2.3.2.1. Hạn chế:
Với kết quả đạt được, ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà được đánh giá là đơn vị có hoạt động cho vay KHCN dễ tiếp cận, hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên kết quả đó vẫn chưa tương xứng với vị thế của mình, nhất là hoạt động trên địa bàn Hà Nội, vốn là một thị trường tiềm năng và có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng mạng lưới và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Một là, dư nợ cho vay KHCN của ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường và vị thế của mình.
Hoạt động tên địa bàn Hà Nội- trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước và là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động cho vay KHCN phát triển, tuy vậy dư nợ cho vay KHCN của ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà chưa thực sự lớn. Điều này thể hiện qua doanh số dự nợ cho vay KHCN còn chưa cao, so với các chi nhánh khác thì con số này còn khá khiêm tốn, trong khi đó đây lại là hoạt động mang lại phần lớn thu nhập cho chi nhánh.
Hai là, quy mô trung bình của mỗi khoản cho vay KHCN còn nhỏ:
Như đã trình bày về đặc điểm của hoạt động cho vay KHCN là quy mô của mỗi khoản vay nhỏ hơn nhiều so với cho vay KHDN. Tai ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà, tuy tổng quy mô cho vay KHCN đều tăng lên qua các năm nhưng quy mô trung bình
của mỗi khoản vay vẫn nhỏ hơn so với quy mô trung bình mỗi khoản vay của toàn hệ thống. Đa số khách hàng vay với mục đích tiêu dùng và mục đích cư trú, số lượng các khoản cho vay với mục đích sản xuất kinh doanh còn tương đối ít. Mặt khác, Trưởng phòng giao dịch bị giới hạn về hạn mức phán quyết tín dụng nên cũng là một nhân tố làm hạn chế quy mô trung bình của mỗi khoản cho vay KHCN tại đơn vị.
2.3.2.2. Nguyên nhân: a. nguyên nhân chủ quan:
Một là, chính sách cho vay của ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà chưa thông thoáng:
Ngân hàng Bắc Á luôn được đánh giá là ngân hàng có hoạt động kinh doanh ổn đinh, hiệu quả và an toàn, do vậy chính sách tín dụng của ngân hàng khá chặt chẽ và thận trọng. Thời gian qua với việc áp dụng chính sách cho vay như vậy, tuy giúp ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà quản lý tốt được danh mục cho vay, đảm bảo được an toàn hoạt động cho vay nhưng nó cũng làm cho chi nhánh Thái Hà mất nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng cho vay KHCN. Chẳng hạn đối với hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp tỷ lệ nợ vay/ tổng tài sản cá nhân không vượt quá 50%...
Hai là, Danh mục sản phẩm cho vay chưa nhiều và chưa có sự khác biệt:
Danh mục sản phẩm cho vay KHCN của ngân hàng Bắc Á vẫn còn chưa nhiều, thậm chí là nghèo nàn so với một số ngân hàng bạn nói riêng và so với các ngân hàng bán lẻ trên thế giới nói chung.
Hiện nay, danh mục sản phẩm cho vay KHCN của ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà mới chỉ có khoảng 10 sản phẩm, trong đó chưa có bất cứ một sản phẩm cho vay đầu tư chứng khoán hay cho vay đầu tư vàng, đầu tư bất động sản - những lĩnh vực kinh doanh đang rất nóng trong mấy năm trở lại đây. Trong khi đó các ngân hàng bạn cũng phát triển theo định hướng ngân hàng bán lẻ như HSBC, Citybank, ACB, BIDV… có danh mục sản phẩm cho vay KHCN có khoảng 20 sản phẩm khác nhau.
Mặt khác, dù số lượng sản phẩm không nhiều nhưng các sản phẩm của ngân hàng Bắc Á- chi nhánh Thái Hà cũng chưa có sự khác biệt rõ ràng, và cũng chưa hình thành nên sản phẩm và đối tác chiên lược, tạo ra thế mạnh để cạnh tranh với các ngân hàng khác.
Ba là, cán bộ tín dụng được phân bổ chưa đồng đều
Với thuận lợi là đa phần các cán bộ tín dụng của Chi nhánh đều được đào tạo vững vàng về kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ nên đội ngũ cán bộ này có những đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cho vay nói chung và KHCN nói riêng. Tuy nhiên các cán bộ tín dụng lại phân bổ chưa đồng đều, đa phần cán bộ tín dụng có kinh nghiệm tổng hợp lại tập trung ở chi nhánh. Do đó cán bộ tín dụng tại các phòng giao dịch thường gặp khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế và phải giải quyết một khối lượng công việc lớn, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến khâu kiểm soát trong và sau quá trình cho vay và thu nợ, do đó những thiếu sót là khó tránh khỏi.
Bốn là, chưa khai thác tốt lợi thế của công nghệ ngân hàng:
Ngân hàng Bắc Á đã đầu tư phần mềm Core Banking hiện đại tiêu chuẩn Quốc tế ngay khi được chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm trở thành ngân hàng có công nghệ cao trong thời gian ngắn nhất. Phần mềm lõi Core Banking (hay còn gọi là chương trình Ngân hàng lõi) là mục tiêu hướng tới của các ngân hàng, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của một hệ thống giao dịch tài chính hiện đại, đặc biệt trong vấn đề quản lý rủi ro ở tầm vĩ mô, kiểm soát an toàn, xử lý giao dịch tự động nhanh chóng, đưa ra sản phẩm mới trên thị trường một cách nhanh nhất. Tuy nhiên hoạt động cho vay nói chung và cho vay đối với KHCN tại đơn vị vẫn chưa khai thác được thế mạnh của công nghệ, chưa có nhiều sản phẩm cho vay có sự ứng dụng công nghệ hiện đại nên làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, ngân hàng chưa xây dựng được hệ thống lưu trữ thông tin về khách hàng một cách bài bản, đa số nguồn thông tin ít ỏi về khách hàng đã từng giao dịch với ngân hàng chỉ được lưu giữ lại trên giấy tờ tại các hợp động tín dung.
Hiện tại với mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng thì quy mô của ngân hàng còn khiêm tốn hơn rất nhiều so với các ngân hàng tên tuổi như Vietcombank, BIDV, Agribank, Techcombank hay ACB… Để đưa thương hiệu ngân hàng Bắc Á đến với đông đảo khách hàng thì ban quản trị của ngân hàng đã có nhiều hoạt động marketing nhằm quảng bá hình ảnh của mình ra công chúng. Tuy nhiên hoạt động marketing mới chỉ thực sự được chú trọng và phát triển từ khi ngân hàng Bắc Á cho ra mắt hệ thống nhận diện thương hiệu mới. Hơn nữa do quy mô ngân hàng còn chưa lớn, thời gian hoạt động chưa đủ lâu dài nên thương hiệu Bắc Á chưa thực sự được đông đảo khách hàng biết đến. Đây là một lí do làm cho hoạt động cho vay đối với KHCN nói riêng và hoạt động của ngân hàng nói chung còn chưa thực sự phát triển.
b) Nguyên nhân khách quan: Một là, từ môi trường bên ngoài:
Sự biến động của nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng và sản xuất của người dân trong xã hội. Năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta: nhiều doanh nghiệp phải hoãn các dự án đầu tư; các hoạt động kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ đều giảm sút. Một tác động nữa của cuộc khủng hoảng ở Việt Nam là mức độ việc làm và khả năng tạo ra việc làm, vì các doanh nghiệp phải giảm kế hoạch sản xuất cho phù hợp với mức cầu đang giảm dần trên thế giới và trong nước, nhiều doanh nghiệp hoãn kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất hoặc thậm chí phải đóng cửa dẫn đến thất nghiệp tăng, đời sống người dân giảm sút.Vì vậy hoạt động cho vay KHCN trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong tổng dư nợ cho vay KHCN.
Khủng hoảng kinh tế cũng làm cho giá xăng dầu tăng lên trong năm 2011, mặc dù trong năm cũng có những đợt giảm giá nhưng không đáng kể và thường rất trễ so với thị trường thế giới kéo theo đó là giá cả của các mặt hàng trong nước tăng mạnh. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng trong dân cư là rất lớn nhưng sự thiếu ổn định của nền kinh tế đã gây
tâm lý e ngại cho người dân, họ bắt đầu có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cho vay KHCN.
Hai là, môi trường văn hóa xã hội Hà Nội có sự khác biệt:
Đánh giá một cách tổng quan thì hoạt động cho vay nói chung và hoạt động cho vay KHCN nói riêng của các NHTM tại địa bàn Hà Nội không được phát triển như tại TPHCM. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là yếu tố môi trường và văn hóa xã hội có sự khác biệt đáng kể. Tại Hà Nội, số lượng công chức nhà nước chiểm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số, hoạt động kinh doanh cá thể có quy mô nhỏ do đó do đó nhu cầu về vốn vay chưa lớn và không cao. Dân cư tại Hà Nội có tâm lý “ăn chắc mặc bền”. tiết kiệm luôn cao hơn tiêu dùng, chi tiêu chủ yếu bằng tiền sẵn có và tiền tiết kiệm, không sẵn sàng đi vay ngân hàng để tiêu dùng. Thực tế cho thấy qua các năm, tiền gửi từ dân cư trong hệ thống ngân hàng Hà Nội thường cao hơn tại TPHCM, song dư nợ cho vay lại thấp hơn nhiều. Ngoài ra phải kể đến một yếu tố khiến cho hoạt động của các NHTMCP nói chung và ngân hàng Bắc Á nói riêng gặp khó khăn trên địa bàn Hà Nội là tâm lý chưa tin tưởng vào hệ thống NHTMCP xuất phát từ việc sụp đổ của hệ thống các Quỹ tín dụng Nhân Dân trước đây, và gần đây là sự phá sản của nhiều NHTMCP nhỏ lẻ cũng gây nên tâm lý dè chừng cho người dân. Do đó mà người dân Hà Nội thường tìm đến NHTM Nhà Nước mỗi khi có nhu cầu về sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Ba là, tình trạng thiếu thông tin về khách hàng còn khá phổ biến:
Do KHCN rất đông về số lượng nhưng mỗi cá nhân thường ít thực hiện giao dịch với ngân hàng hơn KHDN rất nhiều. Đồng thời, việc thu thập thông tin về khách hàng phần nhiều là do khách hàng cung cấp. Tuy nhiên, do tâm lý người Việt Nam còn chưa thoáng nên nhiều khách hàng thường không muốn công khai những thông tin cá nhân và tìm cách cung cấp thông tin không trung thực cho ngân hàng. Vì vậy mà tình trạng thiếu thông tin về khách hàng là khá phổ biến ở các NHTM.