Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng nội bộ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả tín dụng đối với DNNVV tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng (Trang 87)

Công tác kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hồ sơ tín dụng là công việc rất quan trọng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng. Thông qua quá trình kiểm tra, kiểm soát ngân hàng sẽ đánh giá được mức độ tín nhiệm của khách hàng cũng như mức độ rủi ro có thể xảy ra của các khoản vay. Công việc này rất quan trọng và cần thiết vì trong quá trình kiểm tra việc sử dụng vốn vay của khách hàng theo thời gian có thể xuất hiện nhiều khó khăn nhất định. Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng của VCB HP còn hạn chế. Vì vậy,

trong thời gian tới VCB HP cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng theo hướng như sau:

+ Bộ phận giám sát tuân thủ cần phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện và đưa ra ý kiến đề xuất có tiếp tục cho vay nữa hay tiến hành thu hồi vốn trước hạn nhằm đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng. Việc kiểm tra cần được thực hiện theo cả hai hướng định kỳ và đột xuất để đảm bảo tính hiệu quả, chính xác của công tác kiểm tra. Ví dụ, bộ phận giám sát tuân thủ có thể đột xuất kiểm tra hàng cầm cố tại kho với các món vay có tài sản cầm cố hình thành từ vốn vay phát hiện kịp thời các trường hợp khách hàng không thực hiện đúng hợp đồng tín dụng.

+ Việc kiểm tra, kiểm soát tín dụng không nên chỉ dừng lại ở việc rà soát lại hồ sơ tín dụng mà phải theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của khách hàng nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn của khách hàng và phát hiện những sai sót trong việc thực hiện quy trình tín dụng với DNNVV của cán bộ khách hàng.

3.2.3.Điều chỉnh mô hình tổ chức hoạt động tín dụng hợp lý hơn.

Như đã phân tích ở trên, theo mô hình tổ chức hoạt động tín dụng tại VCB HP hiện nay cán bộ khách hàng đảm nhiệm quá nhiều công việc. Do đó mức độ thực hiện từng nghiệp vụ theo quy trình tín dụng không được chuyên sâu. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng dẫn đến hiệu quả tín dụng với DNNVV của ngân hàng chưa cao. Do vậy, để khắc phục tình trạng này VCB HP nên tổ chức lại mô hình thực hiện hoạt động tín dụng theo hướng chuyên môn hoá từng mảng nghiệp vụ cụ thể. Trong giai đoạn tới, VCB HP có thể tách mảng nghiệp vụ giải ngân, quản lý nợ, thu nợ để bộ phận khác đảm nghiệm còn phòng Khách hàng chuyên trách công tác thẩm định tín dụng. Hiện nay, tại một số chi nhánh trong hệ thống VCB ngoài phòng Khách hàng thực hiện các nghiệp vụ tín dụng còn có phòng Quản lý nợ thực hiện công tác theo dõi, xử lý nợ riêng. VCB HP có thể áp dụng mô hình tổ chức này cho hoạt động tín dụng của mình.

3.2.4. Điều chỉnh chính sách tín dụng theo hướng quan tâm phát triển tín dụng đối với DNNVV.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động tín dụng đối với DNNVV tại VCB HP giai đoạn 2006-2010 như đã phân tích ở trên là do chính sách tín dụng chỉ tập trung tài trợ vốn cho một số khách hàng lớn và một số ngành hàng trọng điểm mà chưa quan tâm phát triển hoạt động tín dụng với nhóm khách hàng này. Trong thời gian tới, để tiếp tục mở rộng hoạt động tín dụng trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả tín dụng đối với loại hình doanh nghiệp này, VCB HP cần điều chỉnh chính sách tín dụng của mình theo hướng như sau:

- Đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực cho vay đối với DNNVV.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả cũng như khả năng sinh lời cao nhất trong hoạt động tín dụng đối với DNNVV, ngân hàng cần phải đa dạng hoá các ngành nghề, lĩnh vực cho vay. Không nên tập trung quá nhiều vào một ngành, một lĩnh vực nào đó mà phải trải rộng ra nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau. Đây là biện pháp để ngân hàng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng. Nếu giả sử có một món vay ở một ngành hay lĩnh vực này gặp khó khăn thì ngân hàng vẫn còn các khoản tín dụng khác ở các ngành hay lĩnh vực khác có hiệu quả hơn, bù lỗ cho những khoản tín dụng bị rủi ro.

Thực tế thời gian qua VCB HP đã tập trung đầu tư quá nhiều vốn cho hai ngành thép và vận tải biển. Khi hai ngành này gặp khó khăn, bất ổn trong hoạt động kinh doanh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động tín dụng chung của VCB HP. Trong thời gian tới VCB HP nên giảm dần dư nợ đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành này, tăng dư nợ đối với các ngành có tính ổn định hơn như các ngành dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu…

- Đa dạng hoá về sản phẩm dịch vụ, kết hợp sản phẩm tín dụng với các sản phẩm khác của ngân hàng.

Việc áp dụng phương thức cho vay đa dạng, phù hợp đối với mỗi doanh nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo việc thu hồi vốn vay của ngân hàng theo đúng tiến độ. Tuỳ theo nhu cầu

sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng như khả năng kiểm tra, giám sát và thu hồi vốn vay, ngân hàng có thể áp dụng các phương thức cho vay khác nhau. Hiện nay, VCB HP mới chỉ dừng lại ở các sản phẩm tín dụng truyền thống như: cho vay từng lần, cho vay theo hạn mức tín dụng, cho vay theo dự án đầu tư, chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất, cho vay đồng tài trợ… Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng, trong thời gian tới, VCB HP cần đa dạng hoá các sản phẩm tín dụng của mình như sau:

+ Cho vay đối với các đơn vị xây dựng căn cứ vào các biên bản nghiệm thu công trình từng giai đoạn và có văn bản cam kết thanh toán với ngân hàng của chủ đầu tư trong một thời gian nhất định.

+ Cho vay đảm bảo bằng các khoản phải thu của những doanh nghiệp có uy tín dựa vào sự hợp tác chặt chẽ của bên mua hàng. Trên cơ sở Bên mua cam kết thanh toán cho Bên bán theo hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Bên bán tại VCB HP. Ngân hàng sẽ cho vay theo một tỷ lệ nhất định so với các khoản phải thu đó của khách hàng.

+ Cho vay dưới hình thức bảo lãnh của bên thứ ba. Đây là một biện pháp mà các DNNVV không có đủ tài sản đảm bảo cho khoản vay. Khi áp dụng hình thức này ngân hàng yêu cầu bên bảo lãnh phải ký hợp đồng bảo lãnh với ngân hàng. Việc áp dụng hình thức cấp tín dụng này có độ rủi ro thấp, phù hợp với các DNNVV nên ngân hàng cần triển khai áp dụng và đẩy mạnh hình thức cho vay này để vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa tăng thu nhập và nâng cao hiệu quả tín dụng cho ngân hàng.

Mặt khác, VCB HP cần kết hợp sản phẩm tín dụng với các sản phẩm tiện ích khác trong lĩnh vực huy động vốn, tài trợ thương mại, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử để hình thành các sản phẩm trọn gói cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khác.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao hiệu quả tín dụng đối với DNNVV tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng (Trang 87)