CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG MẠI HÀ MY
2.2.3. Sử dụng tín dụng thương mại.
Hình thức tín dụng thương mại (còn được gọi là tín dụng nhà cung cấp), bao gồm các khoản phải trả người bán và người mua ứng trước, các khoản phải thu khách hàng và
người bán ứng trước, thể hiện khả năng chiếm dụng vốn hay bị chiếm dụng vốn của một doanh nghiệp.
Cũng giống như các doanh nghiệp khác trên thị trường, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công CPTM Hà My đã khai thác nguồn vốn tín dụng thương mại một cách tự nhiên thông qua quan hệ mua bán chịu, mua bán chậm hay trả góp. Và do nhận thức được tính tiện lợi và linh hoạt cũng như khả năng mở rộng các quan hệ hợp tác kinh doanh lâu bền với các bạn hàng của hình thức tín dụng này, Công ty đã tận dụng một cách triệt để và ngày càng nâng cao tỷ trọng của nguồn này trong tổng nguồn tài trợ.
Bảng 5: Tỷ lệ sử dụng tín dụng thương mại công ty CPTM Hà My
Chỉ tiêu Năm 2008 (tỷ đ) Năm 2009 (tỷ đ) Năm 2010 (tỷ đ)
Vốn chiếm dụng 1.4657 3.1126 3.7028
Phải thu KH 6.2812 0.9866 1.9032
Nguồn: P. KTTC công ty CPTM Hà My
Chúng ta có thể thấy một cách rõ hơn thông qua phân tích tình hình nợ ngắn hạn và các khoản phải thu của Công ty trong ba năm như sau:
Năm 2008, con số chiếm dụng vốn của Công ty là 1.4657 tỷ trong đó phải trả người bán và người mua chiếm 52.93%; còn lại là các khoản phải trả khác. Sang năm 2009, con số này tăng lên rất nhiều bằng 212.36% so với năm 2008 tương đương với 3.1126 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu là do các khoản người mua ứng trước tăng nhanh, từ 0.91 tỷ đồng năm 2008 lên 2.6252 tỷ năm 2009, tức là tăng khoảng 28 lần; còn các khoản phải trả người bán lại giảm đi, chỉ bằng 5.732% so với năm 2008. Các khoản phải trả khác cũng giảm đi đáng kể, từ 0.690 tỷ đồng xuống còn 0.4481 tỷ đồng; do đó tỷ trọng phải trả người bán và người mua ứng trước trong tổng số vốn chiếm dụng tăng lên tới 85.60%. Năm 2010, tỷ trọng này tiếp tục tăng, chiếm 85.96% do sự tăng lên tiếp tục của các khoản phải trả người bán và người mua ứng trước. Điều này thể hiện khả năng chiếm dụng vốn của Công ty ngày một tăng, chứng tỏ Công ty làm ăn có uy tín, được các bạn hàng tin tưởng giao vốn trong kinh doanh.
Về mặt bị chiếm dụng vốn, con số này giảm dần qua các năm. Năm 2008, khoản phải thu khách hàng tương đối lớn bằng 6.2812 tỷ đồng nhưng sang năm 2009 con số này chỉ còn 0.9866 tỷ, giảm 84.293 % so với năm 2008. Năm 2010, các khoản phải thu khách hàng tăng khá nhanh, gấp gần hai lần so với năm 2009, tương đương 1.9032 tỷ đồng. Tuy nhiên, do doanh nghiệp giảm được các khoản trả trước cho người bán và các khoản phải trả khác nên lượng vốn bị chiếm dụng tăng lên không đáng kể, chỉ khoảng 18,7% so với năm 2009.
Nhìn chung, trong những năm vừa qua, Công ty đã tận dụng được rất tốt các nguồn vốn trong quan hệ mua bán chịu, tăng khả năng huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của mình. Đây là điểm mạnh mà doanh nghiệp cần phát huy trong những năm tiếp theo.