A. Các mỏ uran nội sinh
1. Mỏ pegmatit chứa urannit, torit, monazit, zircon, octit
Liên quan đến các thể xâm nhập granit pegmatit. Chúng thường nằm ngay trong đá granit pegmatit nhưng đôi khi cũng gặp trong đá vây quanh như greis, đá phiến. Thân quặng có dạng mạch, thấu kính và các thể hình dạng bất kỳ.
Khoáng vật quặng: Urannit, monazit, zircon, torit, octit. Mỏ có quy mô nhỏ thứ yếu.
2. Các mỏ nhiệt dịch
Có ý nghĩa công nghiệp, chiếm 10% tổng trữ lượng uran của các nước tư bản, liên quan chủ yếu đến các đá magma axit, đôi khi là đá magma bazơ. Gồm các thành hệ quặng sau:
- Thành hệ Sn - W - U nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình liên quan với granit. - Thành hệ Ni - Co - U nhiệt độ cao - trung bình.
- Thành hệ Cu - U nhiệt độ trung bình trong trầm tích biến chất tiền Cambri. Quy mô lớn nhưng hàm lượng không cao U3O8: 0,1 - 0,5%. Loại này có giá trị công nghiệp.
- Thành hệ quặng đa kim uran vàng nhiệt độ trung bình. - Thành hệ sulfur mạch xâm nhiễm có urannit.
- Thành hệ quặng 5 nguyên tố Co - Bi - Ni - Ag - U. - Thành hệ fluorit - sulfur - nasturan nhiệt độ thấp. - Fluorit - nasturan nhiệt độ thấp.
B. Các mỏ ngoại sinh:
1. Mỏ trầm tích - Trầm tích biển
* Đá phiến chứa uran thường giàu vật chất hữu cơ và sulfur, nghèo hoặc không chứa carbonat. Đá phiến chứa còn nhiều vật chất hữu cơ thì hàm lượng Uran càng cao.
* Photphat chứa Uran: Phổ biến rộng rãi trong tự nhiên, phần lớn uran nằm trong thành phần của photphat như fluapatit nhưng cũng có thể liên quan đến các khoáng vật sét.
* Cuội kết chứa uran: Được thành tạo ở đới ven bờ của các trầm tích biển cổ có tuổi tiền Cambri. Uran ở dạng xi măng và liên quan đến trầm tích hữu cơ bị hoá than. Quặng gồm branerit, urannit, nastuaran, arsenua Co - Ni. Loại này có ý nghĩa công nghiệp.
- Trầm tích lục địa: Gồm có các loại than.
Trên thế giới, than chứa urani chủ yếu là loại than có mức độ biến chất thấp như than nâu, than lignit nhưng ở Việt Nam chủ yếu trong than antraxit nằm trong trầm tích chứa than tuổi Nori - Reti.
Khoáng vật chứa urani chủ yếu là uranocircit, pyrit ẩn tinh chứa urani. Ngoài ra còn có hematit, limonit, nartit, arsenopyrit.
Hàm lượng urani trong than thấp, trung bình 0,06% U3O8 với hệ số biến thiên 2250%. Urani có thể thu hồi từ tro than khi than được sử dụng tập trung.
2. Các mỏ thấm đọng
Thuộc thành hệ cacnotit tổ hợp cộng sinh U - V nằm trong cát kết, cuội kết hiếm khi trong đá carbonat. Loại hình này có ý nghĩa công nghiệp.
C. Các mỏ có nguồn gốc biến chất
Đã phát hiện khoáng hoá urani - thori trong các tầng đá biến chất cổ với các tổ hợp khoáng vật chính sau:
1. Kiểu thori - urani trong pegmatit và migmatit
Kiếu quặng này phát hiện ở Thanh Sơn, Thạch Khoán (Vĩnh Phúc) và ở Sa Huỳnh - Ba Tơ (Quảng Ngãi).
Quặng hoá nằm trong các tầng đá biến chất cổ Proterozoi ở Hữu Ngạn Sông hồng và bắc khối nâng Kontum.
Khoáng vật quặng chủ yếu là thorianit, zirtholit, uraninit, nasturan, uranothorit, xenotim, monazit, zircon và các khoáng vật thứ sinh như autunit, metatocbenit.
Loại hình này không có ý nghĩa kinh tế.
2. Kiếu thori, urani trong biến chất trao đổi
Thân quặng có dạng ở, thấu kính, dạng dải, kích thước 0,1 - 0,2 x 5 - 10m. Thành phần đá biến chất trao đổi gồm artinolit, tremolit, thạch anh, felspat.
Khoáng vật chứa quặng chủ yếu có thorianit, thoriorangit, zirtholit, urannit, nastuaran. Hàm lượng thori: 0,1 - 0,16% và urani 0,02%.
3. Kiểu urani trong graphit
Ở Việt Nam, graphit phát triển rộng rãi, song graphit chứa hàm lượng urani tương đối cao chỉ có ở Tiên An. Graphit nằm trong hệ tầng Khâm Đức (Proterozoi). Các thể graphit dạng chuỗi, thấu kính, dạng ổ với kích thước thay đổi, dày từ 0,2 - 0,5m đến 1 - 2m, dài từ 1 - 2m đến 100 - 200m.
Khoáng vật chứa urani rất hiếm và khó xác định, đã tìm thấy saleit, nasturan, urannit. Graphit chứa urani với hàm lượng 0,02% còn thori 0,001 - 0,002%.
Quy mô các thân graphit chứa urani không lớn và hàm lượng urani không cao nhưng việc khai thác và tuyển urani thuận lợi, đơn giản.