tích hợp toàn bộ những hoạt động sáng tạo của con người. Điều này Hồ Chủ Tịch khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[43;431]. Ở khái niệm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một số những sản phẩm do con người sáng tạo ra, trong đó có văn hoá vật thể (những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở…), có văn hoá phi vật thể (ngôn ngữ, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật). Chữ “giá trị” được ẩn dưới câu “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống… nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Những sản phẩm do con người phát minh ra mà Chủ tịch Hồ Chí Minh liệt kê nêu trên phải là những sản phẩm nhằm phục vụ cho con người, có nghĩa là chứa đựng các giá trị.

Xét về lịch sử vấn đề cho đến nay đã có rất nhiều định nghĩa về văn hóa xuất phát từ nhiều góc độ, nhiều ngành khoa học khác nhau. Theo “Từ điển triết học” thì văn hóa là “toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong thực tiễn xã hội – lịch sử và tiêu biểu cho trình độ đạt được trong lịch sử phát triển xã hội. Theo nghĩa hẹp hơn, người ta vẫn quen nói về văn hóa vật chất (kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giá trị

vật chất) và văn hóa tinh thần (khoa học, nghệ thuật, văn học, triết học, đạo đức, giáo dục...). Văn hóa là một hiện tượng lịch sử, phát triển phụ thuộc vào sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội”[79;656].

Văn hóa là khái niệm văn hoá bao gồm tất cả những sản phẩm vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra và mang tính giá trị. Theo khái niệm này, có thể thấy văn hoá bao gồm tất cả những gì con người làm ra và sử dụng nó.

Đôi khi, văn hóa còn được hiểu theo nghĩa: Văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, văn hoá là tất cả đời sống tinh thần của con người v.v… khi xét về sự tác động, ảnh hưởng của nó. Có thể nói rằng, văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực cuộc sống, vào mọi ngõ ngách, cung bậc tâm hồn, trí tuệ, xúc cảm của con người, của cộng đồng người. Hẳn chúng ta dễ nhận thấy rằng từ cách ăn mặc, ứng xử, phong cách, trình độ của một con người, của cộng đồng người nào đó, ngoài những cái gì là chung của con người sinh học, đều có cái riêng, cái không thể lẫn lộn hòa trộn được, đó là nét riêng, là bản sắc, tinh hoa thuộc về văn hóa. Văn hóa không bao trùm nhưng lại thấm sâu vào kinh tế, chính trị, pháp luật… Chính cái đặc điểm lan tỏa, thấm sâu này mà phương Đông có cách hiểu “văn hóa thiên hạ”. Văn hóa từ bản chất, từ hàm lượng giá trị tinh thần của nó là thần thái của cuộc sống, con người xã hội. Trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII có viết: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực đồng thời là mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội”[Xem 16].

Vậy là, từ bản chất nhân văn, từ phạm vi tồn tại rộng khắp trong không gian và xuyên suốt thời gian “Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng nhất của dân tộc học, có nghĩa là một tổng thể phức tạp bao gồm các kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật lệ, phong tục và tất cả những khả

năng và thói quen mà con người đạt được với tư cách là thành viên của xã hội”[80;1].

Hay Kroeber và Cklukholm lại cho rằng, “Văn hóa gồm các mô hình bộc lộ ra rõ ràng và hàm ẩn về cách ứng xử, đạt được và lưu truyền qua các biểu tượng và thể hiện sự hoàn thiện đặc trưng giữa các nhóm người, trong đó có cả các giả tượng thể hiện các nhóm ấy. Hạt nhân của văn hóa được tạo nên bởi những tư tưởng truyền thống (nghĩa là chúng được lưu truyền bằng con đường phát sinh, hoặc tuyển chọn qua dòng lịch sử) và nhất là các giá trị gắn với các tư tưởng ấy. Các hệ thống văn hóa một mặt có thể được xem như là hệ quả của hành động, mặt khác chúng được xem như yếu tố tạo điều kiện cho những hành động mới”[37;32].

Khái niệm văn hoá này được hiểu theo nghĩa rộng, nhấn mạnh về hoạt động sáng tạo của con người trong lịch sử xã hội, thiên về tính giá trị và tính kế thừa. Trong cuốn “Cơ sở văn hoá Việt Nam”, Trần Ngọc Thêm đưa ra khái niệm: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [74;10].

Có thể thấy hai khái niệm nêu trên có sự tương đồng. Theo đó, văn hoá được hình thành từ khi con người biết sáng tạo (có nghĩa là văn hoá hình thành cùng với sự hình thành loài người). Văn hoá là tất thảy những sản phẩm vật chất (văn hoá vật thể) và tinh thần (văn hoá phi vật thể) do con người sáng tạo ra trong quá khứ, hiện tại, cả hai khái niệm nêu trên đều gắn với chữ “giá trị”. Có nghĩa rằng, không phải tất cả những sản phẩm con người sáng tạo ra đều là văn hoá mà chỉ những sản phẩm có chứa đựng giá trị (là cái có ích cho con người). Cũng có nghĩa, những sản phẩm do con người làm ra (sáng tạo ra) nhưng không mang tính giá trị thì không

phải là văn hoá (ví dụ: bom hạt nhân, heroin, chất độc hoá học, vũ khí giết người…). Những danh lam thắng cảnh như vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bảng… tuy không phải do con người làm ra nhưng con người tìm ra và thưởng thức vẻ đẹp của nó (thưởng thức là một sáng tạo) cũng là văn hoá.

Trong thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, năm 1988, UNESSCO, cũng đưa ra định nghĩa: “Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng: Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lí tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có đạo lí. Chính nhờ văn hóa mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, tìm tòi không biết mệt những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân”[88;24].

Khái niệm văn hóa của UNESSCO có đề cập đến văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, đến hệ giá trị và đặc biệt là nêu lên “những nét riêng biệt về văn hoá của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội”. Như vậy, khái niệm trên cũng là khái niệm văn hoá theo nghĩa rộng, kèm theo đó là quan điểm công nhận mỗi dân tộc dù lớn hay nhỏ đều có bản sắc văn hoá riêng biệt.

Văn hóa xuất hiện đáp ứng những nhu cầu của con người trong quá trình sinh hoạt, lao động. Là một thực thể xã hội, trong đời sống của mình, con người bị chi phối và ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ khác nhau, đồng

thời, con người cũng có vô vàn những nhu cầu không giống nhau. Nhu cầu của con người rất đa dạng, phong phú, trong đó có thể chia làm hai loại đó là: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Trong đời sống của mỗi con người, nhu cầu vật chất của con người là cốt yếu, song cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu tinh thần của con người cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chưa có bao giờ đời sống tinh thần xã hội của con người lại được đề cao như trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Đời sống tinh thần của xã hội là một trong hai hoạt động sống cơ bản của con người, trong đó, nếu đời sống vật chất chứa đựng trong nó các nhân tố tinh thần thì đời sống tinh thần lại tồn tại thông qua đời sống vật chất. Đó chính là quan hệ qua lại giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

Đời sống tinh thần xã hội có mối quan hệ mật thiết với ý thức xã hội. Trong đời sống tinh thần cũng có ý thức xã hội, song ý thức ở đây không chỉ là sự phản ánh hiện thực mà nó còn là nguồn kích thích hành động, hình thành nên niềm tin và thái độ đúng đắn với hiện thực. Khái niệm đời sống tinh thần xã hội bao trùm toàn bộ hiện thực tinh thần của xã hội, gồm cả ý thức cá nhân, ý thức của các tập đoàn người mà ý thức xã hội không thể biểu đạt hết được.

Ý thức xã hội là phạm trù nhận thức luận, phản ánh tồn tại xã hội. Ý thức xã hội chỉ là kết quả, là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con người. Nhưng đời sống tinh thần bao hàm toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng các giá trị tinh thần. Đời sống tinh thần của xã hội là tổng hòa tất cả các hiện tượng tinh thần đang trong quá trình hình thành, trong đó có những hiện tượng đã trở thành phổ biến, có hiện tượng mới phôi thai, đồng thời có cả những hiện tượng cũ tồn tại với tư cách là tàn dư của xã hội. Khi nhận định về vấn đề này C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: Những quan hệ tinh thần của xã hội, xét đến cùng, chẳng qua chỉ là cái phản ánh những

quan hệ vật chất xã hội. Những quan hệ, những phương thức sản xuất vật chất quyết định những quan hệ, những phương thức sản xuất tinh thần, tức là quyết định những cách thức tạo ra tinh thần; vì vậy, khi cái thứ nhất thay đổi thì cũng kéo theo sự thay đổi của cái thứ hai [Xem 41].

Như vậy, “đời sống tinh thần không thể là sự đồng nhất với ý thức xã hội, bởi vì lĩnh vực tác động của đời sống tinh thần rộng và đa dạng hơn nhiều [22;12].

Trong đời sống xã hội, các hiện tượng tinh thần – tư tưởng, khoa học, nghệ thuật,...có mức độ hoàn thiện nhất định, có trình độ phát triển nhất định. Chỉ những hiện tượng tinh thần tiến bộ mới biểu hiện ra là văn hóa tinh thần. Như vậy, văn hóa tinh thần là chất lượng của hoạt động tinh thần. Từng lĩnh vực của đời sống tinh thần đều có trình độ phát triển nhất định, tức là có nấc thang văn hóa nhất định. Do đó, giữa đời sống tinh thần và văn hóa tinh thần cũng có sự phân biệt khá rõ ràng.

Văn hóa tinh thần của xã hội là sự dung nạp, thâu tóm, phản ánh sự phát triển của tất cả các lĩnh vực tinh thần, là sự thể hiện đặc trưng chất lượng đời sống tinh thần của xã hội nói chung. Sự hoàn thiện, mức phong phú, bước chuyển từ trình độ này sang trình độ khác, từ trạng thái này sang trạng thái khác của đời sống tinh thần được thể hiện trong văn hóa tinh thần.

Khi đề cập đến khái niệm đời sống tinh thần, là nói tới tất cả các bộ phận, các lĩnh vực hoạt động tinh thần, còn khái niệm văn hóa tinh thần là nói về chất lượng của đời sống tinh thần, của các hoạt động tinh thần với tính cách là một hệ thống đang trong quá trình biến đổi, phát triển và hoàn thiện.

Đời sống văn hóa tinh thần là một hệ thống bao gồm nhiều lĩnh vực như đời sống tư tưởng, hoạt động khoa học, hoạt động nghệ thuật, hoạt

động giáo dục và đào tạo, các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, trong đó đời sống tư tưởng là quan trọng nhất. Ngoài ra, các yếu tố tôn giáo nói chung, cũng có mối quan hệ rất mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.

Khái niệm đời sống văn hóa tinh thần theo chúng tôi là: toàn bộ những sản phẩm, những hiện tượng, những quá trình, những hoạt động, những quan hệ văn hóa, những giá trị tinh thần của con người phản ánh đời sống vật chất xã hội và được thể hiện như là một phương thức hoạt động văn hóa và tồn tại tinh thần của con người trong những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định.

Tóm lại, với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một tiểu hệ thống kiến trúc thượng tầng xã hội, tôn giáo với ý nghĩa vừa là đời sống tâm linh, vừa là nhu cầu tinh thần của con người trong cuộc sống có ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành lối sống, nhân cách, phong tục tập quán và hoạt động xã hội của con người.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần người Việt Nam hiện nay (Trang 31)