Những tư tưởng của Nho giáo ảnh hưởng tích cực đến định hướng

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của nho giáo đến phát triể nguồn nhân lực việt nam (Trang 62)

nghề nghiệp

Có thể đưa ra rất nhiều sự kiện để nói rằng Khổng Tử chỉ chăm lo đến những vấn đề đạo đức và chính trị mà thôi, Khổng Tử và nhất là người kế nghiệp lỗi lạc của ông là Mạnh Tử luôn khuyên bảo vua chúa chỉ nên nghĩ tới điều "nghĩa" chứ không nên nghĩ đến điều "lợi". Khi Mạnh Tử vào yết kiến Huệ Vương nước Lương, nhà vua nồng nhiệt đón tiếp và trân trọng hỏi ông: “Ngài không ngại xa xôi ngàn dặm đến đây, hẳn có điều gì làm Lợi cho nước tôi chăng?”. Mạnh Tử dội một gáo nước lạnh: “Vua nói đến lợi làm gì, chỉ có nhân nghĩa mà thôi”. Rồi Mạnh Tử giải thích: “Nếu như nhà vua cũng như các

bậc đại phu, sĩ phu và dân thường chỉ nghĩ đến lợi cho mình thì trên dưới chỉ tranh giành nhau vì lợi, nước sẽ nguy mất. Người có nhân thì không bỏ cha mẹ họ, người có nghĩa thì không trễ nải việc của nhà vua. Như vậy thì nhà vua cũng chỉ nên nói nhân nghĩa mà thôi”.Khi học trò của Khổng Từ hỏi ông về việc làm vườn, về việc đi buôn, ông đều bực mình mà chẳng nói, bởi những việc này là của tiểu nhân, nghĩ đến điều ấy cũng là tiểu nhân. Khổng Tử kể lại cuộc đời niên thiếu của mình đã phải làm rất nhiều nghề và ông tự cho là bất đắc dĩ lắm phải làm những nghề nhỏ mọn ấy. Theo ông, nghề nhỏ mọn ấy chỉ dành riêng cho những kẻ tiểu nhân, những người dân thường, những tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Còn những người quân tử là phải làm quan, làm thầy chăn dắt và dạy dỗ đông đảo nhân dân. Những người này có trách nhiệm lao lực để nuôi những người quân tử, nghĩa là những vị quân tử thống trị họ. Người ta cho rằng Khổng Tử rất ghét giàu sang. Ông thường khen học trò của ông là Nhan Hồi vẫn giữ được niềm vui khi “sống trong một ngõ hẹp với một giỏ cơm bầu nước”. Ông cũng khen Tử Lộ: “Mặc áo dài bằng vải cũ rách mà chẳng hổ thẹn”. Đặc biệt là Mạnh Tử còn khẳng định một cách dứt khoát: “Làm giàu thì chẳng có nhân, làm nhân thì chằng được giàu”. Những tư tưởng này ảnh hưởng rất tiêu cực đến định hướng nghề nghiệp của thanh niên, khiến họ tập trung vào con đường danh vị, mà không chú ý và coi trọng những nghề thực nghiệp khác, gây mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo, khiến cho đất nước không giàu mạnh lên được.

Bao nhiêu đời loay hoay trước những mẫu thuẫn tưởng như không thể giải quyết được này, các nhà Nho cũng lại chỉ nói đến điều nhân chú không dám nói đến việc làm giàu, nói đến điều nghĩa chú không dám nói điều lợi. Vấn đề đặt ra là trên con đường phát triển của đất nước có thể nào thống nhất giữa nghĩa và lợi, vừa vi phú vừa vi nhân được chăng? Nhiều học giả nghiên cứu Nho giáo ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã nhận định lại mối quan hệ này trong Nho giáo, và nêu lên khả năng hòa đồng giữa phú và nhân, giữ nghĩa và lợi, giữa đạo đức và kinh doanh trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Khi làm hài hòa được vấn đề này, sẽ dẫn đến những

cải thiện tích cực trong nhận thức xã hội, cải thiện tích cực đến định hướng nghề nghiệp, làm cân bằng lại cơ cấu lao động vốn đã mất cân đối.

Khổng Tử thực ra không hề ghét giàu sang, mà còn coi trọng việc theo đuổi giàu sang, cổ vũ việc theo đuổi phú quý, nhưng phải chủ ý một điều là đó là giàu sang, phú quý phải theo đúng đạo lý nhân nghĩa. Ông nói: "Giàu sang ai cũng muốn, nhưng nếu không theo đúng đạo mà được giàu sang thì cũng không nên hưởng sự giàu sang ấy. Nghèo hèn ai cũng ghét, nhưng nếu không dựa vào đạo để từ bỏ cái nghèo hèn ấy thì cũng chẳng nên từ bỏ". Ông còn nhấn mạnh: "Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy" Khổng Tử chủ trương dùng kế sách chính đáng, hợp pháp, lao động cần cù, tiết kiệm phù hợp với hoàn cảnh để giành được địa vị phú quý, còn như bất nghĩa mà phú quý thì như đám mây trôi chẳng mấy chốc là tan, không có ý nghĩa gì cả. Khổng Tử luôn đặt nhân nghĩa trên phú quý. Nho gia cũng quan niệm rằng cuộc sống vật chất đối với con người rất quan trọng, nhưng đời sống tinh thần đối với họ còn quan trọng hơn.

Khổng Tử không hề phản đối việc làm giàu, ông chỉ đòi hỏi rằng việc giàu sang phải hợp với đạo lý mà thôi, Khổng Tử từng nói rằng nếu giàu mà nên cầu được, không phi nghĩa thì "dù làm người cầm roi đi hầu ta cũng làm". Tuy nhiên ông đòi hỏi việc giàu sang phải hợp với đạo nghĩa: "Nếu giàu có có thể cầu được thì dù có phải làm kẻ đầu sai thấp kém ta cũng làm. Nếu không thể cầu được thì ta chỉ làm việc ta thích mà thôi". Đạo của Khổng tử là đạo Nhân, không xa rời con người, ngài đã từng nói: để thực hiện đạo nhân thì dẫu phải ở địa vị bần cùng cũng không oán hận. Nhưng Khổng Tử cũng cho rằng phú quý cũng rất quan trọng, con người cũng nên theo đuổi phú quý, vì phú quý Khổng Tử có thể sẵn sàng làm bất cứ nghề nghiệp dẫu có bị coi là kém cỏi nào. Ông khuyến khích và cho rằng người ta nên làm những việc mà mình có thể làm được, nhưng đem phú quý so với nghề nghiệp mình thích thì phú quý vẫn quan trong hơn. Do đó việc theo đuổi phú quý, theo đuổi việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần là việc nên làm trong cuộc đời mỗi người,

nhưng phải trên cơ sở lấy nhân nghĩa làm đầu. Việc làm giàu không phải là việc xấu, chỉ có việc để được giàu có mà vi phạm nhân nghĩa là xấu mà thôi.

Sau khi đã khẳng định vai trò nhân nghĩa trong cuộc sống của con người, Khổng Tử đã dùng những lời mạnh mẽ để cổ vũ việc làm giàu. Theo ông, nước vô đạo mà lợi dùng hoàn cảnh ấy để làm giàu thì là một điều đáng xấu hổ, nhưng khi đất nước có đạo, nghĩa là được phát triển lành mạnh, có thể làm giàu một cách chính đáng mà không làm giàu được thì cũng là điều đáng xấu hổ. Hiện nay Việt Nam cũng như các nước phát triển khác ở Châu Á đều khuyến khích mọi người làm giàu cho đất nước và cho bản thân mình, thì những tư tưởng trên có thể vận dụng và nhấn mạnh lên. Đảng ta cũng chỉ rõ mục tiêu xây dựng đất nước của chúng ta hiện nay là "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Đất nước đã được hòa bình, nhân dân đã được làm chủ cuộc sống, thì không cớ gì mình có thể nghèo hèn, nghèo hèn là điều đáng xấu hổ của người có trí có học trong một đất nước hòa bình và có điều kiện thuận lợi như nước ta hiện nay. Làm giàu một cách chính đáng, và bảo vệ những người giàu một cách chính đáng để khuyến khích mọi người làm giàu, đó là một quan điểm được xã hội và nhà nước chúng ta ủng hộ và khuyến khích hiện nay.

Trong sách Luận Ngữ cũng kể rằng: "Khổng Tử đã từng nói: vì không được quốc gia trọng dụng nên học được một số công nghệ, kỹ thuật". Con người được quốc gia trọng dụng là điều tốt nhưng cũng có điều bất cập, họ lúc nào cũng bận rộn, kẻ đón người đưa, dễ đắc chí sớm; cho nên nếu không giữ mình cẩn thận thì chủ quan dễ dừng lại, không tiến lên hơn nữa. Người như vậy khi hết quan trở về làm thường dân, nhìn lại mới thấy mình chẳng có một tài cán nghề nghiệp gì. Người có chí khí, có tài đức mà không được trọng dụng, không được đãi ngộ, thì sẽ hết sức tìm tòi, nghiên cứu để mưu cầu cuộc sống. Người quân tử không chỉ có con đường làm quan là duy nhất, người có chí khí và tài đức không được trọng dụng thì hãy nên bỏ công sức và học tập theo một nghề nghiệp thực nghiệp, nhất định sẽ đạt tới những tinh hoa của nghề nghiệp, tìm được niềm vui trong việc đúc rút những kinh nghiệm và tìm

ra được quy luật nội tại của sự vật, đồng thời mưu cầu một cuộc sống đầy đủ, giàu có, tạo hạnh phúc cho bản thân và gia đình, đóng góp cho xã hội.

Làm giàu một cách chính đáng thì nghề nghiệp nào, việc làm nào để đạt được điều đó cũng đều tốt và đáng được coi trọng cả, đó cũng là ý nghĩa của câu nói "dù làm người cầm roi đi hầu ta cũng làm", đó cũng là tư tưởng chúng ta nên nhấn mạnh phát huy để có thể làm thay đổi nhận thức của xã hội về các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội hiện nay.

Một phần của tài liệu ảnh hưởng của nho giáo đến phát triể nguồn nhân lực việt nam (Trang 62)