xử, trên cơ sở thực tiễn sẽ tiến hành xem xét mở rộng thẩm quyền cho Toà án hành chính.
Từ những quan điểm mang tính khoa học và kinh nghiệm của các nước trên thế giới về đối tượng, phạm vi xét xử hành chính, đối tượng xét xử các vụ án hành chính ở nước ta được xác định bao gồm các quyết định hành chính cá biệt, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính.
1.4. Những nguyên tắc trong hoạt động xét xử các vụ án hành chính. chính.
Xuất phát từ đặc trưng của các khiếu kiện hành chính, trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, bên cạnh việc Toà án phải tuân thủ những nguyên tắc chung về hoạt động xét xử được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Toà án nhân dân, Toà án còn phải tuân theo những nguyên tắc có tính chất đặc thù đối với hoạt động xét xử các vụ án hành chính được quy định trong pháp luật về tố tụng giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những nguyên tắc mang tính đặc trưng trong việc giải quyết các vụ án hành chính tại Toà án nhân dân.
1.4.1. Nguyên tắc tự định đoạt.
Theo nguyên tắc này, các đương sự tự mình quyết định lựa chọn phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà họ cho rằng đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi
việc do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Điều này có nghĩa là khi đương sự có lợi ích bị xâm hại thì họ có quyền lựa chọn khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi của mình hoặc không khởi kiện đến Toà án mà lựa chọn con đường giải quyết khiếu nại tiếp theo (theo thủ tục hành chính). Đương sự có quyền đề đạt yêu cầu, thay đổi yêu cầu, bổ sung yêu cầu, có quyền cung cấp chứng cứ, bổ sung chứng cứ và có quyền rút đơn khởi kiện. Các bên đương sự có thể uỷ quyền cho luật sư hoặc người khác thay mặt mình mà không cần phải trực tiếp tham gia tố tụng sau khi đã được Toà án thụ lý vụ án.
Căn cứ vào nguyên tắc này thì Toà án chỉ giải quyết những vấn đề trong phạm vi yêu cầu khởi kiện, không giải quyết những vấn đề mà đương sự không yêu cầu hoặc có yêu cầu nhưng không thuộc thẩm quyền của Toà án.
1.4.2. Nguyên tắc về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ.
Khác với tố tụng hình sự, khi giải quyết các vụ án hành chính, Toà án chủ yếu căn cứ vào các chứng cứ mà đương sự cung cấp. Đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ vì các đương sự là Người khởi kiện, là người đưa ra yêu cầu khởi kiện nên họ có trách nhiệm chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp; phía Người khởi kiện là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã ban hành các quyết định hành chính, có hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với cán bộ công chức ( sau đây gọi chung là quyết định hành chính và hành vi hành chính) là nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện thẩm quyền của mình phải có trách nhiệm đối với các quyết định, hành vi hành chính đó trước pháp luật. Tính tự chịu trách nhiệm đó thể hiện ở chỗ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các quyết định, hành vi hành chính đã ban hành và việc bảo vệ chúng
bằng cách chứng minh tính hợp pháp của các quyết định, hành vi hành chính trước Toà án. Bên cạnh đó, do thực hiện chức năng quản lý nhà nước các cơ quan đó mới có được tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ kiện mà Người khởi kiện, Toà án không có. Khi khởi kiện, Người khởi kiện có quyền và nghĩa vụ cung cấp cho Toà án bản sao quyết định hành chính, hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các chứng cứ khác làm cơ sở cho yêu cầu khởi kiện của mình. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, hành vi hành chính. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trong trường hợp Viện kiểm sát khởi tố thì họ phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi tố của mình.
Tuy nhiên, do việc giải quyết các vụ án hành chính có những đặc thù nhất định, người khởi kiện thực hiện quyền khởi kiện của mình ra Toà án là việc công dân kiện cơ quan nhà nước. Trong nhiều trường hợp, Người khởi kiện không thể cung cấp được những chứng cứ cần thiết cho Toà án như bản sao quyết định hành chính hoặc tài liệu thể hiện hành vi hành chính bị khiếu kiện. Để làm rõ được tình tiết khách quan của vụ án và đảm bảo giải quyết vụ kiện được đúng pháp luật cần cho phép Toà án tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án. Nhưng cần phải xác định, việc Toà án xác minh, thu thập thêm chứng cứ là không bắt buộc, không mang tính phổ biến, không mang tính nghĩa vụ mà chỉ được thực hiện trong một số trường hợp do pháp luật quy định.
1.4.3. Nguyên tắc không tiến hành hoà giải nhưng Toà án tạo điều kiện để các bên thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình. Trong mối quan hệ hành chính đó cơ quan hành chính, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính để giải quyết một vấn đề cụ thể áp dụng với đối tượng cụ thể. Việc ban hành quyết định hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính phải thông qua một thủ tục nhất định (thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước hoặc bản án hành chính của Toà án nhân dân). Vì vậy, Toà án không tiến hành hoà giải như tố tụng dân sự mà chỉ tạo điều kiện cho các bên thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
1.4.4. Nguyên tắc chỉ xét xử đối với những quyết định hành chính, hành vi hành chính đã khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
Đây là một trong những nguyên tắc có tính đặc thù, cơ bản nhất của hoạt động xét xử các vụ án hành chính. Nó thể hiện đặc điểm của của hoạt động quản lý nhà nước là thực hiện cơ chế tự kiểm tra, phát hiện, tự sửa chữa những sai sót của mình. Trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án, Người khởi kiện phải khiếu nại đến cơ quan nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hay có hành vi hành chính mà họ cho rằng là trái pháp luật. Nếu việc khiếu nại được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính lần đầu, hành vi hành chính mà cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết, đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng người khiếu nại vẫn không đồng ý với quyết định đó hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại tiếp theo thì người khởi kiện mới có quyền khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính tại Toà án. Việc đặt ra điều kiện tiền tố tụng như trên, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được quyền lựa chọn phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của mình; mặt khác, buộc cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính hay hành vi hành chính của mình hay của người thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình và giải quyết yêu cầu của người khiếu nại. Trên cơ sở đó có điều kiện khắc phục, sửa chữa những sai sót, vi phạm, nâng cao hơn năng lực quản lý nhà nước của mình.