Những tính chất quan trọng của không khí đất bao gồm độ trữ khí, tính thấm khí, tính dẫn khí, v.v...
5.6.1. Độ trữ khí
Độ trữ khí là khả năng của đất có thể chứa được một lượng khí xác định trong nó. Đơn vị tính: % thể tích đất.
Độ trữ khí phụ thuộc vào trạng thái của đất và của khí được chứa trong nó cũng như tất cả các điều kiện môi trường. Đất càng ẩm, càng chặt, nhiệt độ càng cao, độ trữ khí càng giảm.
Độ hổng (độ xốp) trong đất có thể biến động trong khoảng 25 - 80%, trong đất than bùn và tầng thảm mục rừng độ xốp có thể tới 90% thể tích của đất Bởi vậy độ trữ khí của đất khô có thể đạt tới 25 - 90% thể tích đất.
Tuy nhiên trong đất bao giờ cũng có một lượng ẩm nhất định, vì vậy thực tế độ trữ khí nhỏ hơn con số đã đưa. Độ trữ khí ở trạng thái ẩm đồng ruộng bé nhất của đất có ý nghĩa lớn. Đây là chỉ số rất quan trọng của đất, nó phụ thuộc nhiều vào kết cấu đất. Độ trữ khí của đất được đánh giá là đủ lớn để các hoạt động của các quá trình trong đất diễn ra bình thường nếu nó lớn hơn 15% thể tích chung của đất.
Nếu thể tích những khoảng hổng do không khí chiếm ở điều kiện độ trữ ẩm cực đại bằng 10 - 15% so với thể tích đất thì độ thoáng của đất sẽ không đủ. Trong trường hợp này cần thiết phải áp dụng những biện pháp thuỷ lợi hoặc những biện pháp canh tác thích hợp để làm tăng thêm độ thông thoáng. Độ trữ khí lớn nhất khi đất khô tuyệt đối, ở trạng thái này không khí hấp phụ và không khí tự do chiếm tất cả những khoảng hổng trong đất.
5.6.2. Tính thấm khí
Tính thấm khí là khả năng của đất để cho không khí đi qua nó.
Tính thấm khí là tất yếu và tối cần thiết cho sự trao đổi không khí giữa đất và không khí trong khí quyển. Tính thấm khí càng lớn, sự trao đổi không khí giữa đất và khí quyển càng tăng, hàm lượng O2 trong đất càng tăng và CO2 càng giảm. Nghĩa là thành phần của không khí đất càng gần với thành phần của không khí trong khí quyển nếu tính thấm khí tăng.
Trong đất, không khí được vận chuyển nhanh trong các khe hở liên tục và không chứa nước. Các khe hở càng lớn, sự thấm khí càng thuận lợi. Những đất có kết cấu, vừa có nhiều khe hở phi mao quản, sẽ có tính thấm khí cao.
Tính thấm khí của đất còn chịu sự ảnh hưởng của áp suất khí quyển. áp suất khí càng lớn, không khí từ khí quyển vào đất càng nhiều.
Đơn vị để biểu diễn tính thấm khí của đất là số lượng không khí tính bằng mililit (mi) đi qua lớp đất có tiết diện 1 cm2, độ dày 1 cm2 trong một đơn vị thời gian.
Tính thấm khí của đất còn bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, tốc độ hướng gió, sự khuếch tán của khí.