Bảng cân đối kế toán : Bảng cân đối kế toán của một công ty phản ánh bức tranh vế tất cả các nguồn ngân quỹ nội bộ (được gọi là nợ và vốn của chủ sở hữu) và việc sử dụng các nguồn ngân quỹ đó tại một thời điểm nhất định. Phương pháp cơ bản xác định bảng cân đối kế toán được xác định như sau :
a) Phân tích tình hình kết cấu và biến động tài sản
Phân tích tình hình kết cấu và sự biến động tài sản: là việc xem xét, đánh giá sự biến động của các bộ phận cấu thành tổng tài sàn của doanh nghiệp nhằm thấy được trình độ sử dụng tài sản, việc phân bổ giữa các loại vốn trong các giai đoạn của quá trình hoạt động kinh doanh có hợp lý không. Từ đó các nhà quản lý ngân hàng có thể đề ra biện pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.
Phần tài sản : Phần này nằm bên trái (với bảng kết cấu theo kiểu hai bên) hoặc phần bên trên (với bảng kết cấu theo kiểu một bên) của bảng cân đối kế toán, phản ánh qui mô và kết cấu các loại tài sản của doanh nghiệp. Toàn bộ tài sản, gồm hai loại :
* Tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn (mã số 100): Phản ánh tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của ngân hàng có đến thời điểm báo cáo. Đây là
những tài sản mà thời gian sử dụng, luân chuyển thường dưới một năm hoặc một chu kỳ kinh doanh. Tài sản lưu động bao gồm :
- Tiền (mã số 100): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền hiện có của doanh nghiệp, bao gồm: tiền mặt tại quỹ, tiền gởi ngân hàng và các khoản tiền đang chuyển. Các loại tiền đã được quy đổi theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là “đồng” Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam.
- Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (mã số 120): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị thực của các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (sau khi đã loại trừ khoản dự phòng giảm giá), bao gồm: đầu tư chứng khoán ngắn hạn, cho vay ngắn hạn và đầu tư ngắn hạn khác. Về thực chất, đây là việc doanh nghiệp bỏ vốn mua các chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu,...), hoặc góp vốn tham gia liên doanh bằng tiền, hiện vật có thể thu hồi kịp thời trong một chu kỳ kinh doanh hoặc dưới một năm.
- Các khoản phải thu (mã số 130): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị thực của các khoản phải thu từ khách hàng (đã trừ dự phòng khoản phải thu khó đòi), khoản đặt trước cho người bán,...
- Hàng tồn kho (mã số 140): là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ giá trị thực của các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (đã loại trừ dự phòng giảm giá hàng tồn kho). Hàng tồn kho về nguyên tắc được tính theo giá thực tế.
- Tài sản lưu động khác (mã số 160): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị các loại tài sản lưu động khác chưa được phản ánh trong các chỉ tiêu trên, như: các khoản tạm ứng cho công nhân viên, các khoản chi phí trả trước, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp chờ kết chuyển...
- Chi sự nghiệp (mã số 160): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng số chi bằng nguồn kinh phí sự nghiệp và bằng nguồn kinh phí dự án chưa được quyết toán tại thời điểm báo cáo. Đây là các khoản chi bằng kinh phí sự nghiệp còn dở dang hoặc đã kết thúc, nhưng đang chờ quyết toán. Chi phí sự nghiệp là những khoản chi phí của doanh nghiệp cho những công việc, những hoạt động được trang trải bằng nguồn kinh phí dự án hay kinh phí do Ngân sách Nhà nước hoặc cấp trên cấp phát.
* Tài sản cố định và đầu tư dài hạn (mã số 200): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của tài sản cố định, giá trị thực của các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang và các khoản ký cược, ký quỹ dài hạn của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.
- Tài sản cố định (mã số 210): là chi tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định thuê tài chính và tài sản cố định vô hình hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo (trừ tài sản cố định thuê ngắn hạn).
- Các khoản đầu tư tài chính dài hạn (mã số 220): là chỉ tiêu phản ánh giá trị các loại đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm báo cáo, như: góp vốn tham gia liên doanh dài hạn, đầu tư chứng khoán dài hạn, cho vay dài hạn, các khoản đầu tư dài hạn khác...
- Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (mã số 230): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị tài sản cố định mua sắm, lắp đặt; chi phí đầu tư xây dựng cơ bản; chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa nâng cấp tài sản cố định dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao hoặc chưa đưa vào sử dụng.
- Các khoản ký quỹ, ký cược dài hạn (mã số 240): phản ánh tổng số tiền mà doanh nghiệp đem đi ký quỹ ký cược theo yêu cầu của đối tác hiện còn tại thời điểm báo cáo.
b) Phân tích cơ cấu nguồn vốn và tình hình biến động của nguồn vốn
Phân tích cơ cấu nguồn vốn và tình hình biến động nguồn vốn là việc xem xét, đánh giá sự biến động giữa các loại nguồn vốn của doanh nghiệp, nhằm thấy được tình hình huy động, tình hình sử dụng các loại nguồn vốn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, mặt khác thấy được thực trạng tài chính của doanh nghiệp.
Phần nguồn vốn: phản ánh cơ cấu nguồn vốn được huy động vào sản xuất kinh doanh. Nó cho biết, tài sản của doanh nghiệp được hình thành, được tài trợ lâu dài. Toàn bộ nguồn vốn chia thành hai mục lớn:
* Nợ phải trả (mã số 310): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số nợ mà doanh nghiệp có trách nhiệm phải trả tại thời điểm báo cáo. Nợ phải trả bao gồm:
- Nợ ngắn hạn (mã số 310): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ doanh nghiệp còn phải trả, có thời hạn trả trong vòng một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh tại thời điểm báo cáo.
- Nợ dài hạn (mã số 320): là các khoản nợ dài hơn một năm hoặc phải trả sau một chu kỳ kinh doanh, không cần phân biệt đối tượng cho vay, nợ và mục đích vay, nợ:
- Nợ khác (mã số 322): là các khoản không thuộc các khoản đã nêu ở trên, như: các khoản chi phí phải trả, giá trị tài sản thừa chờ xử lý, các khoản nhận ký cược ký quỹ.
* Nguồn chủ sở hữu (mã số 400): được hình thành từ số vốn góp của các nhà đầu tư, từ kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, từ chênh lệch đánh giá
lại tài sản, từ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, từ kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án, từ kinh phí quản lý do cấp dưới nộp lên. Nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm:
- Nguồn vốn, quỹ (mã số 410): là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các quỹ doanh nghiệp, bao gồm nguồn vốn kinh doanh, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính và các khoản chênh lệch giá, chênh lệch tỷ giá.
- Nguồn kinh phí, quỹ khác (mã số 420): chỉ tiêu này phản ánh tổng số kinh phí được cấp để chi tiêu cho các hoạt động ngoài kinh doanh như kinh phí sự nghiệp được Ngân sách Nhà nước cấp hoặc kinh phí quản lý do các đơn vị cấp dưới nộp lên, nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định cùng với quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm.
Phân tích kết cấu vốn và nguồn vốn: là việc xem xét, phân tích từng bộ phận cấu thành nên tổng tài sản và nguồn vốn trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp trong từng năm. Qua đó chúng ta có những điều chỉnh thích hợp tỷ trọng của từng khoản mục cụ thể nhằm giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Phân tích sự biến động vốn và nguồn vốn: là việc so sánh từng chỉ tiêu cụ thể qua các năm. Qua đó có thể thấy được sự ảnh hưởng từng nhân tố tác động đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào để có thể ra những quyết định đúng đắn và thuyết phục hơn trong kinh doanh.