1 Với tình tiết "phạm tội nhiều lần"

Một phần của tài liệu Vấn đề phạm tội có tính chất chuyên nghiệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 54)

Về mặt lập pháp, phạm tội nhiều lần với tính chất là một dạng của chế định nhiều tội phạm từ trước đến nay vẫn chưa nhận được sự điều chỉnh chính thức bằng một quy phạm riêng biệt nào trong Phần chung Bộ luật Hình sự, mà mới chỉ được quy định với tính chất là tình tiết định khung tăng nặng của một số tội phạm cụ thể và là tình tiết tăng nặng chung trong Bộ luật Hình sự 1985 trước đây (điểm i khoản 1 Điều 39), cũng như trong Bộ luật Hình sự 1999 hiện hành (điểm g khoản 1 Điều 48).

Về mặt thực tiễn, lần đầu tiên bằng giải thích thống nhất có tính chất chỉ đạo trong Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT ngày 2/1/1998 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật ngày 10/5/1997 "Về sửa đổi và bổ sung một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1985" đã đưa ra khái niệm phạm tội nhiều lần đối với riêng một số tội phạm có tính chất tham

nhũng và tình dục được đề cập trong Luật đã nêu (chứ chưa phải là khái niệm phạm tội nhiều lần nói chung) mà theo đó, khái niệm phạm tội nhiều lần đối với một tội nào đó (trong số các tội có tính chất tham nhũng) được thực tiễn xét xử của nước ta được hiểu là: Bị cáo đã phạm tội ấy từ hai lần trở lên mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ các yếu tố của cấu thành tội phạm cơ bản (khoản 1) trong điều luật tương ứng và người phạm tội chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tội ấy cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Lần giải thích

tiếp theo có tính chất áp dụng thống nhất trong ngành Tòa án là Nghị quyết

của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2006/NQ-HĐTP

ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự đã

đưa ra hướng dẫn về phạm tội nhiều lần đối với tội cố ý gây thương tích, và tội chứa mại dâm.

Về mặt lý luận, dưới góc độ khoa học luật hình sự có thể đưa ra khái

niệm này như sau: Phạm tội nhiều lần là phạm từ hai tội trở lên mà những tội ấy

được quy định tại cùng một điều hoặc tại cùng một khoản của điều tương ứng trong Phần riêng Bộ luật Hình sự, đồng thời đối với những tội ấy vẫn còn thời

hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử [7, tr.

391].

Qua nghiên cứu về "phạm tội nhiều lần" và tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" ở trên, chúng ta có thể rút ra được những điểm giống nhau của phạm tội nhiều lần và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp như sau:

Thứ nhất, cùng với các dạng "phạm nhiều tội" và "tái phạm" chúng

đều là các dạng của chế định "nhiều tội phạm" trong khoa học luật hình sự. Tức là trong những điều kiện như nhau nếu so sánh với tội đơn nhất thì phạm tội nhiều lần và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thường cho thấy tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn của tội phạm được thực hiện, cũng như nhân thân người phạm tội.

Thứ hai, người phạm tội đều thực hiện nhiều lần hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm và hành vi nguy hiểm cho xã hội ấy trong mỗi lần thực hiện bao giờ cũng phải có đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm độc lập. Thông thường phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thì có số lần lặp đi lặp lại phạm tội nhiều hơn trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng trong các lần phạm tội đó có ít nhất hai lần phạm tội vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích.

Ngoài những điểm giống nhau trên ra, phạm tội nhiều lần và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp có những điểm khác nhau sau:

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm. Vì phạm tội nhiều lần là phạm từ

hai tội trở lên mà những tội ấy được quy định tại cùng một điều (hoặc tại cùng một khoản của điều) tương ứng trong Phần riêng Bộ luật Hình sự do vậy các lần phạm tội đó người phạm tội chỉ xâm phạm một khách thể nhất định. Còn phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, các lần phạm tội đó có thể xâm phạm các khách thể khác nhau (nhưng cùng nhóm hay cùng khách thể loại). Ví dụ: A phạm tội nhiều lần về tội cố ý gây thương tích cho người khác, hành vi phạm tội của A chỉ xâm phạm một khách thể trực tiếp là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng sức khỏe của người bị hại. B bị áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp vì đã thực hiện ba lần cướp tài sản và ba lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi phạm tội của B xâm phạm đến hai khách thể trực tiếp đó là quan hệ nhân thân (quyền nhân thân) và quan hệ tài sản (quyền sở hữu).

Thứ hai, về tần suất các lần phạm tội thì phạm tội có tính chất chuyên

nghiệp các lần phạm tội được lặp đi lặp lại nhiều lần hơn, được thực hiện trong một thời gian nhất định, người thực hiện tội phạm trở thành hệ thống. Các lần phạm tội đó có thể được đưa ra xét xử ở các lần khác nhau. Còn trường hợp phạm tội nhiều lần, các lần phạm tội trong khoảng thời gian không kể dài hay ngắn, nhưng các lần phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách

nhiệm hình sự, người phạm tội chưa được miễn trách nhiệm hình sự và đều được đưa ra xét xử trong cùng một lần.

Thứ ba, về động cơ mục đích phạm tội người bị áp dụng tình tiết

phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi phạm tội có động cơ mục đích rõ ràng đó là phạm tội vì vụ lợi hoặc làm giàu bất chính, lấy việc phạm tội làm nghề sống chính hoặc lấy kết quả của việc phạm tội làm nghề sống chính. Còn người bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, động cơ mục đích, đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc khi áp dụng tình tiết này.

Thứ tư, về yếu tố lỗi của tội phạm được thực hiện, người bị áp dụng

tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp thực hiện tội phạm chỉ với một hình thức lỗi là: lỗi cố ý vì họ phạm tội có động cơ và mục đích phạm tội. Còn người bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, họ thực hiện tội phạm với cùng một hình thức lỗi (lỗi cố ý hoặc cũng có thể là lỗi vô ý).

Ví dụ: Võ Văn Tỵ sinh năm 1978, mặc dù không có giấy phép lái xe

nhưng Tỵ vẫn lấy môtô dung tích 97cm3 của em gái để đi chơi. Khoảng 19 giờ

ngày 4-6-2003, Võ Văn Tỵ đã gây tai nạn làm chết một người và bị khởi tố bị can về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Trong quá trình điều tra vụ án, Tỵ được tại ngoại. Đến ngày 17-8-2003, Tỵ lại điều khiển xe máy của bạn và gây tai nạn giao thông làm một người khác thiệt mạng và lại bị khởi tố bị can về "Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Tại bản cáo trạng số 112/KSĐT-KT ngày 28-11-2003, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhập hai vụ án và truy tố Võ Văn Tỵ về "Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Ngày 05-4-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt Võ Văn Tỵ sáu năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 với tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trường hợp

này Võ Văn Tỵ bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần khi thực hiện tội phạm với lỗi vô ý.

Một phần của tài liệu Vấn đề phạm tội có tính chất chuyên nghiệp trong luật hình sự Việt Nam (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)