Bảng 3.4.4 Thu nhập từ lãi cho vay DNVVN Đơn vị: tỷ đồng
4.1.2. Những tồn tại và nguyên nhân
Mặc dù trong những năm qua đã đạt được những thành tích nhất định nhưng hoạt động cho vay của chi nhánh cũng còn một số những hạn chế cần khắc phục :
Một là : Hiệu quả hoạt động cho vay còn hạn chế. Dư nợ cho vay DNVVN chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ cho vay của chi nhánh: năm 2008, 2009, 2010 tỷ trọng này lần lượt là 16.6%, 21.4% và 22.8%. Trong khi đó dư nợ cho vay DNVVN của hệ thống Vietinbank năm 2008 chiếm tới 36% tổng dư nợ nền kinh tế và Vietinbank coi DNVVN là khách hàng mục tiêu, chủ yếu trong thời gian tới. Qua đó ta thấy cho vay DNVVN chưa thực sự được chi nhánh quan tâm đúng với vai trò là bộ phận khách hàng quan trọng của Vietinbank
Nguyên nhân chính xuất phát từ yếu điểm của chi nhánh ngân hàng:
- Hoạt động marketing tại chi nhánh chưa cao chính vì thế mà chưa thu hút được khách hàng nói chung cũng như DNVVN nói riêng đến với chi nhánh
- Chi nhánh chưa có chính sách tín dụng dành riêng cho đối tượng khách hàng DNVVN, chưa xây dựng quy trình riêng cho vay DNVVN từ đó chưa thu hút được lượng khách hàng này.
- Nguồn nhân lực tại bộ phận cho vay DNVVN ít về số lượng hạn chế về chất lượng mà khối lượng công việc tại bộ phận này lại lớn. Dẫn đến tình trạng số lượng các hồ sơ được giải quyết ít, thời gian giải quyết dài, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng khách hàng xin vay tại chi nhánh.
- Định nghĩa về doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Vietinbank chưa thống nhất và phù hợp giữa các nghị định công văn trong hệ thống ngân hàng. Điều này gây bất tiện lớn cho chi nhánh khi quan hệ tín dụng với các DNVVN thuộc các dự án của
các tổ chức quốc tế, các cơ quan Nhà nước, cũng như quá trình theo dõi thống kê…. của ngân hàng
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan: - Áp lực từ môi trường cạnh tranh: Môi trường cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng ngày càng gay gắt. Chi nhánh không chỉ phải đối mặt với các đối thủ trong nước mà còn phải đối mặt với các ngân hàng nước ngoài. Mà các sản phẩm của ngân hàng lại không có nhiều sự khác biệt do với các ngân hàng đó. Vì vậy mà lượng khách hàng của chi nhánh trong giai đoạn 2008-2010 vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của ngân hàng.
- Năng lực tài chính và năng lực quản lý, đặc biệt là quản lý tài chính doanh nghiệp và kiến thức pháp lý yếu kém gây khó khăn cho DNVVN trong việc đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng
- Kỹ năng lập dự án, thuyết minh phương án kinh doanh chưa cao, rất ít các doanh nghiệp xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, lại không thành thạo trong việc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh đang có trên thị trường như nguồn thông tin cần khai thác,dịch vụ tư vấn…..Điều này đã gây rất nhiều trở ngại cho DNVVN khi đến vay vốn tại ngân hàng.
Hai là : Chất lượng cho vay DNVVN tuy đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng cho vay chung của chi nhánh.
Nguyên nhân của hạn chế này trước hết là do yếu điểm tại chi nhánh:
-Nhân lực tại bộ phận cho vay DNVVN ít về số lượng, hạn chế về chất lượng. Cán bộ tín dụng tại bộ phận này có những trình độ chuyên môn nhất định nhưng kiến thức tổng hợp về các ngành ngân hàng, các ngành trong nền kinh tế chưa cao. Mà với xu thế hiện nay, yêu cầu ngoài việc nắm những hiểu biết chuyên môn của ngành ngân hàng, còn cần phải có những hiểu biết nhất định về những ngành nghề khác cũng như phải am hiểu về luật pháp, nắm vững những quyết định, nghị định do nhà nước ban hành, cũng như là luật pháp quốc tế, có như vậy mới có thể đưa ra những quyết định chính xác và nhạy bén với diễn biến thị trường.
- Thông tin tín dụng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng của ngân hàng. Hiện tại việc thu thập thông tin khách hàng để phục vụ công tác cho vay của Vietinbank cơ bản được lấy từ nguồn hệ thống thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (CIC), từ Trung tâm thông tin tín dụng của Vietinbank (TRR). Các nguồn thông tin này chưa thường xuyên được cập nhật, độ tin cậy thấp. Ngay cả nguồn thông tin về hoạt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu được thu thập qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng bị các doanh nghiệp chỉnh sửa, bóp méo để đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Mà thông tin về doanh nghiệp là cơ sở để đưa ra các quyết định của cán bộ ngân hàng từ khâu thẩm định khách hàng vay vốn, thẩm định rủi ro tín dụng đến việc ra quyết định tín dụng, và cũng là yếu tố quan trọng giúp các nhà quản lý tín dụng đưa ra quyết định đúng đắn, kịp thời. Do đó thông tin không chính xác, kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng các khoản vay.
- Chất lượng công tác thẩm định của ngân hàng còn chưa cao. Do thói quen khi khách hàng đã có tài sản đảm bảo cho khoản vay thì khả năng thu hồi vốn vay là lớn, điều này khiến cho việc thẩm định các dự án, phương án vay không được chú trọng, ngân hàng chưa thực sự phản ánh được liệu một dự án kinh doanh có khả thi hay không.
Nguyên nhân của hạn chế trên còn do các thách thức bên ngoài gây ra, cụ thể: - Thách thức từ môi trường pháp luật: Hiện nay môi trường pháp lý cho ngân hàng còn nhiều vấn đề tranh cãi, nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất và xử lý tài sản thế chấp, giải tỏa các khoản nợ khó đòi của ngân hàng chính điều này tạo kẽ hở để khách hàng vay vốn ngân hàng chây ỳ không chịu trả nợ ngân hàng khi kinh doanh gặp rủi ro. Bên cạnh đó nước ta lại thiếu chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động của các DNVVN chính vì thế mà các doanh nghiệp này phát triển tràn lan về số lượng nhưng hoạt động lại không hiệu quả và xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp lừa đảo, làm ăn phi pháp. Từ đó tác động tiêu cực đến khả năng thu hồi vốn tại các NHTM. Một trong những thách thức phát sinh từ môi trường pháp luật là việc thay đổi các công cụ điều hành một cách chóng
mặt của NHNN trong giai đoạn vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động cho vay của các NHTM nói chung và chi nhánh Tây Hà Nội nói riêng.
- Thách thức từ môi trường kinh tế: Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, giá cả một số mặt hàng thiết yếu của cuộc sống liên tục tăng như giá xăng dầu, giá điện, nước, giá một số mặt hàng thực phẩm cũng tăng mạnh khiến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các yếu tố trên. Chính vì thế ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp làm cho rủi ro trong cho vay của ngân hàng tăng lên. Biến động lớn trên thị trường tiền tệ, những thay đổi thất thường của lãi suất, lạm phát liên tục tăng trong những năm qua cũng gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Xuất phát từ phía DNVVN: Do bản thân doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, khiến chi nhánh ngân hàng không thể thu hồi nợ. Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, lừa đảo, thành lập với mục đích chiếm dụng vốn ngân hàng bằng nhiều chiêu thức khác nhau mà chi nhánh không lường được.