Nhóm ẩn dụ nói về thế sự

Một phần của tài liệu Đặc điểm của ẩn dụ trong tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (Trang 73)

6. Bố cục của luận văn

3.2.2.Nhóm ẩn dụ nói về thế sự

Trong “Quốc âm thi tập” những bài thơ nói về thế sự là những bài thơ chất chứa nhiều tâm sự của Nguyễn Trãi. Qua những bài thơ này Nguyễn Trãi muốn bộc bạch nỗi lòng của mình cũng như gửi gắm những suy nghĩ, những khuyên răn của mình đến với người đời.

Nguyễn Trãi là công thần khai quốc của nhà Hậu Lê. Thế nhưng con đường làm quan của ông lại gập ghềnh trắc trở. Trải qua nhiều sóng gió, nhiều gian truân trên quan lộ, Nguyễn Trãi thấm hiểu được những triết lý nhân sinh sâu sắc của cuộc đời. Những triết lý nhân sinh ấy được ông gửi gắm trong thơ qua những ẩn dụ vô cùng sống động.

Người ta thường nói điểu tận cung tàng, ý nói khi đã hết thời, hết giá trị sử dụng thì những người có công sẽ bị ruồng bỏ. Câu này đã vận vào cuộc đời Nguyễn Trãi. Sau khi giúp Lê Lợi lên ngôi vua, do lập được nhiều chiến công nên ông bị nghi kị và không còn được trọng dụng. Thấm thía sự

đối xử bất công này cũng như nhìn rõ được sự đời, trong bài thứ 40 phần

Trần tình ông đã viết :

Chim đến cây cao, chim nghỉ đỗ, Quạt hay thu lạnh, quạt sơ thu.

Nguyễn Trãi đã mượn hình ảnh của loài chim và hình ảnh quạt để khuyên con người ta phải biết điểm dừng khi đã công thành danh toại ( chim đến cây cao ), và phải biết khi thời thế thay đổi ( quạt hay thu lạnh ) thì sẽ không còn được trọng dụng nữa.

Cũng với phương thức nhân hóa, hai câu thơ sau đã cho người đọc thấy được sự luân chuyển hai thái cực thịnh/suy :

Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa, Nước chứa cho đầy, đầy ắt vơi.

( bài thứ 85 )

Hoa càng phô vẻ đẹp rực rỡ của mình với đời bao nhiêu thì lại càng chóng tàn bấy nhiêu. Nước chứa trong bình càng đầy bao nhiêu thì lại càng dễ trào ra mà bị vơi đi bấy nhiêu. Từ thực tế đó, Nguyễn Trãi đã mượn hình ảnh hoa và hình ảnh nước để nêu lên sự chuyển vần giữa thịnh và suy: một bên là vẻ rực rỡ//đầy ăm ắp – thịnh với một bên là sự tàn úa//vơi đi – suy của hoa và nước.

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, ít có bậc công thần khai quốc nào phải chịu nhiều oan trái như Nguyễn Trãi. Ông là công thần bậc nhất triều Hậu Lê nhưng ông cũng lại là một trong những người bị Lê Lợi nghi kị nhiều nhất. Nỗi oan khiên ấy ông không có cơ hội bộc bạch trực tiếp, chỉ còn cách gửi gắm nỗi niềm của mình vào trong thơ. Bởi thế nên trong

Quốc âm thi tập có quá nhiều những vần thơ chất chứa nỗi lòng của thi nhân. Tâm sự ấy được ông giãi bày một cách tinh tế và tài tình trong.

Nguyễn Trãi, hơn ai hết, là người đã trải qua nhiều khó khăn trên bước đường làm quan. Ông luôn bị những kẻ tiêu nhân tìm mọi cách để hãm hại. Trong chốn quan trường ngột ngạt ấy ông vẫn giữ vững được tiết khí của mình. Với ông, con người ta dù trong hoàn cảnh khốn khó nào cũng phải giữ được mình trong sạch, không để bị tha hóa :

Thế sự dầu ai hay buộc bện,

Sen nào có bén trong lầm.

( bài thứ 70 )

Sen là loài hoa biểu tượng cho sự thanh cao, trong sạch, bởi hoa sen dù sinh trưởng trong môi trường bùn lầy nhơ nhuốc nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thanh cao, vẫn giữ được hương thơm trong sạch. Hình ảnh bông sen mọc trong bùn cũng giống như hình ảnh của con người phải sống trong môi trường đầy dãy sự gian hiểm, lọc lừa, dối trá mà vẫn giữ được khí tiết, phẩm chất của mình. Ẩn dụ này khiến ta liên tưởng đến bài ca dao :

Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Nhị vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Nguyễn Trãi cảm thấy đau xót khi người cùng triều, cùng nước với nhau lại hại lẫn nhau. Từ thực tế ấy, Nguyễn Trãi đã mượn hình ảnh lá trên cành và cành trên cây xây dựng nên ẩn dụ trong bài thứ 142 và 145 để nhắc nhở người đời dù có thế nào đi nữa thì cũng là người chung một nước, chung một cội nguồn, cùng nghĩa đồng bào :

Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền,

Cành bắc cành nam một cỗi nên. ( bài thứ 142 )

Có tông có tộc mựa sơ thay,

Vạn diệp thiên chi bởi một cây. ( bài thứ 145 )

Trong tiếng Việt, khi muốn thể hiện những sự vật, hiện tượng hay đối tượng nào đó cùng chung nguồn gốc chúng ta thường dùng những bộ phận của cây như gốc, rễ để làm hình ảnh ẩn dụ. Phương thức này được thể hiện rất rõ rệt và sinh động ở hai ẩn dụ trên. Cành bắc cành nam được dùng để ẩn dụ cho người người ở những vùng miền khác nhau, nhưng dù sống ở những khu vực khác nhau thì họ cũng như những cành trên cây cùng chung một nguồn gốc – cỗi, hay cùng chung một nước.

Ở ẩn dụ trong bài 145 với kết cấu Hán - Việt vạn diệp thiên chi ( vạn lá nghìn cành ) trong câu thơ “ Vạn diệp thiên chi bởi một cây ” đem lại cho ta ấn tượng mạnh về số lượng cành, lá (được dùng để ẩn dụ cho người). Thông thường, để thể hiện số lượng nhiều của sự vật, hiện tượng, trong tiếng Việt người ta dùng những tổ hợp như ba A bảy B, năm A bảy B. Trong những trường hợp này số đếm ba – bảy hay năm – bảy không dùng để chỉ số lượng cụ thể mà dùng để chỉ số lượng lớn, có tính ước chừng. Chẳng hạn như : ba chìm bảy nổi, năm tao bảy tiết, năm lần bảy lượt, ba lần bảy lượt, ba dây bảy mối … Còn trong kết cấu Hán - Việt vạn diệp thiên chi bản thân những từ vạn/chục nghìnthiên/nghìn đã là những số đếm lớn, khi kết hợp lại với nhau để thành kết cấu vạn A thiên B thì rõ ràng chúng biểu thị số lượng vô cùng lớn. Sự đối lập giữa vạn – thiên của cành của lá với một của

cây càng nhấn mạnh hơn nội dung mà câu thơ truyền tải: hàng ngàn hàng vạn người trong một nước dù khác họ khác miền thì vẫn chung nguồn cội. Kết cấu Hán - Việt dùng để chỉ số lượng lớn như trên còn có thể thấy trong một số tác phẩm thơ văn trước thế kỷ 19, như Truyện Kiều ở câu 2204 :

Một lời đã biết đến ta,

Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.

Vì những lẽ trên, Nguyễn Trãi tự răn mình nhưng cũng là khuyên người đời chớ có cậy sức cậy tài. Con người ta ở đời khi nắm quyền thế trong tay thì chớ có cậy quyền cậy thế mà chèn ép kẻ dưới, bởi khi đã hết thời thì ngay cả đến những kẻ xưa nay vốn thấp kém hơn mình cũng có thể áp đảo được mình. Đây là cũng là một bài học nữa về cách đối nhân xử thế mà Nguyễn Trãi gửi gắm trong thơ: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Làm người mựa cậy chi quyền thế, Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe.

( bài thứ 44 )

Nguyễn Trãi đã mượn cách chơi cờ để nói lên quan điểm nhân sinh của mình. Việc sử dụng hình ảnh nhân hóa tốt đuổi xe đã đem lại hiệu quả tạo hình cao cho câu thơ. Quân tốt xưa nay vốn là quân yếu nhất trong các quân cờ, nhưng khi thế cục thay đổi, nó lại có thể lấn át được những quân cờ mạnh hơn nó, mà ở đây là quân xe.

Cuộc sống trần tục với bao mối quan hệ phức tạp đan xen với nhau được Nguyễn Trãi miêu tả rất tinh tế :

Náu về quê cũ bấy nhiêu xuân,

Ngại ở nhân gian lưới trần,

Thì nằm thôn dã miễn yên thân. ( bài thứ 60 )

Lưới trần là một kết cấu ẩn dụ sáng tạo, đặc sắc. Trong văn học cổ chúng ta thường thấy các cụm từ lưới trời (thiên võng) hay lưới trời lưới đất

(thiên la địa võng). Lưới là vật dụng có các sợi dây được đan lại với nhau bằng nhiều nút thắt. Sự đan xen với nhau của các nút thắt trong tấm lưới cũng giống như những mối quan hệ trong xã hội giữa con người với con người. Còn yếu tố trần được lấy từ điển tích bụi trần (hồng trần). Bụi trần

thường được dùng để chỉ cõi trần gian bụi bặm, và cũng có thể được dùng để chỉ những phiền muộn mà cuộc sống mang lại cho con người ta. Nếu hiểu

trần là cách nói rút gọn của trần gian thì câu thơ “ngại ở nhân gian lưới trần” sẽ bị lặp ý do nhân gian hay trần gian cùng để chỉ một đối tượng mà thôi. Hơn nữa, hiểu trần là yếu tố trong bụi trần mới hợp với ý thơ ở câu sau “ Thì nằm thôn dã miễn yên thân ”. Nguyễn Trãi đã lấy nét nghĩa những phiền muộn mà cuộc đời mang lại cho con người ta của bụi trần và hình ảnh các nút thắt, các mắt lưới đan xen chằng chịt với nhau giống như các mối quan hệ của con người trong xã hội để hình thành nên kết cấu lưới trần. Như vậy lưới trần được dùng để ẩn dụ cho các mối quan hệ xã hội phức tạp với những phiền muộn mà nó mang lại cho con người.

Nguyễn Trãi là một thi nhân tài hoa có tâm hồn thanh cao, nhưng ông lại phải sống trong cảnh đua tranh chen lấn của chốn hồng trần. Bởi thế cho nên lòng ông luôn hướng đến cảnh thanh nhàn. Trong ông đã hình thành thái độ sống lạnh nhạt với công danh. Với ông công danh cũng tựa như giấc mộng ảo, phú quý tựa như giọt sương trên ngọn cỏ, có đấy rồi cũng tan biến ngay đấy :

Công danh gửi kiến cành hòe. ( bài thứ 73 )

Chẳng thấy phiền hoa trong thuở nọ, Ít nhiều gửi kiến cành hòe.

( bài thứ 84 )

Nước kiến phong quang hầu mấy kiếp.

Rừng nho nấn ná miễn qua ngày.

( bài thư 112 )

Trong thơ văn cổ người ta thường sử dụng điển tích giấc hòe với ý nghĩa biểu trưng công danh phú quý chỉ như giấc mộng hư ảo dưới gốc hòe mà thôi. Đây là một điển tích có nhiều biến thể về tên gọi như giấc hòe, giấc

hòe an, giấc Nam Kha hay mộng hòe, mộng Nam Kha. Điển tích này kể về

một người tên là Thuần Vu Phần, một hôm nằm ngủ dưới gốc hòe, thấy mình làm quận thú đất Nam Kha ở nước Đại Hòe An quốc. Tỉnh giấc mới biết mình vừa nằm mơ, nước Đại Hòe chính là tổ kiến trên cây hòe, đất Nam Kha là cành hòe phía Nam. Nguyễn Trãi đã dùng điển tích này để xây dựng nên ẩn dụ trong thơ. Nhưng ông không lấy nguyên tên gọi của điển tích mà có sự sáng tạo của riêng mình: dùng dữ liệu kiếncành hòe trong điển tích kết hợp lại với nhau thành cấu trúc kiến cành hòe như ở trong hai bài thơ thứ 73 và 84; hay dùng dữ liệu nước kiến như ở trong bài thứ 112. Các ẩn dụ này cùng được dùng để nói về cái hư ảo như giấc mộng của công danh phú quý.

Một phần của tài liệu Đặc điểm của ẩn dụ trong tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (Trang 73)