Sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT, đã đặt ra cho giáo dục nhiều yêu cầu cấp bách. Đó là, giáo dục phải trang bị cho người học khả năng học tập suốt đời mà kỹ năng tìm kiếm thông tin, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề là cần thiết nhất trong một kỷ nguyên thay đổi nhanh chóng. Nhiều chính sách và chiến lược giáo dục đã được đổi mới nhằm giúp cho người học thích nghi với sự thay đổi, tăng cường tư duy sáng tạo và khả năng ứng dụng tri thức tiên tiến để giải quyết các vấn đề thời đại. Ứng dụng CNTT trong giáo dục nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách nêu trên là một trong số các lựa chọn ưu tiên của hầu hết hệ thống giáo dục trên thế giới. Nhiều quốc gia trên thế xem kiến thức và kỹ năng về CNTT (cùng với khả năng biết đọc, biết viết và tính toán) như là những thành tố cơ bản của giáo dục. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục không chỉ dừng lại ở
mức độ xem CNTT như là một công cụ hỗ trợ một quá trình cụ thể (dạy và học hay
quản lý) mà CNTT phải được tích hợp xuyên suốt mọi thành tố của hệ thống giáo dục: từ chiến lược, chính sách, kế hoạch cho đến việc triển khai trong từng hoạt động cụ thể trên lớp; đến việc đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng giáo viên, cán bộ quản lý các cấp...[8]
Ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước đi trước. Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc ứng dụng và phát triển CNTT. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học; phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội; đặc biệt tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo... là những nỗ lực của toàn ngành giáo dục nhằm tạo bước đột phá về chất trong công cuộc cách tân giáo dục.
Dạy học là quá trình đào tạo con người một cách có mục đích, nhằm chuẩn bị cho con người tham gia đời sống xã hội, tham gia lao động sản xuất, nó được thực hiện bằng cách tổ chức việc truyền thụ và lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử - xã hội của loài
người. Dạy học là một bộ phận của giáo dục – đó là quá trình tác động qua lại giữa giáo viên và nhằm truyền thụ và lĩnh hội những tri thức khoa học, những kỹ năng và kỹ xảo hoạt động nhận thức thực tiễn, để trên cơ sở đó, hình thành thế giới quan, phát triển năng lực sáng tạo và xây dựng các phẩm chất nhân cách theo mục đích giáo dục.
Giáo dục và dạy học là hiện tượng xã hội đặc trưng của xã hội loài người. Giáo dục nảy sinh cùng với xã hội loài người, trở thành một chức năng sinh hoạt không thể thiếu được và không bao giờ mất đi ở mọi giai đoạn phát triển của xã hội. Giáo dục là một bộ phận của quá trình tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội, một trong những nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt. Giáo dục mang tính lịch sử cụ thể, tính chất, mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và tổ chức giáo dục biến đổi theo các giai đoạn phát triển của xã hội, theo các chế độ chính trị - kinh tế của xã hội. Do đó, trình độ khoa học công nghệ, đặc biệt là CNTT, phát triển buộc giáo dục cần được cải tổ để có thể tạo ra và tái tạo lại sức lao động xã hội mới nhằm tạo động lực mọi cho tiến bộ xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Ứng dụng ICT vào hoạt động dạy học nhằm giúp trang bị cho người học những tri thức; kỹ năng, kỹ xảo; nhân sinh quan và các phương pháp giải quyết vấn đề. Trên nền tảng ấy, cá nhân có khả năng gia nhập vào cuộc sống xã hội một cách có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hoá dân tộc. Ứng dụng CNTT trong giáo dục không chỉ đơn thuần là đưa CNTT vào dạy học trong nhà trường như là một môn học hay như là phương tiện dạy học. Trong lịch sử phát triển của mình, việc ứng dụng ICT trong giáo dục cũng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển [3].
Ngày nay, vấn đề ứng dụng ICT đã được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm và đã trở nên một vấn đề toàn cầu. Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước thành viên của tổ chức diễn đàn hợp tác kinh tế các nước Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 2 ngày 07 tháng 4 năm 2000 về “Giáo dục trong xã hội học tập ở thế kỷ XXI” xác nhận tầm quan trọng của ICT trong xã hội học tập. Tại diễn đàn này các Bộ trưởng đã khẳng định tiềm năng rộng lớn của ICT trong việc chuẩn bị tương lai cho HSSV cũng như cung cấp cơ hội học tiếp cho người lớn tuổi. ICT mang đến sự đổi mới về cách học cho mọi cấp học. ICT cũng tạo điều kiện cho việc hợp tác nghiên cứu khoa học và học từ xa. Các Bộ trưởng nhấn mạnh phương châm “Giáo dục không biên giới ” giữa các thành viên APEC. ICT trong giáo dục sẽ là giải pháp chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế dựa trên tri thức. Trong dạy và học thì CNTT có các chức năng sau [3]:
CNTT là đối tượng học tập – giảng dạy
CNTT là công cụ học tập
CNTT là một người hướng dẫn
CNTT là một phương tiện mở
Tóm lại, không thể phủ nhận được vai trò và tầm quan trọng của việc sử dụng CNTT trong giáo dục. CNTT có một vai trò vô cùng to lớn trong công tác giáo dục ngày nay. Nếu không có CNTT thì hoạt động giáo dục sẽ không theo kịp sự phát triển của xã hội và sẽ không đáp ứng được mục tiêu giáo dục lớn nhất là “đáp ứng theo nhu cầu của xã hội” những công dân “vừa hồng lại vừa chuyên”.