Thực tiễn sinh hoạt đạo đức khiến con người không thể không đặt ra
câu hỏi “tại sao con người phải hành xử đạo đức?”. Có thể nói, đây là một
trong những vấn đề cơ bản và quan trọng đối với lý thuyết đạo đức. Xét về mặt lý thuyết, nếu nhà lý luận không lý giải được câu hỏi trên thì cả hệ thống lý luận của họ sẽ không có tính thuyết phục. Xét về mặt thực tiễn, nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi “tại sao con người phải hành xử đạo đức?” thì mọi hành vi đạo đức sẽ trở nên vô nghĩa và không còn cơ sở để tồn tại. Một hành vi chỉ thực sự có giá trị đạo đức khi hành vi đó không chỉ đảm bảo đầy đủ những yêu cầu về bản chất mà còn phải xuất phát từ mục đích đúng đắn.
Đó cũng chính là lý do khiến Arixtốt và Kant đã dành nhiều tâm sức cho vấn đề mục đích của hành vi đạo đức khi xây dựng những quan niệm của mình. Vậy, họ đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Thứ nhất, chúng ta sẽ xem xét quan niệm của Arixtốt và Kant về cách
đặt vấn đề mục đích của hành vi đạo đức. Để làm rõ vấn đề này, một lần nữa chúng ta xem xét lại lôgíc triển khai hệ thống của hai triết gia. Đạo đức học của
Arixtốt bắt đầu từ việc xác định “Mục đích của cuộc đời mỗi con người?”, từ đó xác định “Làm thế nào để đạt được mục đích đó?”. Còn đạo đức học Kant lại bắt đầu từ việc xác định “Tôi cần phải làm cái gì?”, từ đó xác định “Tôi có
thể hy vọng điều gì?”. Cách triển khai hệ thống của hai triết gia thể hiện sự
khác biệt cơ bản trong quan niệm của họ về mục đích của hành vi đạo đức.
Trong hệ thống quan niệm đạo đức của Arixtốt, vấn đề mục đích của hành vi đạo đức được đặt lên hàng đầu. Việc giải quyết vấn đề trên sẽ quy định việc giải quyết các vấn đề còn lại của hệ thống. Theo ông, hạnh phúc với tư cách là cái Thiện tối cao là mục đích của hành vi đạo đức, cũng là mục đích tối cao của cuộc đời con người. Nhiệm vụ của mỗi người là phải hành động theo những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức nhằm đạt được mục đích tối cao ấy. Như vậy, hạnh phúc không chỉ là mục đích, đối tượng mà còn là động cơ của hành vi đạo đức. Như vậy, tính mục đích là một đặc điểm nổi bật được thể hiện rất rõ ràng và sâu sắc trong đạo đức học của Arixtốt. Ngược lại, Kant không cho phép đặt mục đích của hành vi lên hàng đầu mà nó chỉ được ý thức sau khi con người ý thức đầy đủ về nghĩa vụ đạo đức. Theo ông, cái Thiện tối cao là mục đích của đời người, cũng là mục đích của hành vi đạo đức. Ông viết: “(…) sự Thiện tối cao - là mục đích tối cao và tất yếu của một ý chí được xác định một cách luân lý - là một đối tượng đích thực của lý tính thực hành” [23; 211]. Tuy nhiên, Kant không nhấn mạnh cái Thiện tối cao với ý nghĩa là
mục đích mà nhấn mạnh nó với ý nghĩa là niềm hy vọng, là lý tưởng mà cuộc đời mỗi người.
Như vậy, qua cách triển khai hệ thống của Arixtốt và Kant, có thể thấy, hai triết gia đều thống nhất với nhau rằng, cái Thiện tối cao là mục đích, lý tưởng và niềm hy vọng của đời người hay của hành vi đạo đức. Tuy nhiên, nếu như Arixtốt nhấn mạnh tính mục đích của hành vi đạo đức thì Kant tiếp cận mục đích của hành vi đạo đức với ý nghĩa là lý tưởng, là niềm hy vọng của cuộc đời. Đó là sự khác biệt đầu tiên trong cách tiếp cận của Arixtốt và Kant về vấn đề mục đích của hành vi đạo đức.
Thứ hai, cách giải quyết của Arixtốt và Kant đối với vấn đề mục đích
của hành vi đạo đức còn được thể hiện trong quan niệm của họ về bản chất của cái Thiện tối cao. Mặc dù hai nhà triết học đều thống nhất với nhau rằng, cái Thiện tối cao là mục đích, lý tưởng và niềm hy vọng của mỗi người trong cuộc đời mình, nhưng họ lại đưa ra những quan niệm rất khác nhau về bản chất của cái Thiện tối cao.
Trong đạo đức học của mình, Arixtốt cho rằng, tồn tại vô vàn những điều Thiện và cái Thiện tối cao là cái đáng ao ước nhất trong thế giới những điều Thiện đó. Ông định nghĩa về điều Thiện như sau: “Nghệ thuật nào và cuộc sưu cầu nào, cũng như những hành động nào và sự Thảo luận nào có suy nghĩ cũng đều hướng về điều thiện. Vì vậy người ta hoàn toàn có lý khi định nghĩa điều thiện là cái gì khiến, trong mọi trường hợp, người ta hướng về đấy” [1; 21]. Như vậy, theo cách định nghĩa của Arixtốt thì điều Thiện là điều mà người ta luôn hướng tới trong mọi suy nghĩ và hành động của con người hay nó chính mục đích của suy nghĩ và hoạt động con người.
Arixtốt cho rằng, vì cuộc sống chứa đựng trong nó quá nhiều những hoạt động phong phú và phức tạp nên những điều Thiện cũng vô cùng phong
phú. Ông viết: “Vì có những hành vi, những nghệ thuật và những khoa học phức tạp, nên có những cứu cánh phức tạp: sức khỏe là cứu cánh của y khoa; chiếc tàu thủy, cứu cánh của kỹ nghệ đóng tàu; sự thắng trận, cứu cánh của chiến lược; tài sản, cứu cánh của kinh tế học” [1; 22]. Triết gia của chúng ta cũng chỉ ra rằng, khoa học, nghệ thuật cũng như những hoạt động của con người có thể chia thành nhiều cấp độ khác nhau nên những điều Thiện cũng được chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Như ông nói: “Tất cả những nghệ thuật và những môn học riêng biệt ấy đều phụ thuộc một khoa học chủ yếu; thí dụ như sự chế tạo hàm thiếc ngựa và tất cả đồ nhu yếu của kỵ binh đều phụ thuộc kỵ thuật học; những nghệ thuật ấy, cũng như tất cả hành động về chiến tranh đều phụ thuộc môn quân sự học; những môn học khác cũng vậy, cũng đều phụ thuộc. Như vậy, cứu cánh của tất cả các môn kiến trúc quan trọng hơn cứu cánh của những môn học phụ thuộc” [1; 22]. Như vậy, điều Thiện đa dạng, phong phú và có thể phân chia thành nhiều cấp độ phức tạp.
Arixtốt cũng chỉ ra rằng, mỗi con người “như ta thấy rõ, quan niệm điều Thiện và hạnh phúc theo chính cuộc đời của họ” [1; 28]. “Quần chúng và những người thô tục để hạnh phúc trong khoái lạc; cho nên họ biểu lộ sở thích về một cuộc đời toàn hưởng lạc. Thật sự có ba cách sống thượng đẳng rõ ràng: cách sống mà chúng ta vừa mới nói tới; cách sống với cứu cánh là hoạt động chính trị; cách sống với cứu cánh là sự chiêm ngưỡng” [1; 28]. Như vậy, điều Thiện phong phú không chỉ bởi sự tự phân chia trong chính bản thân nó mà còn do quan niệm của mỗi người. Mỗi cá nhân lại có cách quan niệm riêng về điều Thiện và hạnh phúc, thậm chí trong từng hoàn cảnh người ta lại có quan niệm khác nhau.
Tuy điều Thiện phong phú như vậy, những theo Arixtốt, có thể quy chúng thành hai loại: điều Thiện tự thân và điều Thiện tương đối. Ông viết: “Vậy rõ ràng là người ta có thể phân biệt hai loại điều thiện, những điều thiện
tại thân và những điều thiện chỉ là điều thiện một cách tương đối với những điều thiện trên” [1; 31]. Điều Thiện tự thân là điều Thiện mà người ta theo đuổi vì chính bản thân nó chứ không vì mục đích nào khác. Ngược lại, những điều Thiện tương đối là những điều Thiện ta theo đuổi nó hoàn toàn vì một mục đích khác, vì một điều Thiện khác. Arixtốt cho rằng, điều Thiện tự thân: “Hình như rõ ràng đó là tính chất của hạnh phúc. Bởi vì chúng ta luôn luôn theo đuổi hạnh phúc vị thân, chứ không bao giờ vì một lý do khác. Về danh vọng, lạc thú và tài năng đủ loại, chúng ta không mãn nguyện ở chỗ đạt đích những điều thiện ấy, nếu những điều ấy không có hậu quả mà chúng ta vẫn ao ước không kém - chúng ta theo đuổi nó để nhằm hạnh phúc, vì tưởng rằng nhờ nó mà đạt được hạnh phúc. Nhưng không ai ao ước hạnh phúc vì những lợi ích mà chúng ta vừa chỉ định, nói tóm lại, vì một chút gì ngoài hạnh phúc. Có nhiên hạnh phúc có tính chất ấy vì nó hoàn toàn tự túc” [1; 35]. Như vậy, điều Thiện tự thân chính là hạnh phúc và nó cũng chính là điều Thiện tối cao mà loài người luôn ao ước có được.
Đó là cách mà Arixtốt quan niệm về cái Thiện tối cao với tư cách là mục đích của toàn bộ đời sống đạo đức của con người. Kant cũng đồng ý với Arixtốt rằng, cái Thiện tối cao là điều đáng ao ước nhất trong số vô vàn những điều Thiện khác. Tuy nhiên, Kant đã giải quyết vấn đề này theo một cách hoàn toàn khác với triết gia thời cổ đại.
Trước hết, Kant chỉ ra hạn chế của người Hy Lạp trong quan niệm về cái Thiện và cái Ác. Ông cho rằng: “Một công thức cổ xưa của các trường phái [cổ đại] là: “nihil appetimus, nisi sub ratione boni, nihil aversamur, nisi sub ratione mali” [latinh: “ta chỉ ham muốn điều gì thuộc về khái niệm cái Tốt; ta xa lánh điều gì thuộc về khái niệm cái Xấu”] và công thức này thường được người ta sử dụng một cách đúng đắn, nhưng cũng thường rất bất tiện đối với triết học, vì các thuật ngữ “boni” (tốt) và “mali” (xấu), do sự nghèo nàn
của ngôn ngữ, có một tính hàm hồ mà kết quả là chúng có khả năng mang đến hai nghĩa nên đã đẩy các quy luật thực hành vào tính nước đôi” [23; 109]. Sự nghèo nàn về ngôn ngữ đã khiến các triết gia Hy Lạp cổ đại không thể phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa cái Tốt và cái Thiện, giữa cái Xấu và cái Ác. Tốt và Thiện đều được quy về thuật ngữ “bonum”, cái Ác và xấu đều được diễn đạt bởi chữ “malum”. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều mệnh đề đạo đức đã không được diễn đạt một cách chuẩn xác. Ngôn ngữ của người Đức giúp Kant phân biệt rõ ràng giữa các khái niệm Thiện và Tốt, Ác và Xấu. Theo Kant, chỉ duy có điều Thiện và điều Ác mới là đối tượng của đạo đức học chứ không phải là cái Tốt và cái Xấu. Chính ở đây, Kant khẳng định sự khác biệt về mặt đối tượng trong đạo đức học của ông và đạo đức học của Arixtốt cũng như nhiều triết gia Hy Lạp cổ đại khác. Phạm vi đối tượng của đạo đức học của ông hẹp hơn nhiều so với các triết gia cổ đại.
Kant định nghĩa về khái niệm Thiện và Ác như sau: “Cái ta gọi là Thiện phải là một đối tượng của quan năng ham muốn trong sự phán đoán của bất kỳ con người có lý tính nào; và cái Ác là đối tượng của sự xa lánh trong mắt của mọi người” [23; 111]. Nhưng theo ông, “khái niệm về Thiện, Ác không thể được quy định trước quy luật luân lý (như thể nó phải là cơ sở cho quy luật), trái lại, chỉ được quy định sau quy luật và nhờ quy luật” [23; 114]. Như vậy, theo Kant, cái Thiện và cái Ác hoàn toàn khác với cái Tốt và cái Xấu chính ở chỗ, cái Tốt và cái Xấu là cơ sở quy định đầu trước đối với quy luật đạo đức và hành vi đạo đức, ngược lại, quy luật luân lý lại là cơ sở quy định đối với cái Thiện và cái Ác.
Trong số rất nhiều những điều Thiện được xác định bởi khái niệm trên đây, Kant đặc biệt chú ý đến cái Thiện cao nhất và cái Thiện tối cao. Cái Thiện cao nhất và cái Thiện tối cao hay cái Thiện tuyệt đối không phải là một. Đó là hai khái niệm với nội hàm hoàn toàn khác nhau. Điều Thiện cao nhất
chính là đức hạnh, nó là sự vươn lên không ngừng nghỉ để đạt tới sự hoàn thiện về mặt đạo đức. Khái niệm cái Thiện tối cao hay cái Thiện tuyệt đối có nội hàm hoàn toàn khác. Kant định nghĩa về nó như sau: “sự Thiện tối cao được quan niệm như là một cái toàn bộ, trong đó hạnh phúc tối đa được hình dung như là được kết hợp trong tỷ lệ chính xác nhất với độ cao nhất của sự hoàn hảo luân lý” [23; 229]. Như vậy, theo Kant, cái Thiện tối cao không phải là hạnh phúc và cũng không phải là đức hạnh giống như quan niệm của Arixtốt hay như quan niệm của nhiều nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Cái Thiện tối cao chính là sự kết nối tất yếu của hai yếu tố: đức hạnh và hạnh phúc.Trong đó, mức độ hoàn hảo của đức hạnh sẽ quy định mức độ hạnh phúc mà con người đạt được. Và như vậy, cái Thiện cao nhất chỉ là một phần của cái Thiện tối cao.
Tuy nhiên, trong khái niệm cái Thiện tối cao, đức hạnh và hạnh phúc có vai trò và vị trí khác nhau. Kant viết về điều này như sau: “Ngược lại, kết luận thứ hai là: những nguyên tắc của việc theo đuổi hạnh phúc tuyệt nhiên không thể tạo ra luân lý; vì thế, luân lý là cái Tốt cao nhất (như là điều kiện đầu tiên của sự Thiện tối cao), trong khi hạnh phúc chỉ tạo nên yếu tố thứ hai [hay hạng nhì] của sự Thiện tối cao, theo nghĩa là kết quả tất yếu và có điều kiện về mặt luân lý của cái trước” [23; 216]. Như vậy, nếu như với Arixtốt, hạnh phúc là cái Thiện tối cao thì với Kant, sự kết nối tất yếu giữa đức hạnh và hạnh phúc mới là nội hàm của khái niệm này. Nếu như với Arixtốt, hạnh phúc được xem là điều quan trọng nhất thì với Kant, hạnh phúc chỉ có vị trí hạng nhì và đức hạnh mới là yếu tố hạng nhất. Đó là những khác biệt cơ bản trong quan niệm của hai nhà triết học về cái Thiện và cái Thiện tối cao.
Thứ ba, để làm rõ quan niệm của Arixtốt và Kant về mục đích của hành
vi đạo đức, cũng như về bản chất của cái Thiện tối cao, chúng ta cần phải làm rõ quan niệm của họ về hạnh phúc.
Hạnh phúc với tư cách là một phạm trù quan trọng hàng đầu của đạo đức học đã luôn khiến các nhà triết học trăn trở. Không thể phủ nhận rằng, hạnh phúc là một khái niệm thường nghiệm, mỗi con người lại có một quan niệm khác nhau về phạm trù này. Cho đến nay, giới triết học đã không thể đi đến một quan niệm chung, thống nhất về phạm trù hạnh phúc. Arixtốt và Kant cũng đưa ra những quan niệm rất khác nhau phạm trù này.
Arixtốt đã tiếp cận với phạm trù hạnh phúc bằng một phương pháp riêng. Phương pháp của Arixtốt là đi từ việc xem xét những quan niệm thường nghiệm về hạnh phúc, trên cơ sở đó, ông rút ra những thuộc tính cơ bản nhất của phạm trù này. Quan niệm này hoàn toàn khác với Platôn - người thầy đáng kính của ông, đã đặt ra nguyên tắc ngay từ đầu. Ông nói về điều này như sau: “Chúng ta đừng quên sự sai biệt giữa những lý luận đi từ nguyên tắc và những lý luận có khuynh hướng đặt ra nguyên tắc một cách hợp lý. Về điểm này, chính Platôn cũng lúng túng - một cách hợp lý - và ông tìm cách chỉ rõ phương pháp lý luận đi từ nguyên tắc” [1; 26]. Xuất phát từ quan niệm đó, Arixtốt đã bắt đầu khảo sát những quan niệm thường nghiệm về hạnh phúc trước khi rút ra thuộc tính phổ quát của nó.
Arixtốt cho rằng, trong đời sống hàng ngày, mỗi người lại có những quan niệm riêng về hạnh phúc và thậm chí trong từng bối cảnh cụ thể người ta lại đưa ra những quan niệm rất khác nhau. Ông viết: “Quần chúng, hiển nhiên không khác nô lệ một chút nào, lựa chọn một cuộc đời đầy thú tính và viện dẫn các gương nhà cầm quyền chỉ sống một cuộc đời chơi bời dâm dật” [1;