2. TRUNG QUỐC:
4.1. Sơ khảo những nghiên cứu về đàm phán trong những năm gần đây ở Mỹ.
4.1.1. Thử tìm một lý giải
Có thể nói những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đã chứng kiến sự mở rộng của những nghiên cứu về đàm phán. Nguyên nhân của sự nở rộ ấy có thể nhiều, nhưng có thể điểm ra một số nguyên nhân cơ bản đã dẫn đến hiện trạng này:
∗ Sự kết thúc của chiến tranh lạnh (Cold war) đã tạo ra một cái thở phào nhẹ nhõm cho các giới chính trị và kinh doanh vốn rất nhạy bén với thời cuộc. Người ta dường như vỡ lẽ ra một điều “khôn không qua nhẽ, khoẻ không qua lời”. Những kẻ tự cho mình là mạnh cũng tự muốn có một trật tự thế giới tạo ra từ sự hoà giải các quyền lợi xung đột thông qua đàm phán chứ không phải theo kiểu ra lệnh, áp đặt. Không thể dùng súng đạn và vũ lực để nói chuyện với nhau. Trên qui mô toàn
cầu và từng khu vực xuất hiện xu thế lấy đối thoại thay cho đối đầu hoặc biến bãi chiến trường thành thị trường.
∗ Xu thế hội nhập, xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá là xu thế chung cho một thế giới kinh tế mà không có một quốc gia nào kể cả Mỹ, gã khổng lồ về kinh tế, có thể tồn tại một cách hoàn toàn độc lập, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ bên ngoài. Trong mối quan hệ kinh tế tương tác đó, đàm phán trở thành công cụ để tìm kiếm giải pháp xây dựng, tránh tác động tiêu cực hoặc phá hoại của hoàn cảnh khách quan trong chừng mực có thể.
∗ Xu thế chuyển sang kinh tế thị trường trên qui mô toàn cầu sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ và sự tan rã của các nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá ở Đông Âu làm cho hoạt động thị trường trên qui mô toàn thế giới trở nên nhộn nhịp hơn, sản sinh ra các mối quan hệ buôn bán dày đặc hơn. Trong cái thị trường rộng lớn và đầy bất trắc đó, nhà doanh nghiệp, ở bất kỳ tầm cỡ nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng đều cần đàm phán, ít ra là để tìm hiểu đối phương, tìm khả năng và cơ hội lợi nhuận, nếu không phải là để tối đa hoá lợi nhuận.
Sự kỳ diệu Đông Á , theo cách nói của các nhà kinh tế học hiện đại, đã đóng góp vào việc làm nổi trội vai trò của nền văn hoá Châu á nói chung và văn hoá doanh nghiệp Châu á nói riêng và có ảnh hưởng đến nhu cầu nghiên cứu giao tiếp và đàm phán đối với các quốc gia thuộc khu vực này. Đã xuất hiện những công trình nghiên cứu và phân tích kinh tế nơi vang lên tiếng nói của Châu á, một tiếng nói đầy bản lĩnh và tự tin, đầy tự hào về truyền thống văn hoá lâu đời và về những thành tích trong tăng trưởng kinh tế khiến cho phương Tây không thể xem thường.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, các công trình nghiên cứu về đàm phán xuất bản ở Mỹ trong những thập kỷ vừa qua xoay quanh:
(1). Các vấn đề ở bình diện lý thuyết về đàm phán trên mọi phương diện, trong đó có đàm phán chính trị và đàm phán kinh tế thương mại là những vấn đề then chốt; (2). Các vấn đề về kỹ thuật đàm phán trên mọi phương diện được nghiên cứu tiền khả thi đến nghiên cứu khả thi, chuẩn bị đàm phán, tiến hành đàm phán, kết thúc đàm phán, giải quyết các vấn đề sau đàm phán;
(3). Các vấn đề kinh nghiệm đàm phán, ở mọi cấp độ, từ đàm phán ở mức sơ cấp dưới những nhan đề ngộ nghĩnh như: “Hướng dẫn đàm phán cho những kẻ dại khờ” đến những công trình tầm cỡ dùng làm tài liệu giảng dạy ở khoa kinh doanh của các trường Đại học lớn (như Harvard, MIT);
(4). Các vấn đề quan hệ giữa đàm phán với luật, với đạo đức kinh doanh, với tham vọng cá nhân và với các phúc lợi xã hội khác biệt trong các xã hội khác nhau; (5). Các vấn đề thuộc phẩm chất, năng lực, tư cách và độ tin cậy của cá nhân các nhà đàm phán.
4.1.2. Dự án đàm phán Harvard
Dự án đàm phán Harvard là một dự án nghiên cứu của HarvardUniversity nhằm vào các vấn đề đàm phán, phát triển và truyền bá các phương pháp cách tân về đàm phán và hoà giải (Mediation). Nó là một bộ phận của chương trình đàm phán, một tổ hợp nghiên cứu tư vấn của các học giả đại học Harvard, MIT (Viện Công nghệ Masachusettes) và những nơi khác. Các hoạt động của dự án bao gồm:
(1). Xây dựng lý thuyết về đàm phán; (2). Giáo dục và đào tạo về đàm phán; (3). Xuất bản các nghiên cứu về đàm phán; (4). Nghiên cứu thực địa về đàm phán; (5). Cộng tác nghiên cứu về đàm phán;
Có những công trình thuộc dự án này đã được dịch sang tiếng Việt, ví dụ “Để đạt được thoả thuận- Thương lượng thành công mà không thua thiệt” của Roger Fisher & Willam Ury (bản dịch của NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1994). Công trình này đã được xuất bản với số lượng trên 2 triệu bản, bằng 18 thứ tiếng khác nhau trên thế giới.