TTCK Việt Nam vẫn chưa là hàn thử biểu của nền kinh tế

Một phần của tài liệu Luận văn Một số giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển (Trang 46)

Các cụm từ như "hàn thử biểu sàn TP. HCM", "hàn thử biểu TTCK Việt Nam" đã được sử dụng khá phổ biến và như vậy, TTCK Việt Nam nghiễm nhiên được khoác lên mình cái chức danh là hàn thử biểu của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cần được xem xét lại.

TTCK Việt Nam chỉ được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế khi đo lường được sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế, chỉ số của thị trường phải thể hiện chu kỳ phát triển của nền kinh tế, từ đó tạo mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa TTCK và thị trường tài chính. Tuy nhiên, đến nay TTCK Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các yếu tố cơ bản sau:

TTCK Việt Nam chưa quy tụ đầy đủ DN lớn tiêu biểu của mọi ngành nghề

Một trong những yếu tố bắt buộc để TTCK Việt Nam trở thành hàn thử biểu của nền kinh tế, đó là thị trường phải chứa đựng những DN lớn tiêu biểu cho mọi ngành nghề, đại diện cho một nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay, TTCK Việt Nam có 290 DN niêm yết. Con số này còn quá ít so với con số hàng trăm nghìn DN thực tế đang hoạt động. Mặt khác, các DN niêm yết chủ yếu là những DN nhỏ và vừa, chưa phải là những DN lớn có sức chi phối nền kinh tế...

Về mức vốn hóa của thị trường, năm 2007 đạt khoảng 40% GDP. Song đến thời điểm hiện tại, TTCK đang suy giảm từng ngày, thì mức vốn hoá thị trường cũng giảm đi tương ứng. Trong khi đó, theo kế hoạch Chính phủ đặt ra, tới năm 2010, tỷ lệ vốn hóa TTCK phải chiếm 50% GDP và con số này phải tăng đến 70% vào năm 2020. Khi đó, quy mô thị trường mới đủ lớn để có thể đưa TTCK thực sự trở thành hàn thử biểu của nền kinh tế theo đúng nghĩa của nó.

Giá chứng khoán của TTCK Việt Nam chưa phản ánh tương đối chính xác giá trị thực của DN niêm yết

Một thực tế hiện nay là phần lớn con số tính toán về giá trị thực của cổ phiếu đều chỉ sử dụng một cách máy móc những số liệu ghi trên báo cáo tài chính của các DN niêm yết; chưa thể hiện được đầy đủ giá trị nội tại của DN mà nó phản ánh. Ngoài ra, sự kém minh bạch còn phổ biến, kèm theo đó là những yếu tố thuộc về tài sản vô hình của công ty (trình độ quản lý, uy tín sản phẩm, nhãn hiệu thương mại, chất lượng sản phẩm...) chưa phản ánh hết trong báo cáo tài chính.

Mặt khác, sự thiếu kiến thức và tâm lý đám đông của NĐT đã và đang tác động mạnh mẽ tới TTCK. Tâm lý "phải tháo chạy bằng mọi giá" đã đẩy chỉ số VN-Index xuyên thủng 300 điểm. Rõ ràng, hiện nay, tâm lý NĐT chứ không phải phương pháp xác định hay hoạt động kinh doanh của DN quyết định giá chứng khoán.

TTCK Việt Nam chưa phản ánh tương đối chính xác sự biến động của nền kinh tế

Hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến những bước thăng trầm của TTCK Việt Nam. Ngày 8/11/2006, VN-Index xuất phát với mức 525,99 điểm, chỉ 4 tháng sau (ngày 12/3/2007) VN-Index đã leo lên tới đỉnh 1.170,67 điểm, để rồi hiện tại VN-Index đã quay trở lại và thậm chí phá mốc 400 điểm. Tất nhiên, lên xuống là chuyện bình thường của thị trường, nhưng lên xuống với biên độ lớn trong thời gian ngắn là bất thường. Và điều này không phản ánh chính xác sự biến động của nền kinh tế. Dễ dàng nhận thấy, từ cuối năm 2007 đến nay, VN-Index đã giảm quá sâu, bất chấp những thông tin rất tốt về hiệu quả sản xuất - kinh doanh của đại đa số công ty niêm yết trên sàn, bất chấp nỗ lực chống lạm phát đã có kết quả bước đầu của Chính phủ. Ngoài ra, nếu nền kinh tế Việt Nam chủ yếu có 4 kênh đầu tư: TTCK, thị trường tín dụng trung và dài hạn, thị trường bất động sản và thị trường tiền tệ thì trong thời gian qua, sự ảm đạm của TTCK dường như cũng chưa ảnh hưởng nhiều tới các thị trường còn lại, nếu có, thì cũng chỉ như sự ảnh hưởng của một hàng hóa này tới một hàng hóa thay thế khác. Nhìn vào TTCK, chưa thấy được bức tranh khái quát của toàn bộ nền kinh tế.

Như vậy, rõ ràng TTCK Việt Nam hiện chưa phải là hàn thử biểu của kinh tế Việt Nam, chưa đo lường được sức khỏe của nền kinh tế, thể hiện sự phát triển kém bền vững của TTCK.

Một phần của tài liệu Luận văn Một số giải pháp thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển (Trang 46)