Như phần đầu đã đề cập, việc chuyển cư và nhập cư của người dân tại Tân Thanh, Lâm Hà hiện nay là cả một quá trình đầy khó khăn và gian khổ. Đó không đơn giản ở việc đi và đến mà là cả một sự cân nhắc lựa chọn (có khi là sự hy sinh quê hương, làng xóm, …) với hy vọng có thể cải thiện được cuộc sống. Quá trình đến với cái mới nào cũng vậy, đều có cái được và cái mất. Tất nhiên, người dân luôn ý thức được rằng, họ sẽ phải chọn cho mình phương án hợp lý nhất để bỏ ra chi phí ít nhất để có lợi ích cao nhất (sự cân nhắc giữa chi phí và phần thưởng). Trước khi chuyển cư, đa số người dân đều tìm hiểu nơi mình sẽ đến, họ lường trước được những khó khăn và thuận lợi của nơi mình sẽ đến.
1.1. Từ phía người thân ở địa phương
Theo kết quả điều tra, 53.4% tỷ lệ người dân cho rằng, có nhận được sự giúp đỡ khi đến nơi ở mới. Bảng dưới đây sẽ cho thấy, họ nhận được sự giúp đỡ từ các nguồn nào.
Bảng 3.1 : Người dân nhận được sự giúp đỡ từ các nguồn
Đ/v :%
Sự giúp đỡ từ Có Không
1 Từ chính quyền địa phương 45.7 54.3
2 Từ phía người thân ở địa phương 64.1 35.9
3 Từ bạn bè 12.1 87.9
Qua bảng số liệu trên, chúng ta hình dung được mức độ nhận được sự giúp đỡ từ nguồn nào khi người dân đến nhập cư ở địa phương. Sự giúp đỡ đầu tiên và tương đối lớn với họ chính là từ phía người thân của họ ở địa phương, với 64.1%. Đây là nguồn giúp đỡ chắc chắn và có cơ sở cho sự tin cậy nhất của người dân. Trong đó, sự giúp đỡ này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự động viên về tinh thần luôn là hình thức đầu tiên và quan trọng, chiếm 63.7%, có đến 40.7% nhận được “sự giúp đỡ về công sức” từ phía người thân và 34.1% nhận được sự giúp đỡ về tài chính, tiền của, 27.5% nhận được sự giúp đỡ của người thân trong việc tư vấn cách làm ăn.
Ở việc nhận được sự động viên về tinh thần, trong tương quan với nhóm tuổi, kết quả điều tra cho thấy, ở nhóm tuổi (20 - 30) nhận được sự động viên về tinh thần của người thân là cao nhất, chiếm 73.1%, nhóm tuổi (41 – 50), chiếm 70.5% là nhận được sự giúp đỡ của người thân ở góc độ này. Trong khi đó, ở nhóm tuổi trên 60 thì chỉ nhận được 50%. Trong số 63.7% nhận được sự động viên về tinh thần của người thân, thì có 33% tỷ lệ ở nữ giới, 30.7% tỷ lệ ở nam giới. Điều này cho thấy, nữ giới nhận được sự động viên về tinh thần nhiều hơn là nam giới. Trong khi đó, nam giới lại là người nhận được sự giúp đỡ về tài chính, tiền bạc nhiều hơn nữ giới (35.7% so với 32.7%). Một điều đáng ngạc nhiên là những người ở mức học vấn thấp nhất (chưa hết cấp một) và cao nhất (trên cấp ba)1 lại nhận được sự động viên về tinh thần cao nhất (84.2% ở nhóm ‘chưa hết cấp một’ và 80% ở nhóm “hết cấp ba”.
Trong việc nhận được sự giúp đỡ của người thân về tài chính, khi so sánh tương quan với các yếu tố giới tính, tuổi, kết quả điều tra cho thấy, nam giới dường như nhận được sự giúp đỡ về tài chính nhiều hơn nữ giới (35.7% so với 32.7%). Những người ở nhóm tuổi từ 50 đến trên 60 nhận được sự giúp đỡ này nhiều hơn những người ở nhóm tuổi trẻ hơn, chiếm đến hơn 50%. Trong khi ở nhóm trẻ hơn, thì tỷ lệ này nhỏ hơn rất nhiều.
Sự giúp đỡ về công sức được coi là hình thức phổ biến ở cộng đồng của người nhập cư ở Lâm Hà hiện nay. Người dân thường trao đổi công lao động cho nhau vào những dịp mùa vụ. Đây có lẽ cũng là nguồn giúp đỡ dồi dào mà người dân có được hơn các nguồn khác. Phụ nữ thường có tỷ lệ nhận được sự giúp đỡ cao hơn hơn so với nam giới, (24.3% so với 16.5%); nhóm dân tộc Tày chọn hình thức này để giúp đỡ nhau nhiều hơn, 57.7% so với các dân tộc khác cùng chọn. Ở nhóm tuổi già từ 51trở lên cũng nhận được sự giúp đỡ này nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu.
1.2. Sự giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương
Một tỷ lệ tương đối lớn người dân khi mới đến là nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Có đến 45.7% tỷ lệ người dân nhận được sự giúp đỡ của chính quyền khi chuyển đến.
Biểu 3.1 : Sự giúp đỡ từ phía chính quyền
38% 33.80% 16.90% 5.60% 25% Cho vay vốn Tư vấn về chính sách Tư vấn cách làm ăn Hỗ trợ vốn không hoàn lại Hình thức khác
Biểu đồ trên cho chúng ta thấy rằng, hình thức giúp đỡ đầu tiên và thiết thực nhất của chính quyền cho người dân nhập cư ở đây là « cho vay vốn », chiếm đến 38%. Đây có lẽ cũng là điều mong đợi nhất của người dân. Vì dân cư chuyển đến đây hầu hết là người nghèo và điều kiện sản xuất thiếu thốn, thì vốn sẽ là điều cần thiết nhất đối với họ. 33.8% người dân nhận được sự giúp đỡ của chính quyền là được « tư vấn về chính sách ». Đây cũng là một điều quan trọng đối với người dân nhập cư ở địa phương mới. Những chính sách của Đảng và Nhà nước là những định hướng rường cột cho việc làm ăn và sinh hoạt của người dân nhất là đối với người dân di cư, nhập cư.
Trong việc nhận được sự giúp đỡ này, có sự khác nhau nào giữa các nhóm dân cư không ? Ta hãy xem xét trong những mối tương quan sau.
Bảng 3. 2 : Tương quan Dân tộc – Chính quyền cho vay vốn
Dân tộc
Kinh Dao Tày Nùng C.Ho
Tỷ lệ % 18.8 36.4 63.2 62.5 62.3 Value Phi 0.425 Crammer’s V 0.425 Approx Sig 0.001 0.001
Bảng số liệu trên cho chúng ta thấy, có sự khác biệt đáng kể giữa các dân tộc trong việc được chính quyền cho vay vốn. Dường như người ở các dân tộc thiểu số nhận được sự giúp đỡ này nhiều hơn so với dân tộc Kinh. Bằng chứng là có đến 63.2% người dân tộc Tày, 62.5% người dân tộc Nùng và 62.3% người dân tộc C. Ho được chính quyền cho vay vốn. Trong khi tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 18.8%. Rõ ràng, các dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn hơn rất nhiều so với dân tộc đa số (Kinh). Vì thế, chính sách của chính quyền hoàn toàn hợp lý và là một giải pháp tốt cho người dân các dân tộc thiểu số có điều kiện nhiều hơn trong việc cải thiện cuộc sống của mình. Vả lại, đây cũng là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhằm thu ngắn khoảng cách giữa dân tộc chiếm đa số và các dân tộ thiểu số, tạo ra sự công bằng xã hội. Tuy rằng, điều này cũng còn phụ thuộc vào việc sử dụng đồng vốn vay của họ. Nhưng dù sao qua đây ta cũng thấy cơ hội mà xã hội tạo điều kiện cho người dân các dân tộc thiểu số không phải là nhỏ. Với hệ số Phi bằng 0.425, Crammer’s V bằng 0.425 và mức ý nghĩa Sig 0.001, ta có thể khẳng định thêm mối tương quan khá rõ giữa yếu tố dân tộc và việc được chính quyền cho vay vốn.
Trong sự so sánh với yếu tố tuổi của người dân, kết quả điều tra cũng cho thấy, có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi trong việc được chính quyền cho vay vốn. Trong đó, ở nhóm trẻ tuổi (20 – 30) được vay vốn nhiều nhất, chiếm đến 50%, sau
đó là đến nhóm tuổi (41 - 50) 47.4% và nhóm (51 - 60) 42.9%, nhóm trên 60 tuổi là 40% ; trong khi ở nhóm tuổi (31 – 40) tỷ lệ này chỉ có 18.2%.
Điều này cũng thể hiện sự khác nhau ở các nhóm học vấn khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm có học vấn từ cấp hai trở xuống được chính quyền cho vay vốn nhiều hơn nhóm có học vấn cao hơn. Biểu hiện là có 54.5% tỷ lệ ở nhóm chưa học hết cấp một và 46.7% học hết cấp hai, trong khi chỉ có 33.3% tỷ lệ ở những người học hết cấp ba nhận được sự giúp đỡ này, và tỷ lệ này ở những người trên cấp ba chỉ là 0%. Lý giải sự khác biệt này có lẽ cần một nghiên cứu sâu hơn. Nhưng có thể thấy rằng, có lẽ không phải là sự phân biệt của chính quyền đối với nhóm người dân có học vấn cao hay học vấn thấp mà ở việc người dân thiếu vốn sản xuất hay không và việc người dân có đến vay chính quyền hay không ?
Trong việc được nhận hỗ trợ vốn không hoàn lại, có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ, trong khi 11.4% tỷ lệ ở nam giới nhận được sự giúp đỡ này trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 0%. Có lẽ sự khác biệt này ở chỗ khi chính quyền hỗ trợ vốn không hoàn lại chia theo hộ gia đình, chứ không phải theo cá nhân riêng biệt, nên người đàn ông với tư cách là chủ gia đình, đứng ra nhận sự hỗ trợ này. Không có sự khác biệt nào trong việc nhận được sự giúp đỡ này khi xem xét ở khía cạnh tuổi tác và học vấn của người được hỏi.
Tuy nhận được sự giúp đỡ ban đầu từ nhiều phía (người thân, bạn bè, chính quyền…), song cộng đồng người dân nhập cư ở Lâm Hà cũng gặp phải vô vàn những khó khăn tại nơi định cư mới.