Những mặt còn hạn chế trong các chính sách đổi mới:

Một phần của tài liệu Những đổi mới thuế xuất nhập khẩu sau khi việt nam gia nhập WTO (Trang 28)

I/ Thực trạng thuế XNK ở Việt Nam trước khi gia nhập WTO:

4.Những mặt còn hạn chế trong các chính sách đổi mới:

Thứ nhất, việc giảm thuế suất nhiều mặt hàng gây ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của chính phủ từ thuế. Kể từ khi làm đơn gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi chính sách thuế quan trong thương mại hàng hoá, trong đó có hàng hoá công nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của WTO. Là thành viên chính thức WTO, Việt Nam sẽ phải tiến hành giảm thuế quan và ràng buộc tất cả các dòng thuế (mức trung bình của các nước đang phát triển là 12,3%). Đồng thời phải dỡ bỏ các hàng rào phi thuế (hạn ngạch, giấy phép, các thủ tục hải quan, trợ cấp, đầu mối, tiêu chuẩn kỹ thuật...) trong một thời hạn nhất định, tuỳ thuộc vào từng mặt hàng cụ thể theo cam kết.

Ước tính sơ bộ, tác động trực tiếp từ việc cắt giảm thuế suất và phí theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ làm tổng thu thuế nhập khẩu vào ngân sách giảm đến 10%. Ngân sách nhà nước hiện nay phụ thuộc vào ba khoản thu chủ yếu: xuất nhập khẩu (chiếm 25% ngân sách); thu từ xuất khẩu dầu thô (cũng khoảng 25%); còn lại là thu nội địa.

Nhưng khoản thu thứ ba này cũng đang giảm dần do chính sách thuế liên tục được thay đổi để thực hiện các cam kết với WTO.Tính toán của ngành tài chính cho thấy ảnh hưởng giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sẽ vào khoảng 308,9 triệu Đôla Mỹ trong khoảng năm năm sau khi gia nhập WTO. Con số này tương đương 4.800 tỉ đồng, tức Việt Nam sẽ bị giảm thu khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm (tương đương 6-10% số thu thuế nhập khẩu hàng năm).

Ngoài ra, mối lo ngại trên còn được “nhân đôi” khi việc cắt giảm thuế và tham gia các khu vực mậu dịch tự do sẽ ảnh hưởng đến ngân khố Việt Nam nặng hơn so với các nước có điều kiện tương đương Việt Nam (25% so với 13% ở nước khác). Bên cạnh đó, số thu từ kinh tế quốc doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Tại hội nghị ngành tài chính mới diễn ra gần đây, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách sáu tháng đầu năm chỉ đạt 48,8% kế hoạch so với 53,3% năm 2005 và 54,6% năm 2004. Tính đến ngày 30-6-2006, nợ thuế và nợ phạt thuế nội địa đã lên đến khoảng 3.600 tỉ đồng, trong đó có tới 1.420 tỉ không có khả năng thu được. Nợ thuế XNK khoảng 2.700 tỉ đồng, trong đó 800 tỉ không có khả năng thu hồi.

Trong khi đó, theo kế hoạch Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2007 phải phấn đấu đạt trên 22% so với GDP.

Thứ hai, việc cắt giảm mức thuế quan sẽ làm cho lượng hàng hoá nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị trước tinh thần này, không nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam ngay cả trong ngành có lợi thế trước đây cũng có thể thất bại ngay trên chính sân nhà.

Khi ta gia nhập WTO với việc thay đổi mức thuế suất, ngành dệt may cũng phải đương đầu với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ nước ngoài. Hiện thuế nhập khẩu vải là 40%, sản phẩm may mặc là 50%. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mức thuế đối với sản phẩm may mặc sẽ giảm xuống còn 15%. Các doanh nghiệp trong nước không tránh khỏi mệt mỏi đối phó với hàng nhập khẩu từ nhiều nước khác, nhất là hàng giá rẻ của Trung Quốc. Thiết bị lạc hậu dẫn đến chất lượng vải trong nước không ổn định, khiến các doanh nghiệp may trong nước không dám đặt hàng và bắt buộc phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu. Hậu quả khả năng cạnh tranh giảm sút so với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Giá gia công hàng Trung Quốc rẻ hơn của Việt Nam từ 10-15% do nguồn nguyên phụ liệu trong nước rẻ. Thuận lợi về chi phí thấp nay lại cộng thêm sự thông thoáng của thuế quan khiến cho hàng nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Thị trường nông nghiệp của các nước phát triển vẫn được bảo hộ cao sự duy trì các biện pháp trợ cấp được ngụy trang khéo (các biện pháp trợ cấp được phép sử dụng); thị trường dệt may vẫn chịu sự chi phối của các hạn ngạch và thời gian xoá bỏ các hạn ngạch là rất dài. Các nước WTO sẽ áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về trợ cấp xuất khẩu và tín dụng xuất khẩu với hàng nông sản. Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho Việt Nam, bởi ta đang trợ cấp xuất khẩu 4 mặt hàng gạo, cà phê, thịt lợn, rau quả đóng hộp, và đang mở rộng sang những mặt hàng khác.

Trên lĩnh vực công nghiệp nặng, do thuế xuất khẩu còn ở mức cao nên việc xuất khẩu ra nước ngoài bị chững lại. Do tiêu thụ thép chậm, tồn kho sản phẩm lớn, các công ty cán thép tạm ngừng mua phôi, các công ty sản xuất phôi thép không bán được ở trong nước nhưng cũng không thể xuất khẩu để thu hồi vốn vì thuế suất thuế xuất khẩu tới 20%. Một số công ty đã

ngừng sản xuất từ đầu tháng 9/2008 như Việt Ý, Natsteel, Vạn Lợi hoặc sản xuất cầm chừng như Việt Hàn, Việt Nhật, Hòa Phát, Thép Việt ... Việc điều chỉnh thuế tăng cao và quá nhanh nhưng khi hạ thì rất dè dặt sẽ đưa doanh nghiệp sản xuất phôi thép đến chỗ bế tắc, buộc phải dừng sản xuất vì không thể giải quyết được khó khăn tài chính.

Thứ ba, những thay đổi trong thuế XNK còn đẩy mạnh xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản,…dẫn đến chảy máu tài nguyên quốc gia.

Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tuân theo Thỏa thuận chung về trợ cấp và các biện pháp chống phá giá (GASCM) liên quan đến xóa bỏ chế độ hai giá (giá nội địa và giá quốc tế) mang tính phân biệt. Khi đó nếu Việt Nam có trợ giá hoặc tăng thuế xuất khẩu những mặt hàng có nguồn gốc từ tài nguyên không phục hồi nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên quốc gia thì cũng dễ dẫn đến vi phạm thỏa thuận này. Đến lúc đó, thuế suất xuất khẩu sẽ giảm và tạo điều kiện thuận lợi để những tài nguyên quý giá của quốc gia chảy ra nước ngoài.

Hơn nữa, cơ chế thuế quan thông thoáng làm nảy sinh ý nghĩ rằng cơ hội buôn bán không minh bạch gia tăng. Đây chính là thuận lợi cho buôn lậu khoáng sản, gỗ và nhiều tài nguyên quý giá khác. Nạn buôn lậu đang nổi lên tình trạng khai thác và xuất lậu quặng than đi Trung Quốc ở một số tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc..., trong đó đặc biệt là tình hình xuất lậu than đi Trung Quốc đang diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh... Tương tự, mỗi ngày hàng chục tấn quặng mangan được khai thác ở Cao Bằng và chuyển lậu qua biên giới . Bên cạnh những người khai thác trái phép tại Lũng Phắc, huyện Trùng Khánh còn có cả những công ty được cấp phép cũng "tuồn" quặng sang biên giới. Hiện tượng này đã ra tăng từ đầu năm 2007.

Như vậy, hiện tượng chảy máu tài nguyên đang gia tăng đòi hỏi phải có những điều chỉnh thích hợp của nhà nước nhất là về khung thuế suất để vẫn đảm bảo an ninh tài nguyên sau khi gia nhập WTO.

Thực tế ảnh hưởng của những chính sách thuế mới sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã tác động rất lớn tới đời sống của người dân cũng như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Sau đây chúng ta sẽ xét một ví dụ điển hình ảnh hưởng của sự thay đổi thuế xuất nhập khẩu ô tô.11

Một phần của tài liệu Những đổi mới thuế xuất nhập khẩu sau khi việt nam gia nhập WTO (Trang 28)