Sản phẩm của công ty vốn đã có uy tín trên thị trường nên công ty cần hết sức chú trọng trong việc khai thác và sử dụng lợi thế này. Sản xuất kinh doanh luôn gắn với thị trường, thị trường càng rộng lớn thì khả năng tiêu thụ càng lớn. Nhưng muốn mở rộng thị trường tiêu thụ thì vấn đề hết sức quan trọng là nắm bắt nhu cầu thị trường, điều đó đòi hỏi công ty phải tăng cường khảo sát, nghiên cứu và phân đoạn thị trường. Công ty nên thành lập một tổ chuyên trách công tác nghiên cứu thị trường để có thể thực hiện những công việc trên nhằm xây dựng hệ thống các chính sách về thị trường cho công ty.
Qua nghiên cứu thị trường công ty phải xác định thị trường mà mình đầu tư kinh doanh. Công ty cần giữ vững được thị trường truyền thống và thâm nhập khai thác được các thị trường mới nhằm thực hiện tốt chiến lược mở rộng thị trường.
Đối với thị trường truyền thống như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình là những thị trường có tỷ trọng doanh thu tiêu thụ cao. Công ty phải liên tục củng cố lòng tin
của người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường. Bởi vì nhu cầu của con người luôn luôn thay đổi và ngày một tăng về số lượng và chất lượng. Việc chiếm lĩnh và mở rộng thị trường truyền thống là thật sự cần thiết để đảm bảo hoạt động tiêu thụ thường xuyên của công ty. Vì vậy công ty phải tăng cường thâm nhập sâu để khảo sát để nghiên cứu thị trường, phát hiện nhu cầu, cải tiến và hoàn thiện sản phẩm phù hợp với thực tiễn.
Cùng với việc giữ vững thị trường truyền thống, công ty cần phải tăng cường xâm nhập vào các thị trường mới khu vực phía Bắc như Hà Nội, Băc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định…. Đây là những thị trường tiềm năng của công ty có vị trí hết sức quan trọng. Bởi vì nó là yếu tố quyết định đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ của công ty. Thị trường tiềm năng có thể coi là ‘Miếng mồi ngon’ mà công ty nào cũng muốn giành lấy. Song để có thể khai thác được thị trường này đòi hỏi công ty phải đầu tư lớn về nhân viên, các hệ thống đại lý phân phối, hệ thống các sản phẩm đa dạng, chất lượng để có thể đáp ứng được yêu cầu của những tập khách hàng trên các các thị trường đó và cạnh tranh được với các doanh nghiệp sản xuất gạch khác.
Ngoài ra, công ty cũng phải tiến hành đồng thời việc nghiên cứu chiến lược, chính sách kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh ứng với từng khu vực thị trường. Tiến hành so sánh về chất lượng, giá cả hàng hóa - dịch vụ, các hình thức cung ứng, các dịch vụ sau bán của công ty với các đối thủ cạnh tranh để từ đó có sự điều chỉnh cho hợp lí, có chính sách đổi mới nhằm thu hút khách hàng đến với công ty.
Công ty nên tăng cường đầu tư chi phí cho hoạt động nghiên cứu thị trường nhiều hơn, đặc biệt là chi phí đào tạo cho cán bộ nghiên cứu thị trường hiện tại của công ty, hay là chi phí thuê các tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường bên ngoài khác nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc lập kế hoạch thị trường của công ty.