Giai đoạn 2010 đến nay.

Một phần của tài liệu Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 30)

2.1.7.1 Chính sách tỷ giá hối đoái.

Ngày 10/2/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN điều chỉnh một số quy định liên quan đến thị trường ngoại tệ như sau: Tỷ giá bình quân liên Ngân hàng giữa USD và VND áp dụng cho ngày 11/02/2010 là 18.544 VND/USD, so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 10/02 tăng thêm 603 đồng/USD (tương ứng tăng 3,36%). Như vậy với biên độ biến động tỉ giá là +/-3%, ngân hàng có thể mua/bán USD với giá trần 19.100 đồng/USD. Mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng) tại tổ chức tín dụng tối đa là 1,0%/năm.

Các điều chỉnh này có hiệu lực chính thức từ ngày 11/2/2010. Như vậy, sau một thời gian áp dụng hàng loạt các biện pháp “hành chính” để tăng lượng cung tiền USD như yêu cầu 7 doanh nghiệp lớn của Nhà nước bán lại một phần ngoại tệ cho ngân hàng (tổng cộng các DN đã bán khoảng 450 triệu USD trong tổng số 1,99 tỷ USD tiền gửi của khối này) và phát hành thành công trái phiếu ngoại tệ 1 tỷ USD ra thị trường quốc tế, tỷ giá đã tiếp tục được điều chỉnh để cân đối hài hòa cung cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ số CPI trong 7 tháng đầu năm 2010 được kiểm soát chỉ ở mức 4,84% so với đầu năm, trong đó riêng tháng 7/2010 chỉ tăng 0,06% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2009 và dự báo CPI của tháng 8/2010 chỉ tăng ở mức 0,2% và lạm phát có thể được kiểm soát ở mức 8% năm 2010. Nhưng nhập siêu trong 7 tháng đầu năm ở mức 7,355 tỷ USD và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng, tạo sức ép về cầu ngoại tệ. Trước tình hình đó, ngày 17/8/2010, NHNN thông báo điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD và VND áp dụng từ ngày 18/8/2010 là 1USD= 18.932 USD. (tức là, đồng Việt Nam mất giá 2,1% so với USD) và giữ nguyên biên độ ± 3% (1USD = 18.364 – 19.500 VND).

Quyết định điều chỉnh tỷ giá trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát là một bước đi nhạy bén nhằm hạn chế hiệu ứng tăng giá do điều chỉnh tỷ giá gây ra. Chỉ số CPI từ tháng 3 (sau khi điều chỉnh tỷ giá vào tháng 2 với mức tăng +3,36%) đến nay cho thấy hiệu ứng tăng giá do điều chỉnh tỷ giá là không lớn, do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ không tác động lớn tới CPI. Điều chỉnh tỷ giá 2 lần trong năm 2010 cho thấy NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá dựa vào “tín hiệu thị trường”, đây là cách tiếp cận linh hoạt trong một lộ trình tiến tới sử dụng các công cụ thị trường trong điều hành chính sách tiền tệ.

Việc “đẩy” lãi suất cho vay bằng ngoại tệ và điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong thời gian này cũng là một quyết định cộng hưởng để giảm áp lực vay bằng ngoại tệ và thúc đẩy các tổ chức đang găm giữ ngoại tệ bán ra nhằm cân đối hài hòa cung - cầu ngoại tệ, tăng cường sự lưu thông trên thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát nhập siêu và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với 2 lần điều chỉnh tỷ giá +5,39% trong năm 2010, VND đã dần tiếp cận gần tới sức mua thực so với USD, điều này cũng có nghĩa sẽ tạo động lực khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước vào những tháng cuối năm, khuyến khích dòng vốn đầu tư gián tiếp và dòng kiều hối chuyển về Việt Nam trong thời gian tới. Những dòng tiền này sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào cân đối ngoại tệ của Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh tỷ giá chính thức (tỷ giá bình quân liên ngân hàng) áp dụng từ ngày 11/2/2011. Theo đó,Tỷ giá từ mức 18.932 VND lên mức 20.693 VND/USD - tức tăng hơn 9,3 % so với mức tăng 2,1% trong đợt điều chỉ tỷ giá ngày 18/8/2010, và tăng 3,36% ngày 11/2/2010. Như vậy, trong vòng đúng 1 năm qua, NHNN đã chính thức 3 lần điều chỉnh tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng với mức tăng tổng cộng 14,46%, tức xấp xỉ mức lạm phát tháng 2/2011 so với tháng 2/2010 (Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 1/2011 của cả nước đã tăng tới 1,74% so với tháng 12/2010 và tăng 12,17% so với cùng kỳ năm 2010).

2.1.7.2 Tác động của chinh sách tỷ giá đến nền kinh tế.

 Tác động đến cán cân thương mại.

Việc điều chỉnh tỷ giá đáng chú ý lần gần nhất hiện nay trong năm 2011, tỷ giá trần USD/VND có thể giao dịch sẽ tăng lên ở mức 20,900 VND/USD. Đây là đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm 2011 và là lần thứ 4 kể từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đây là lần điều chỉnh tỷ giá mạnh nhất trong vài năm gần đây với tỷ giá liên ngân hàng được điều chỉnh tăng tới 9.3%. Trong khi thâm hụt thương mại hàng hóa 2010 lên tới 12.4 tỷ USD, bằng 17.3% kim ngạch xuất khẩu. Các nghiên cứu cho thấy cán cân thương mại của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, và việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện thâm hụt thương mại. Đồng nội tệ giảm giá sẽ làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn khi hàng hóa sản xuất có sức cạnh tranh hơn, trong khi đó nhập khẩu sẽ giảm đi và cán cân thương mại được cải thiện.

 Tác động đến lạm phát.

Áp lực lên lạm phát là một trong những lo ngại, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên đến trên 150% so với GDP với nhiều mặt hàng nguyên liệu thiết yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài. Việc điều trỉnh tỷ giá vừa qua, tỷ giá trần USD/VND có thể giao dịch sẽ tăng lên ở mức 20,900 VND/USD (áp dụng từ ngày 11/2/2011). Đây là đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm 2011 và là lần thứ 4 kể từ năm 2009 đến nay, cũng cần lưu ý đây là lần điều chỉnh tỷ giá mạnh nhất trong vài năm gần đây với tỷ giá liên ngân hàng được điều chỉnh tăng tới 9.3%. Thực tế trong thời gian qua các nhà nhập khẩu của Việt Nam đều phải mua USD với tỷ thị trường chợ đen. Vì vậy, việc điều chỉnh lần này trên sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới chi phí thực sự của những nhà nhập khẩu. Giá hàng hóa có thể tăng lên nhưng áp lực sẽ không quá lớn.

Một phần của tài liệu Chính sách điều hành tỉ giá hối đoái ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 30)