CHƯƠNG IV: THIẾT KẾ KỶ THUẬT
5.2. Các tác động tiêu cực và biện pháp giảm thiểu
Tuy nhiên, việc xây dựng và hoạt động của cảng cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực như làm thay đổi cảnh quan tự nhiên, gây ô nhiễm tiếng ồn, rung động, bụi, chất thải rắn, chất thải nước, trong quá trình xây dựng cũng như hoạt động khai thác. Nếu không phòng tránh tốt sẽ gây những tác hại khó lường, có thể sẽ xảy ra những sự cố gây mất an toàn như sét, nổ điện, cháy, tai nạn lao động, giao thông v.v... Ngoài ảnh hưởng đến môi trường sống đối với dân cư địa phương, còn liên quan đến tình hình an ninh trật tự của khu vực.
5.2.1. Tác động đến môi trường trong giai đoạn xây dựng.
Thời gian tiến hành các hoạt động thi công xây lắp dự kiến là 10 tháng với khối lượng công việc chính như sau:
- San lấp mặt bằng, nạo vét khu nước.
- Xây dựng các hạng mục công trình thủy công.
- Xây dựng các hạng mục công trình nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật.
Trong quá trình xây dựng sẽ có tác động nhất định đến môi trường khu vực, tác động tới công nhân sản xuất trực tiếp, dân cư xung quanh và môi trường xung quanh về không khí, bụi, tiếng ồn, hệ sinh thái và sức khoẻ cộng đồng.
1) Môi trường không khí
Trong giai đoạn xây dựng các hoạt động tại đây là: san lấp mặt bằng, nạo vét khu nước, xây dựng nhà điều hành, cầu tàu, đường bãi, nhà xưởng v.v...
Nguồn gây ô nhiễm không khí cho khu vực chủ yếu là bụi đất đá. Do khối lượng san lấp lớn, diện tích rộng vì thế trong thời gian thi công nồng độ bụi trong không khí sẽ tăng lên. Để hạn chế ảnh hưởng của bụi, các Nhà thầu thi công phải có các giải pháp chống bụi cho không khí tại khu vực như:
- Phun nước làm giảm nồng độ bụi cho khu vực đào bới, xúc gạt và san lấp đất đá
- Trang bị khẩu trang, kính đeo mắt... cho công nhân lao động trực tiếp tại khu vực này.
2) Tiếng ồn
Khi khu vực xây dựng có hoạt động của các phương tiện san lấp, vận tải, máy đóng cọc, máy trộn bê tông v.v... thì cường độ tiếng ồn trong khu vực này sẽ tăng lên. Tuy nhiên khu vực xây dựng ở ngoài bãi sông, xa khu dân cư, thời gian xây dựng không dài.
Do vậy chủ yếu tác động đến công nhân lao động.
Các Nhà thầu cần giảm thiểu tiếng ồn bằng cách lắp ống giảm thanh cho các động cơ có tiếng ồn lớn, ngừng hoạt động ban đêm và hạn chế hoạt động vào giờ nghỉ của nhân dân.
3) Chất thải rắn
Hoạt động của dự án trong quá trình xây dựng sẽ phát sinh các chất thải rắn như: đất cát rơi vãi trong quá trình thi công, gạch vụn, cát thải, gỗ cốp pha, giấy bao xi măng v.v… Các chất thải này ở qui mô và mức độ ít hoàn toàn có thể khắc phục được bằng biện pháp thu gom và tổ chức thi công hợp lý.
5.2.2. Tác động tới môi trường khi dự án đi vào hoạt động 1) Tác động lên môi trường không khí
Cảng đi vào hoạt động, môi trường không khí tại khu vực sẽ bị ô nhiễm do bụi, tiếng ồn và khí thải của các loại động cơ v.v...
Vị trí cảng đặt xa khu dân cư khoảng 2km, do vậy các ảnh hưởng của môi trường không khí đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên cần có các biện pháp giảm thiểu sau để hạn chế tối đa các tác động lên môi trường.
Các biện pháp giảm thiểu:
- Tổ chức tốt công tác bốc xếp, phân loại, phân phối tiêu thụ sản phẩm
- Thường xuyên bảo dưỡng, kiểm tra các loại máy móc thiết bị, phương tiện hoạt động tại cảng. Các loại động cơ có tiếng ồn lớn phải lắp các thiết bị giảm thanh phù hợp.
- Hoạt động của các loại phương tiện vận tải đường bộ không nhiều, do vậy mức độ gây ảnh hưởng cho môi trường không khí của khu vực không nhiều.
- Đối với các phương tiện tàu thuyền, vận chuyển không đảm bảo an toàn, gây tiếng ồn lớn, thải khói và khí độc, rò rỉ hoá chất, xăng dầu v.v... không cho vào neo đậu tại cảng.
2) Tác động lên môi trường nước
Khi dự án đi vào hoạt động sẽ xuất hiện các nguồn nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước của khu vực gồm:
- Nước thải từ tàu thuyền,
- Nước thải từ hoạt động dịch vụ trên bờ, gồm, nước rửa sàn và nước thải sinh hoạt.
- Nước mưa (nước mặt) tại khu vực cũng có thể có nguy cơ gây ô nhiễm khi rửa trôi bến bãi của cảng.
- Nước thải từ tàu: Bao gồm nước rửa sàn tàu, nước ba-lat hầm tàu và nước thải sinh hoạt trên tàu được thu gom, bơm hút vào hệ thống đường ống dẫn về trạm xử lý nước thải.
- Nước thải sinh hoạt tại các khu WC, khu nhà văn phòng: Được xử lý tại chỗ bằng các bể tự hoại, sau đó thoát vào hệ thống thoát nước mưa. Riêng đối với khu căn-tin dịch vụ, nước thải được thu gom theo hệ thống đường ống BTCT D300 dẫn về trạm xử lý.
- Tất cả lượng nước thải đều được xử lý làm sạch cơ học qua hệ lưới chắn rác nhằm tách chất thải rắn. Sau đó mới xử lý làm sạch theo phương pháp sinh học hoặc hóa học.
Nước thải được kiểm tra các chỉ tiêu sinh hóa, đạt yêu cầu cho phép trước khi thải ra sông.
3) Xử lý chất thải rắn
Nguồn chất thải rắn bao gồm:
- Rác thải sinh hoạt của ngư dân, tàu thuyền, hoạt động dịch vụ v.v... chủ yếu là giấy, túi ni-lông, bao bì, thành phần hữu cơ.
- Đối với rác thải hữu cơ sẽ được tận dụng tái chế làm phân bón phục vụ cho nông nghiệp.
- Đối với rác thải là sản phẩm nhựa có thể thu gom để tái chế.
- Các loại rác không sử dụng được sẽ chôn lấp đảm bảo vệ sinh môi trường.
4) Đối với giao thông vận tải thuỷ và thoát lũ trên sông
- Tuyến mép luồng vận tải khoảng 50÷100m, do vậy không gây cản trở đến an toàn vận tải trên luồng.
- Hoạt động của các phương tiện vận tải thuỷ tại bến phải tuân theo Nghị định 40/CP ngày 05/7/1996 của Chính Phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; Quyết định số 2046/QĐ ngày 06/8/1996 của Bộ GTVT về thể lệ quản lý cảng và bến thủy nội địa.
- Kết cấu cầu tàu dạng bệ cọc đài cao, hệ dầm bản, bước cọc 3,2÷3,7m, do vậy việc cản trở dòng chảy không nhiều. Bên cạnh đó khu nước của cảng được nạo vét duy tu thường xuyên sẽ làm tăng khả năng thoát lũ.
5) Phòng cháy và chữa cháy
Tuân thủ chặt chẽ các qui định về phòng cháy, chữa cháy thường xuyên thường trực phòng chống cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra các phương tiện chữa cháy và huy động các lực lượng tham gia chữa cháy khi có sự cố.
Tổ chức tập huấn cho các đội phòng cháy, chữa cháy, đặt các bình bọt cứu hoả tại các nơi dễ thấy, dễ sử dụng.
Xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy cho các khu vực tuyến mép bến, nhà xưởng. Đặt hệ thống báo cháy tự động tại các kho, xưởng, nhà làm việc. Xây dựng hệ thống chống sét tại nhà điều hành.
6) Vệ sinh lao động
- Môi trường làm việc của người lao động luôn được kiểm tra về chất lượng không khí, hàm lượng khí độc, nhiệt độ, ánh sáng, tiếng ồn v.v... Khi môi trường không đảm bảo yêu cầu, phải có biện pháp xử lý kịp thời.
- Các vị trí làm việc phải sạch, thoải mái, đủ nước, đủ ánh sáng, vệ sinh, sinh hoạt tốt, nơi có khí độc, nóng phải bố trí quạt thông gió.
- Nước sạch phải được cung cấp đủ, đảm bảo chất lượng cho người lao động sử dụng trong quá trình làm việc.
- Có trang bị bảo hiểm, vệ sinh lao động đảm bảo an toàn cho người làm việc tại xưởng sửa chữa, cầu tàu. Bố trí y-tế giám sát, bảo vệ sức khoẻ và khám chữa bệnh kịp thời cho người lao động.