- Một là, hoàn thiện khung pháp lý về Thị trường liên ngân hàng. Văn bản có giá trị pháp lý và có liên quan chặt chẽ nhất đến hoạt động nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ hiện nay là Quyết định số 1310/2001/QĐ-NHNN ngày 15/10/2001 về việc ban hành quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng. Quy chế này ban hành đã khá lâu và hiện nay có một số điểm không còn phù hợp và cần phải sửa đổi, bổ sung do hoạt động của các định chế tài chính đã có nhiều thay đổi và phát triển.
NHNN cần phải sớm ban hành quy chế về hoạt động giao dịch trên Thị trường liên ngân hàng, trong đó quy định rõ nguyên tắc hoạt động của thị trường, các điều kiện tham gia thị trường đối với các TCTD, các công cụ giao dịch chính thức, các sản phẩm nghiệp vụ, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thị trường,...
Hiện nay tất cả các giao dịch đều thực hiện trên cơ sở thông lệ thị trường và chủ yếu dựa vào uy tín của các đối tác, phương thức giao dịch qua điện thoại, xác nhận qua fax và bản chính sẽ được gửi sau đó đã trở thành thông lệ và phổ biến, hiện nay các TCTD có sử dụng thêm công cụ giao dịch điện tử là hệ thống giao dịch điện tử của Hãng Reuters và Bloomberge, hiện chưa có văn bản nào của NHNN quy định việc xử lý tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch qua các phương tiện điện tử này. Các TCTD cũng đã tự ký với nhau các thỏa thuận giao dịch qua fax và qua hệ thống giao dịch điện tử nhưng chưa đầy đủ và thống nhất.
NHNN cũng sớm ban hành các quy định về các nghiệp vụ trên thị trường, trong đó sớm hoàn thiện quy định về nghiệp vụ mua bán có kỳ hạn GTCG (repo/reverse repo), quy định cụ thể về việc chuyển nhượng GTCG trong giao dịch này.
- Hai là, đa dạng và chuẩn hoá các công cụ trên thị trường. Bên cạnh những công cụ sẵn có, cần được chuẩn hoá theo những khuôn khổ pháp lý thống nhất, cần sớm đưa vào thị trường các công cụ giao dịch khác như các công cụ chứng khoán phái sinh, các loại thương phiếu, các bảo lãnh của ngân hàng (bank acceptances), kỳ phiếu ngân hàng, v.v… Những công cụ này không chỉ góp phần đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng - tài chính mà còn tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia có cơ hội lựa chọn nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu về nguồn và sử dụng nguồn khi tham gia thị trường.
- Ba là, khuyến khích các tổ chức tín dụng Việt Nam tham gia vào hoạt động thị trường tiền tệ trong khu vực và trên thế giới, trước hết là thị trường Hongkong và Singapore. Để thúc đẩy các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động thị trường tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước cũng cần thay đổi một số những quy định pháp lý về quản lý ngoại hối và sự di chuyển của những luồng vốn. Song, quan trọng hơn, các tổ chức tín dụng vẫn phải tích cực và chủ động trong việc vươn ra thị trường nước ngoài, tranh thủ sự cộng tác với các ngân hàng có uy tín của nước ngoài thông qua những quan hệ như là quan hệ ngân hàng đại lý, ủy thác, trung gian giải ngân.
- Bốn là, triển khai thực hiện quy chế môi giới tiền tệ, mặc dù đã được ban hành từ năm 2004 nhưng quy chế này vẫn chưa được thực hiện, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một tổ chức nào được cấp phép thực hiện nghiệp vụ môi giới tiền tệ. NHNN cần có hướng điều tra, giải quyết các vướng mắc để nhằm triển khai quyết định này, đây cũng là một công cụ dẫn vốn, giúp nguồn vốn được lưu thông tốt hơn từ nơi thừa sang nơi thiếu vốn.
- Năm là, tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra của NHNN và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát.
Thanh tra, kiểm tra là một việc làm cần thiết của cơ quan quản lý đối với bất cứ hoạt động nào, thanh tra, kiểm tra giúp phát hiện ra những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong hoạt động nghiệp vụ của các chủ thể so với các quy định hiện hành để từ đó có biện pháp xử lý, uốn nắn và điều chỉnh các hoạt động theo đúng pháp luật, đảm bảo an toàn và hiệu quả, nhưng việc tranh tra, kiểm tra không được gây xáo trộn trong hoạt động bình thường của tổ chức, không áp đặt ý chỉ riêng của thanh tra và lại càng không có yếu tố tư lợi, không đặt tình huống gây sức ép để trục lợi; tranh tra, kiểm tra phải mang tính chất minh bạch, rõ ràng, chí công vô tư, đúng quy trình nghiệp vụ. Thanh tra, kiểm tra trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong hoạt động của TTLNH nói riêng cũng không nằm ngoài mục đích, ý nghĩa và nguyên tắc nêu trên.
Ngày 6/2/2012, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 539/NHNN-DBTKTT yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo một số thông tin về quan hệ cho vay, tiền gửi đầu tư trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác. Theo đó, để đánh giá hoạt động thị trường liên ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) báo cáo một số thông tin về quan hệ cho vay, gửi tiền, đi vay, nhận tiền gửi với các tổ chức tín dụng khác và đầu tư trái phiếu, giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng khác phát hành. Trong nửa cuối năm 2011, trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu xuất hiện cơ chế phải có bảo đảm, thế chấp trong hoạt động vay mượn giữa các thành viên; có hiện tượng một số ngân hàng vay trên thị trường này nhưng lần khất trả nợ khi quá hạn,
hay sự bất cập trong những món nợ đồng lần thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua.
Những bất cập trên gây xáo trộn, hạn chế chức năng của thị trường liên ngân hàng trong vai trò điều hòa vốn cho hệ thống. Và có thể sau khi tập hợp dữ liệu qua yêu cầu trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá và có những biện pháp xử lý để thị trường liên ngân hàng hoạt động tốt hơn.
- Sáu là, hoàn thiện cơ chế lãi suất giao dịch, đưa lãi suất VNIBOR trở thành lãi suất tham chiếu rộng rãi cho các giao dịch trên thị trường tiền tệ.