III. NHỮNG THÀNH TỰU TIÊU BIỂU THÀNH CÔNG NHỜ SỰ BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG:
3.2. “Người mẹ” nhiều giống lúa la
- Tiểu sử PGS, TS Nguyễn Thị Trâm và quá trình nghiên cứu tạo giống lúa lai của Việt Nam:
“Người mẹ” nhiều giống lúa lai trong giới khoa học, PGS, TS Nguyễn Thị Trâm tốt nghiệp trường ĐHNN I năm 1968. Sau đó, bà về công tác tại Viện Cây lương thực dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo sư nông học Lương Định Của. Thời gian công tác với nhà khoa học nổi tiếng đã truyền cho bà niềm say mê, tìm những giống lúa lai mang gien trội của “bố”, “mẹ” cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh... Thời gian này bà đã mày mò, nghiên cứu cho ra đời nhiều giống lúa mới, được phổ biến rộng rãi như NN-9, NN-10, NN-23…
Sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở Liên Xô, bà Trâm trở về dạy ở ĐH Nông nghiệp. Vừa giảng dạy, bà vừa nghiên cứu cho ra đời nhiều giống lúa mới năng suất
cao, phẩm chất tốt được công nhận là giống quốc gia, như giống lúa ĐH60, nếp thơm 44, 256...
Những năm 1990, nhu cầu về hạt giống lai có năng suất cao gia tăng. Hạt giống lai từ nước ngoài tràn vào thị trường ồ ạt tạo sức ép cho ngành giống trong nước. Năm 1993, bà được Bộ NN – PTNT cử đi học lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai tại Trung tâm Lúa lai Hồ Nam, Trung Quốc vì khi đó nước này đã rất nổi tiếng với những giống lúa lai ba dòng. Tại Trung Quốc, bà gặp được, tiếp xúc và làm việc với một nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc và thế giới Viên Long Bình. Ông là tác giả của giống lúa lai ba dòng, đã cứu đất nước Trung Hoa thoát khỏi đói nghèo, tiến tới 'giữ yên' về lúa gạo cho hơn một tỷ người. Ông đã từ lý luận cơ bản của Măng-đen tìm được dòng bất dục đực tạo ra giống lúa lai F1 mang tính trội của thế hệ đầu, từ đó cho ra đời một loạt giống lai ba dòng năng suất cao hơn hẳn các giống lúa thuần. Sau đợt học, bà thu được nhiều kiến thức, tài liệu, phương pháp để bước vào một hướng nghiên cứu mới: Tìm kiếm, xác định, chọn tạo cải tiến các vật liệu di truyền để tạo dòng bố mẹ và tạo giống lúa lai.
Về nước, vừa giảng dạy, bà vừa âm thầm nghiên cứu và năm 1994 “bức màn bí mật” của công nghệ lúa lai hai dòng đầu tiên ở Việt Nam bắt đầu lộ diện.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu của bà gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế để mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở phục vụ nghiên cứu ban đầu, Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đã trích 9.000 USD từ quỹ Bộ trưởng để hỗ trợ sắm trang thiết bị tối thiểu. Nhờ số tiền này mà nhóm nghiên cứu của bà đã xây được 360m2 nhà lưới, xây tường rào chống chuột bảo vệ một mẫu ruộng lúa giống, một buồng điều hòa nhiệt độ để đánh giá, nhân tạo các dòng vật liệu mới. Về sau Bộ NN&PTNT, Bộ GD-ĐT liên tục dồn kinh phí cho các đề tài, dự án của PGS-TS Trâm cùng các cộng sự để hoàn thiện giống lúa lai hai dòng mới.
Dựa vào những kiến thức đã tích lũy qua hàng chục năm nghiên cứu cây lúa cùng những kiến thức quý báu thu nhận được, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã tìm kiếm trong hàng trăm giống bản địa và ngoại nhập, tiến hành nhiều hướng nghiên cứu khác nhau để thử nghiệm. Cuối cùng bà cũng đã thành công khi tìm ra loại giống thích hợp có loại gien lặn, bất dục đực, di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ - TGMS (thermosensitive genic male sterility). Đây là loại giống bất dục theo nhiệt độ, cụ thể nhiệt độ dưới 24oC thì cây lúa hữu dục, nhiệt độ trên 24oC thì cây lúa bất dục, một
đặc điểm rất phù hợp với các thời vụ sản xuất của nông dân đồng bằng sông Hồng. Kết quả tuyệt vời, nằm ngoài dự kiến bởi vì trên cơ sở đó vừa sản xuất hạt lai vừa nhân giống qua từng vụ hè, đông. Nhờ nghiên cứu này, năm 1998 PGS. TS Nguyễn Thị Trâm được nhận giải thưởng VIFOTEC và năm 2000 được nhận giải thưởng Ko-va- lep-xcai-a.
- Giống lúa lai hai dòng TH3-3:
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm cùng các cộng sự phát hiện giống lúa lai TH3-3 từ năm 2001, sau hơn bốn năm nghiên cứu, TH3-3 cùng với quy trình nhân hạt giống bố mẹ và quy trình sản xuất hạt lai F1chính thức được công nhận, trình diễn trên 26 tỉnh thành và nông dân chấp nhận và được cấp chứng nhận bản quyền (năm 2007).
Đặc tính của giống lúa lai TH3-3: Thật ra năng suất của TH3-3 chưa bằng được những giống lúa lai ba dòng của Trung Quốc, nhưng TH3-3 lại là giống thích hợp với túi tiền nông dân bởi được sản xuất hoàn toàn trong nước, có nhiều ưu điểm. Đây là giống lúa lai cho năng suất khá cao (6-7 tấn/ha, có nơi đạt trên 8 tấn/ha) mà thời gian sinh trưởng ngắn (105-115 ngày/vụ mùa; 115-125 ngày/vụ xuân), thích hợp với trồng trên đất ba vụ (hai vụ lúa, một vụ màu). TH3-3 lại chịu được mọi loại đất, mọi địa hình, Nó lại là kiểu cây bán lùn, thân cứng nên ít bị đổ khi gặp mưa bão, khả năng chống chịu sâu bệnh cao (các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá) (giảm 50% chi phí thuốc trừ sâu)……".
Tổng số vốn cho "đại công trình" lên đến gần 5 tỉ đồng, nhưng kết quả vượt quá sức tưởng tượng. Các công trình đó không chỉ thu hồi vốn ngay trong những năm thử nghiệm mà từ dòng gen mới tìm ra, PGS-TS Trâm đã nhân dòng tạo thêm rất nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng mới "cùng mẹ khác cha" như TH3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1...
- Chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai hai dòng TH3-3:
Từ năm 2005 cho đến cuối tháng 5-2008, giống lúa TH3-3 đã được PGS, TS cung cấp cho thị trường giống ở nhiều địa phương, đạt kết quả khá cao (từ 600 – 1.000 tấn hạt lai/năm, năng suất năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%). Đến nay, diện tích cấy đã tăng lên 20.000 – 30.000 ha.
Tuy nhiên, vì bà Trâm cùng đồng nghiệp là những nhà khoa học, cần dành thời gian nghiên cứu nên không thể sản xuất và cung ứng kịp với nhu cầu thị trường nên đã quyết định chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai hai dòng TH3 - 3 cho các doanh nghiệp vì họ có điều kiện tài chính, có kinh nghiệm kinh doanh mở rộng sản xuất.
Nhiều người đã đặt vấn đề mua đứt, bán đoạn với giá 3 - 5 tỷ nhưng bà Trâm chỉ đồng ý bán khi Công ty TNHH Cường Tân, giám đốc là anh Đoàn Văn Sáu trả giá 10 tỷ đồng bởi mục tiêu anh Sáu đặt ra phù hợp với nguyện vọng của bà Trâm. Bà Trâm không muốn ai đó độc quyền TH3-3 để thu hẹp rồi nâng giá mà phải mở rộng diện tích để đến năm 2010, sản xuất được khoảng 1.500 – 2.000 tấn giống, tương ứng 60.000 – 70.000 ha lúa lai.
Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai hai dòng TH3 – 3 được ký ngày 1/6/2008 giữa Bên A là Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, GS, TS Nguyễn Quang Thạch và tác giả PGS, TS Nguyễn Thị Trâm và bên B là Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân – ông Đoàn Văn Sáu.
Chuyển nhượng xong, diện tích sử dụng giống mở rộng nhanh rõ rệt. Năm 2009 diện tích sản xuất hạt lai F1 của 2 giống được chuyển nhượng chiếm trên 60% tổng diện tích sản xuất hạt lai trong nước, cung cấp trên 1.000 tấn hạt lai/năm cho nông dân các tỉnh phía Bắc, tạo lợi thế canh tranh cho lúa lai nội.
Phòng nghiên cứu của bà cũng trở thành đơn vị đi đầu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 115 của Chính phủ về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống.
Phía Công ty TNHH Cường Tân, Giám đốc là anh Đoàn Văn Sáu đã mua bản quyền TH3-3 với mức giá kỷ lục 10 tỉ đồng vì ông nhìn thấy tiềm năng rất lớn của giống lúa này với những ưu điểm như: thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, cho chất lượng gạo ngon. Sau mỗi mùa vụ, khách hàng của công ty cũng tăng lên rất nhiều.
Qua ba năm (2008 - 2010) anh Sáu không chỉ tổ chức sản xuất thành công giống lúa TH3-3 ở Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh trong nước (từ miền trung trở ra), mỗi năm sản xuất ra hàng nghìn tấn thóc giống F1 có chất lượng cho nông dân. Riêng Nam Định vụ mùa 2010 đã sản xuất được gần 800 tấn, đủ cấy hàng vạn ha. Hiện nay, Đoàn Văn Sáu là người độc quyền sản xuất lúa lai TH3-3 trong cả nước.
Ngoài ra, PGS, TS Nguyễn Thị Trâm cũng là tác giả của “bom tạ” chuyển nhượng bản quyền giống TH3-4 cho Công ty Giống cây trồng T.Ư với giá bán kỷ lục 700 triệu vào thời điểm đó (tháng 3/2008).
Thành công trong việc tìm ra giống lúa lai hai dòng và chuyển nhượng cho một doanh nghiệp với giá cao, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lần đầu tiên được ghi tên vào kỉ lục Ghi-net Việt Nam. Đây cũng là tin vui, tạo sự khích lệ đột phá trong ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam. Ở tuổi 66, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm hiện vẫn cùng các cộng sự trẻ của Viện Sinh học Nông nghiệp tìm tòi nghiên cứu những giống lúa mới, hướng dẫn các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ... Theo bà, vì người nông dân Việt Nam còn nhiều vất vả, nên ở trong “tầm với”, muốn họ có được những mùa vàng...