Tủ có cánh quay đứng, khi mở, cánh quay ra ngoài chiếm một không gian nhất định. Góc mở của cánh tủ tuỳ thuộc vào kiểu loại và phương pháp bố trí bản lề. So sánh ưu nhược điểm giữa cảu quay và cửa kéo trượt thì cửa quay đòi hỏi diện tích để hoạt động đóng mở cánh lớn hơn các kiểu tủ đóng mở cánh bằng kéo trượt.
Cánh tủ là phần mặt chính của tủ nên đòi hỏi về tính thẩm mỹ của cánh tủ là tương đối cao. Các loại tủ truyền thống được làm bằng gỗ tự nhiên thì vân thớ gỗ của cánh được đặc biệt chú ý. Một số loại tủ, cánh được chạm khảm hết sức công phu và cầu kỳ. Các chi tiết lộ trên bề mặt cánh tủ như tay cầm, khoá hay bản lề cũng rất được quan tâm. Ngoài ra, về mặt cấu tạo, phương pháp bố trí cánh và bản lề đều rất quan trọng vì nó vừa trực tiếp ảnh hưởng đến thẩm mỹ đồng thời nó còn ảnh hưởng đến sự thuận lợi trong quá trình sử dụng.
Tuỳ thuộc vào việc lựa chọn theo kiểu bản lề và cách đặt bản lề mà có thể thiết kế các cách thức liên hệ giữa hồi tủ và cánh tủ theo nhiều cách khác nhau.
Cấu tạo của miệng cánh phải đảm bảo việc đóng mở dễ dàng, kín khít và đồng thời phải có tính thẩm mỹ cao. Khi thiết kế miệng cánh tủ cần phải chú ý tới tính đối xứng trên bề mặt tủ.
Trên cánh tủ thường được nắp khoá, tay nắm. Nhiều trường hợp cánh tủ không cần khoá. Trong trường hợp đó, để thuận tiện trong sử dụng, cần lắp cơ cấu tự đóng bằng nam châm hoặc bản lề có trục quay di động.
Khoá lắp trên cánh có nhiều loại khác nhau, nhưng xét chung về đặc điểm lắp và đóng, người ta thường phân biệt 3 kiểu lắp sau:
- Lắp vào mặt trong cánh tủ, đóng theo trục đứng. - Lắp bằng cách đục lỗ vào cánh, đóng theo trục ngang (tịnh tiến).
- Lắp theo kiểu ốp phía trong, đóng theo trục ngang (quay hoặc tịnh tiến).
Tay nắm là chi tiết có yêu cầu thẩm mỹ khá cao nhưng cũng phải thuận tiện cho người sử dụng. Tay nắm có thể làm bằng gỗ tự nhiên (thường là các loại gỗ quý) hoặc cũng có thể được làm bằng kim loại, hình dáng đẹp, dễ cầm nắm, co kéo.