Một số giải pháp hoàn thiện hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học - Đề tài về Thực trạng bán hàng đa cấp tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra (Trang 56)

3.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp

Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp của nước ta mới được thành lập từ cuối năm 2005 và còn thiếu, nhiều thiếu sót khiến cho công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp gặp nhiều khó khăn và tạo khe hở cho các doanh nghiệp kinh doanh bất chính lợi dụng. Để có thể phát triển hiệu quả hình thức kinh doanh mới này cần hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh.

Trên giác độ quản lý nhà nước, hoạt động bán hàng đa cấp cần phải có các quy định pháp luật để điều chỉnh các hành vi của DN và những người tham gia mạng lưới về các nội dung sau:

Thứ nhất, Quy định rõ các điều kiện cần thiết để tiến hành hoạt động bán hàng đa cấp;

Khoản 11 Điều 3 của Luật cạnh tranh (Luật số 27/2004/QH11 ngày 03/12/2004) quy định các điều kiện kinh doanh đa cấp một cách định nghĩa chưa có các điều kiện cụ thể, yêu cầu với các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp.

- Về điều kiện tham gia mạng lưới: Khoản 1, Khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định 110/2005/ NĐ-CP, doanh nghiệp không được yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, mua hàng hoặc trả tiền để tham gia mạng lưới. Rõ ràng, quy định này giúp các cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp nhưng trên thực tế quy định này chưa thực sự hợp lý. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp bắt nhà phân phối mới trả khoản lệ phí nhỏ để tham gia hay để mua sản phẩm mẫu là hợp lý vì doanh nghiệp cũng phải bỏ tiền sản xuất những tài liệu hỗ trợ bán hàng, những cuộc hội thảo và nhà phân phôi mới cũng nên có những tài liệu, mẫu sản phẩm thì việc kinh doanh mới hiệu quả và thuyết phục. Chỉ khi nào mức tiền đặt cọc, phí tham gia quá cao hay doanh nghiệp bắt nhà phân phối phải mua lượng sản phẩm với giá cao hơn thị trường rất nhiều mới là dấu hiệu của kinh doanh đa cấp bất chính. Như vậy, quy định mức phí bao nhiêu cho hợp lý thì vẫn cần có sự thảo luận hay nghiên cứu kỹ lưỡng cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

- Về mức ký quỹ: Ký quỹ là một biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Theo Nghị định 110/2005/NĐ-CP, mỗi doanh nghiệp phải ký quỹ 5% vốn điều lệ nhưng không được thấp hơn 1 tỷ đồng. Điều này chưa thực sự hợp lý vì mức 1 tỷ đồng là quá cao. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tận dụng ưu đãi của kinh doanh đa cấp nhằm tiết kiệm chi phí trung gian, lại phải bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy là không khả thi. Doanh nghiệp sẽ phải huy động một lượng vốn lớn ngay từ khi mới bắt đầu thành lập. Mức ký quỹ cao có khả năng sẽ loại bỏ các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính yếu ra khỏi sân chơi. Những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lâu năm như Avon, Amway,… tràn vào theo làn sóng hội nhập và sẽ có lợi nhất định trong cuộc chạy đua này. Nhà nước nên quy định doanh nghiệp trước khi nộp các loại thuế cho Nhà nước phải trích lại một phần thu nhập của phân phối viên và doanh thu của doanh nghiệp, gửi

vào một tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng thương mại. Như vậy, doanh nghiệp sẽ tránh được một khoản đầu tư khá lớn ban đầu.

Thứ hai, Quy định các hành vi bị cấm đối với DN và những người tham gia mạng lưới nhằm thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng; Nhằm phân biệt rõ ranh giới giữa bán hàng đa cấp tuân thủ quy định của pháp luật (chân chính) với hoạt động bán hàng đa cấp bất chính. Các quy định cần tuân thủ theo luật cạnh tranh là.

Một là, Nghiêm cấm việc: Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

Hai là, Nghiêm cấm việc: Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;

Ba là, Nghiêm cấm việc: Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;

Bốn là, Nghiêm cấm việc: Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.”

Thứ ba, Quy định cụ thể về cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có các ràng buộc về mức giá, cơ chế kiểm soát giá, nghĩa vụ thuế, hạch toán kế toán,…thực tiễn nước ta cho thấy các quy định của luật pháp nước ta điều chỉnh mảng quản lý tài chính là thiếu và yếu nhất, khiến các doanh nghiệp trốn thuế, lậu thuế và các quy định tài chính về mặt nghĩa vụ của doanh nghiệp với người tham gia bán hàng đa cấp cho công ty. Các quy định cần làm rõ là

- Quy định về giá sản phẩm và cơ chế kiểm soát và quản lý giá bán sản phẩm phân phối theo hình thức đa cấp. do đặc thù của hoạt động bán hàng đa cấp

khác với bán lẻ truyền thống nên việc xác định giá cả là rất quan trọng là cơ sở điều chỉnh và đề ra các chính sách quản lý tài chính khác. Với mỗi dòng sản phẩm cần có kiểm tra chất lượng và định giá sản phẩm tương đối làm cơ sở quản lý.

- Quy định về hoa hồng cho các cá nhân tham gia. Làm rõ việc tỷ lệ trích hoa hồng này có vai trò như thế nào trong chi phí của mô hình hoạt động đa cấp. kết hợp 2 quy định trên cơ quan quản lý sẽ có cơ sở chính xác để quản lý doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp để có thể xác định chính xác thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Quy định về tính thuế thu nhập cá nhân đối với người tham gia bán hàng đa cấp.

Thứ tư, Quy định cụ thể về các hành vi được các chế tài xử phạt, bồi thường thiệt hại đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Về bồi thường thiệt hại: Điều 12 Nghị định 110/2005/NĐ-CP có quy định ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh đa cấp và phân phối viên. Theo đó, lỗi thuộc về ai người đó chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nhưng nếu quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, quy kết trách nhiệm cho nhau và rất khó xử lý trong trường hợp này. Trong kinh doanh đa cấp, phân phối viên là một cá nhân hoạt động độc lập với doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm do những sai phạm mình gây ra. Do vậy, Nhà nước cần quy định rõ và cụ thể hơn những trường hợp nào doanh nghiệp chịu trách nhiệm, trường hợp nào phân phối viên chịu trách nhiệm và trường hợp nào phân phối viên và doanh nghiệp cùng liên đới trách nhiệm.

Về chế tài xử phạt: Hiện nay, theo điều 23 Nghị định 110/2005/NĐ-CP, việc xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp mới chỉ dừng lại ở mức bối thường thiệt hại hoặc xử lý vi phạm hành chính. Rõ ràng, mức độ thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu là rất lớn nếu một mạng lưới bị sụp đổ. Mức độ xử phạt hành chính không thể đủ sức răn đe với những doanh nghiệp làm giàu một cách bất chính, Nhà nước cần có thêm nhiều biện pháp xử lý hình sự đối với hoạt động kinh doanh đa cấp để có tính răn đe mạnh hơn, trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Thêm vào đó, hoạt động bán hàng đa cấp cần có sự quản lý không chỉ từ một lĩnh vực pháp luật mà còn từ nhiều lĩnh vực khác nhau hông chỉ bao gồm Bộ luật dân sự, pháp luật về thương mại, pháp luật về cạnh tranh, mà còn bao gồm cả lĩnh vực pháp luật về thuế, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về quảng cáo,..

Pháp luật về kinh doanh đa cấp tại Việt Nam cần được mở rộng phạm vi áp dụng: Luật Cạnh tranh 2004 mới chỉ đưa ra khái niệm về bán hàng đa cấp, tuy đã khá đầy đủ nhưng mới bó gọn trong hoạt động mua bán hàng hóa đa cấp. Tuy nhiên, chúng ta nên mở rộng phạm vi ứng dụng với cả hoạt động bán hàng, cung ứng dịch vụ bởi hoạt động này cũng có thể tiến hành theo hình thức đa cấp.

Thiết nghĩ, các cơ quan lập pháp Nhà nước nên hệ thống và kiện toàn các quy phạm và sớm ban hành luật về kinh doanh đa cấp.

3.2.2. Thống nhất, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước

Cơ chế quản lý hiện tại của nhà nước, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu sự quản lý trực tiếp từ các sở công thương tỉnh thành phố và kết hợp với sự giám sát của cục quản lý cạnh tranh ở cấp vĩ mô mà chưa có một cơ quan nào chủ đạo quản lý trực tiếp hoạt động bán hàng đa cấp. Trong khi đó việc quản lý của các sở công thương còn lỏng lẻo còn tầm vĩ mô của cục quản lý cạnh tranh chỉ tập trung vào việc quản lý các hoạt động vi phạm nhưng lại chưa sát sao, không đề ra các chính sách chiến lược phát triển thực sự cho ngành hàng đa cấp. Ngay tại cấp của các sở công thương cũng yếu kém trong việc kiểm soát các doanh nghiệp và tình hình diễn biến của hoạt động bán hàng đa cấp, xảy ra tình trạng doanh nghiệp bán hàng đa cấp không có giấy phép hoặc không thê nắm rõ việc có bao nhiêu doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động tại địa phương mình quản lý. Vì vậy cần có một cơ quan chính thức chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp hoạt động bán hàng đa cấp ở tầm vĩ

mô đề ra chiến lược và chính sách điều chỉnh và phát triển hoạt động này, ngoài ra còn phối hợp với địa phương để có thể nắm rõ diễn biến thực tế.

Cơ quan này cũng chính là đại diện chính thức của nhà nước về mặt pháp luật hướng dẫn các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng như cung cấp nguồn thông tin chính thức cho người dân về hoạt dộng bán hàng đa cấp. Giảm thiểu tình trạng không có nguồn thông tin chính thức đầy đủ và nhiễu loạn các nguồn thông tin về bán hàng đa cấp tạo lòng tin và hướng dẫn người dân về hoạt động bán hàng đa cấp.

Tăng cường quản lý đồng thời là nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Tổng cục thuế,… nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính đến thị trường Việt Nam.

Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bằng một số biện pháp sau: hướng dẫn sở thương mại các tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp trên cơ sở khuôn khổ pháp luật hiện hành; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, cảnh bảo nhân dân về kinh doanh đa cấp bất chính; … Ngoài ra, Bộ Công thương nên mở những diễn đàn chính thống bàn về kinh doanh đa cấp ở Việt Nam để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và người tham gia, góp phần hoàn thiện dần khung pháp lý về kinh doanh đa cấp ở nước ta.

Bộ Y tế có trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm bổ sung dinh dưỡng và hóa mỹ phẩm, cấp giấy phép lưu hành cho loại mặt hàng này, công bố rộng rãi danh mục đó để người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ thông tin.

Tổng cục Thuế theo dõi, kiểm tra việc đóng thuế đầy đủ của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra quy định nhằm thu thuế của cá nhân tham gia kinh doanh đa cấp, nhằm hạn chế tối thiểu việc trốn thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.

Tổng cục Hải quan theo dõi tình hình nhập khẩu các mặt hàng kinh doanh đa cấp, nắm rõ giá nhập khẩu thực tế, trên cơ sở đó tính giá bán lẻ trong nước. Đặc điểm của loại hình kinh doanh này là hàng hóa được trực tiếp từ nhà phân phối

sang người tiêu dùng cuối cùng, không qua các cửa hàng nên khả năng thất thu thuế thu nhập của người tham gia rất lớn.

Bên cạnh đó, như đã nói ở trên, Nhà nước cũng cần phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm không chỉ bằng các biện pháp hành chính như hiện nay mà còn bằng các biện pháp xử lý hình sự để có tính răn đe mạnh hơn, trừng phạt nghiêm khắc hơn. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, các Sở thương mại đã thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, kịp thời chấn chỉnh loại hình kinh doanh này, bảo vệ quyền lợi của người tham gia và người tiêu dùng.

Công tác kiểm tra giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, chặt chẽ, tránh để sự việc chỉ được phát hiện khi có những hậu quả đối với người tiêu dùng và xã hội. Các cơ quan chức năng của Nhà nước phải tăng cường kiểm soát các hoạt động quảng cáo, phát tờ rơi, ghi nhãn hàng hóa, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định.

Nhà nước cũng nên hỗ trợ, khuyến khích các công ty tham gia vào Hiệp hội Kinh doanh đa cấp Việt Nam. Bởi đây là nơi thông tin về các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được cung cấp đầy đủ nhất, nhờ đó mà người dân có thể lựa chọn doanh nghiệp phù hợp với mình để tham gia hoặc sản phẩm phù hợp để tiêu dùng. Đồng thời, việc thành lập hiệp hội cũng nhằm để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trên thị trường Việt Nam.

3.2.3. Cơ chế đa dạng hóa các đối tượng hữu quan trong quản lý bán hàng đa cấp cấp

Ngay trong lĩnh vực pháp luật điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp đã nêu rõ cần có sự quản lý pháp luật dựa trên nhiều lĩnh vực, cho thấy việc quản lý bán hàng đa cấp không chỉ cẩn có sự nỗ lực của cơ quan nhà nước mà còn từ các phía như người tiêu dùng, doanh nghiệp đa cấp…

Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã được thành lập để có thể đáp ứng nhu cầu trên. Hiệp hội này có vai trò gắn kết các doanh nghiệp trong ngành, giảm sự cạnh tranh không lành mạnh tạo ra sự thống nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cho dù đã được thành lâp nhưng hiệp hội vẫn chưa quy tụ đủ các doanh nghiệp trong ngành và hoạt động còn mờ nhạt. Nhưng với sự có mặt của hiệp hội này cho thấy kỳ vọng về tương lai tốt đẹp hơn của hoạt động bán hàng đa cấp.

Thêm vào đó chính người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ mình qua vai trò của các hiệp hội của người tiêu dùng nhằm vai trò thẩm định và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tiếng nói của một hiệp hội sẽ có tác động mạnh mẽ hơn so với của các cá nhân. Tuy nhiên cũng như hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, hiệp hội của người tiêu dùng đã có nhưng hoạt động chưa đúng với nhiệm vụ của mình

Ngoài ra cũng cần có sự tham gia của các tổ chức đánh giá, thẩm định chât lượng và hoạt động của các doanh nghiệp đa cấp từ đó có những tư vấn hợp lý cho cả doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học - Đề tài về Thực trạng bán hàng đa cấp tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra (Trang 56)