SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Một phần của tài liệu Chế độ Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - sự hình thành và phát triển (Trang 96)

Theo điều ba của Hiến pháp quyền tư pháp được trao cho tòa án. Trong quá trình hoạt động của mình Tòa án tối cao Mỹ còn gọi là Tối cao pháp viện đã mở rộng quyền của mình để xứng đáng với vị trí là ngành quyền lực ngang bằng với hai ngành quyền lực khác.

Quyền hạn của ngành tư pháp

Tối cao pháp viện có quyền độc lập khi xét xử. Nguyên tắc này đã được đảm bảo và củng cố trong hơn hai trăm năm qua, đây là thành công của ngành tư pháp Mỹ. Mặc dù trong Hiến pháp chưa quy định rõ ràng quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, nhưng với phán quyết của tối cao Pháp viện, mà đại diện là Chánh án Jonh Marshall (1755-1835) trong vụ Marbury và Madison năm 1803 đã khẳng định quyền xem xét lại và tuyên bố một đạo luật nào đó do Quốc hội thông qua là trái Hiến pháp và không có hiệu lực:

Ông cho rằng Hiến pháp là đạo luật tối cao không thể thay đổi bằng cách thông thường và do vậy nếu một đạo luật của Quốc hội mà trái với Hiến pháp thì phải bị tuyên bố vô

hiệu. Ông cũng khẳng định ngành tư pháp có quyền và nghĩa vụ giải thích một đạo luật là như thế nào. Hiến pháp là đạo luật tối cao nên rõ ràng việc xem xét sự hợp hiến của các đạo luật và các hiệp định thuộc phạm vi trách nhiệm của tòa án. Kể từ sau vụ này, thẩm quyền kiểm soát ngành lập pháp hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp không còn nghi ngờ [23, tr. 184].

Một nguyên tắc quan trọng của Tối cao Pháp viện cũng được hình thành trong thời gian từ 1801-1835 xóa bỏ thông lệ mỗi thẩm phán đều nêu ra ý kiến riêng của mình bằng quy tắc là chỉ chọn một luật gia duy nhất để thay thế cho toàn bộ. Quy tắc này cũng như quyền xem xét các đạo luật của Quốc hội được xây dựng bởi Chánh án Tối cao Pháp viện Jonh Marshall. Với hai nền tảng pháp lý này Jonh Marshall được coi là Chánh án vĩ đại nhất đã: "Có công đưa Tòa án tối cao liên bang trở thành một bộ phận thứ ba, quan trọng trong bộ ba kiểm soát và cân đối mọi vấn đề của đất nước, không bị rơi vào tình trạng cái bóng, tồn tại mà như không tồn tại" [59, tr. 88].

Đến năm 1816 trong vụ Martin và Hunter Tòa án Tối cao Liên bang xác lập quyền của Tòa án Tối cao Liên bang được xem xét lại các quyết định của Tòa án các bang. Ngoài Quyền xem xét lại các đạo luật của Quốc hội, Tòa án tối cao Liên bang còn có quyền xem xét các hành vi của Tổng thống có vi hiến hay không. Quyền này đã được Tòa án Tối cao sử dụng vào năm 1952. Tháng 4 năm 1952 Tổng thống Truman (1884-1972) ra lệnh quốc hữu hóa các nhà máy thép, nhưng đến tháng 6 năm 1952 Tòa án Tối cao đã phủ định mệnh lệnh trên và tuyên bố: "Tổng thống đã vượt quá quyền hạn của mình đã được quy định trong Hiến pháp" [59, tr. 1005]. Quyền của Tòa án Tối cao còn được khẳng định trong vụ nước Mỹ kiện Nixon năm 1974 khi Tòa án tối cao với một trăm phần trăm phiếu (Chú ý rằng bốn trong số chín thẩm phán do chính Nixon bổ nhiệm) trong số chín thẩm phán ra lệnh cho Tổng thống phải trao cuốn băng là chứng cứ để luận

tội Tổng thống, và mặc dù có viện dẫn đến đặc quyền của Tổng thống, cuối cùng Nixon vẫn phải giao nộp cuốn băng và phải từ chức.

Về cơ cấu tổ chức

Không có các tổ chức rộng lớn và số lượng nhân sự cũng có hạn, nhưng ngành tư pháp Mỹ cũng đã dần dần vươn lên để tự tổ chức và quản lý hành chính. Mặc dù việc thành lập các toà án là do cơ quan lập pháp quyết hành định, nhưng kể từ năm 1900 tòa án Mỹ đã vươn lên độc lập trong quản lý hành chính, và thiết lập nên các tổ chức bên trong tòa án để nâng cao chuyên môn cho thẩm phán, cũng như để tạo tiếng nói tập thể có tính tổ chức cho tòa án. Hội đồng Thẩm phán Hoa Kỳ được thành lập năm 1922 bao gồm Chánh án tối cao Pháp viện, Chánh án của các tòa án phúc thẩm lưu động, một số thẩm phán của tòa án khu vực và Chánh án tòa án thương mại quốc tế. Có thể nói đây là tổ chức rất quan trọng của tòa án, hội đồng này không những ảnh hưởng tới các tòa án mà còn ảnh hưởng tới quá trình lập pháp của Quốc hội thông qua các ý kiến của nó: "Hội đồng này chính là nơi lập ra chính sách tư pháp của Liên bang và giám sát cơ quan quản lý hành chính của của các tòa án. Vai trò quan trọng nhất của hội nghị này là đóng góp vào quá trình lập pháp của quốc hội" [23, tr. 197]. Ngoài Hội đồng thẩm phán còn có các Ủy ban dự thảo, các Ủy ban này sẽ xây dựng các quy định các nguyên tắc về dân sự, hình sự, thương mại, bảo hiểm, rồi đưa ra Hội đồng thẩm phán để Hội đồng này xem xét rồi đóng góp ý kiến trình lên Quốc hội.

Để đảm bảo tính độc lập của tòa án, Quốc hội còn thành lập ra Cơ quan quản lý hành chính các tòa án, có nhiệm vụ quản lý ngân sách, nhân sự và các nhiệm vụ khác liên quan tới cơ sở vật chất của Tòa án. Như vậy là tòa án Mỹ thoát ly sự quản lý của các cơ quan hành pháp về cơ sở vật chất (ở Việt Nam trước đây tòa án do cơ quan hành pháp quản lý, nay đã chuyển về cơ quan tòa án quản lý). Đây là một trong các yếu tố giúp cho

tòa án tránh được ảnh hưởng đối với các cơ quan chính quyền địa phương. Để bồi dưỡng đào tạo thẩm phán cũng như để nghiên cứu công tác quản lý tư pháp, Quốc hội còn lập ra Trung tâm tòa án Liên bang vào năm 1967 do Chánh án tối cao Pháp viện làm chủ tịch. Đối với các thẩm phán liên bang, việc cách chức phải do Quốc hội thực hiện, nhưng Tòa án tối cao vẫn có thể điều tra và áp dụng các biện pháp như yêu cầu thẩm phán về hưu, khiển trách, công bố quyết định khiển trách theo quy định trong Đạo luật về cải cách các Hội đồng thẩm phán, sự thiếu năng lực và đạo đức tư pháp năm 1980. Với cách tổ chức như trên, ngành tư pháp tuy bản tính là mềm yếu hơn các ngành quyền lực khác, nhưng với cơ chế phân quyền và kiềm chế đối trọng cũng như sự nhìn xa trông rộng về vai trò của tư pháp trong xã hội tương lai mà các nhà Lập pháp Hoa Kỳ đã nhận ra và chú ý củng cố ngay từ đầu nên ngành tư pháp Hoa Kỳ đã không ngừng khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống chính quyền Mỹ.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Xem xét sự phát triển của chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ qua ba ngành quyền lực, chúng ta thấy sự phát triển đó tuân theo quy luật chung là phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến hiện đại và ngày càng đa dạng phức tạp hơn để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội. Từ một mô hình chính quyền chỉ quản lý một diện tích mười ba bang với số dân chưa đến bốn triệu người với một chế độ xã hội thuộc địa tiền tư bản có xen kẽ với chế độ nô lệ, nay chế độ Tổng thống Mỹ quản lý một diện tích lãnh thổ năm mươi bang rộng thứ tư thế giới, với số dân trên hai trăm tám mốt triệu và một xã hội tư bản phát triển nhất. Để thích ứng được sự thay đổi lớn lao đó chế độ Tổng thống Hoa Kỳ đã có sự phát triển về quy mô số lượng về phương thức hoạt động của các ngành quyền lực. Sự phát triển đó là luôn gắn với thực tế, rất mềm dẻo và linh hoạt. Sự phát triển đó là dựa trên những nguyên tắc cơ bản cấu thành nên bộ máy nhà nước, trên những

giá trị dân chủ do hiến định và do sự đấu tranh của nhân dân và các lực lượng tiến bộ Mỹ. Nếu so với thời gian hơn hai trăm năm thì sự thay đổi phát triển trong bộ máy nhà nước Mỹ không phải là nhiều so với những nguyên tắc và mô hình nhà nước đã được đề ra ở hội nghị lập hiến. Lý do giải thích cho điều này là ngay từ đầu những nhà lập quốc đã có tầm nhìn xa trông rộng, xây dựng một mô hình chính quyền không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ mãi mãi về sau, ngay từ đầu họ đã tìm được những giá trị hay phù hợp cho nước Mỹ nên chưa cần một mô hình khác một giá trị khác để thay thế. Hơn nữa trong lịch sử hơn hai trăm năm do sự đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trong nước Mỹ nên những thay đổi thường tập trung vào việc mở rộng các quyền tự do dân chủ cho nhân dân:

Điều quan trọng là phần lớn trong hai bảy lần sửa đổi hiến pháp này là những xuất phát từ những nỗ lực liên tục nhằm mở rộng quyền tự do của thường dân hoặc tự do chính trị, trong khi đó rất ít sửa đổi liên quan tới việc tăng cường cấu trúc chính quyền cơ bản đã được dự thảo tại Philadelphia năm 1787 [10, tr. 351].

KẾT LUẬN

1. Sự hình thành của Nhà nước Mỹ một nhà nước tư bản không phải hoàn toàn hình thành từ con đường khởi nghĩa vũ trang của cách mạng tư sản, cũng không phải từ con đường thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và phong kiến như Đức, Nhật, Tây Ban Nha. Sự hình thành nhà nước tư bản Mỹ trong một hoàn cảnh đặc biệt đó là từ một vùng đất hoàn toàn mới, đó là từ mười ba thuộc địa của Anh quốc ở Bắc Mỹ. Các thuộc địa này giành độc lập trở thành mười ba quốc gia độc lập. Trên cơ sở mười ba vùng lãnh thổ này các đại diện ưu tú nhất của các tầng lớp cư dân đã lựa chọn một mô hình chính quyền hoàn toàn mới chưa hề có trong lịch sử. Đó là mô hình chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Mô hình chính quyền mà về sau các nhà nghiên cứu chính trị pháp lý gọi là Chính thể cộng hòa Tổng thống, chế độ này ra đời là kết quả của nhiều yếu tố. Nhưng những yếu tố chính là từ chế độ Hợp bang; là sự đấu tranh và thỏa hiệp giữa xu hướng chính trị đại diện cho nhiều quyền lợi khác nhau; là tổng kết những kinh nghiệm về xây dựng chính quyền ở tại nước Mỹ, Anh quốc và các quốc gia trong lịch sử; là sự áp dụng các học thuyết chính trị pháp lý một cách mạnh dạn sáng tạo để tạo ra một điển hình về vận dụng học thuyết tư tưởng lý luận vào thực tế. Cuối cùng phải kể đến yếu tố vận nước của Hoa Kỳ, thời điểm đó đã tập trung được những con người có tài ba, đảm lược, có tầm nhìn xa trông rộng, có kiến thức uyên bác, thâm hậu, biết tranh luận, biết thỏa hiệp, biết thuyết phục để cuối cùng xây dựng được một bản thiết kế về chế độ Tổng thống có thể là chưa hoàn chỉnh, nhưng phù hợp với nước Mỹ trong hiện tại và trong tương lai, đã đưa nước Mỹ từ một xứ thuộc địa trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

2. Đặc điểm của Chế độ Tổng thống Hoa Kỳ. Chế độ Tổng thống hợp chúng quốc Hoa Kỳ có đặc điểm nổi bật về vai trò trung tâm của Tổng

thống trong bộ máy nhà nước, một Tổng thống đầy quyền uy do dân bầu tiêu biểu cho nền hành pháp một đầu. Chế độ Tổng thống là nơi áp dụng học thuyết phân quyền một cách điển hình được phối hợp với nguyên tắc kiềm chế đối trọng và liên hệ phối hợp, tạo ra ba ngành quyền lực ở thế cân bằng. Tuy trong quá trình hoạt động, ba ngành quyền lực này có những lúc chống nhau, làm cho việc thực hiện quyền lực nhà nước bị đình trệ, tê liệt, nhưng về cơ bản, phân quyền có những ý nghĩa to lớn trong việc chống độc tài, bảo vệ dân chủ, trong việc phân rõ nhiệm vụ quyền hạn trách nhiệm của các cơ quan quyền lực trung ương, trên cơ sở đó để phân công lao động theo bản tính của từng ngành quyền lực. Do quyền lực nhà nước là thống nhất nên các ngành quyền lực luôn có sự liên hệ phối hợp để thực hiện các chức năng đối nội, đối ngoại của nhà nước. Ở chế độ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, hai ngành quyền lực hành pháp và lập pháp đều lấy quyền lực từ nhân dân thông qua bầu cử nên không chịu trách nhiệm lẫn nhau mà cùng chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong Chế độ cộng hoà Tổng thống, lập pháp và hành pháp có chức năng nhiệm vụ riêng, nhân viên riêng, tuy có hình thành quan niệm Quốc hội cũng có thể làm sai nhưng Quốc hội không thể bị giải tán. Tổng thống có đầy uy quyền, một số ý kiến của các nhà nghiên cứu so sánh coi đó là một ông vua nhưng có nhiệm kỳ và có thể bị Quốc hội luận tội và kết án. Nếu Tổng thống bị kết án Phó Tổng thống sẽ lên thay. Trong chế độ Tổng thống Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ, do thấy trước được vai trò siêu phàm của tư pháp trong tương lai nên ngành này đã rất được chú trọng. Tư pháp Hoa kỳ được tổ chức độc lập và có nhiều định chế để bảo vệ sự độc lập đó như chế độ bổ nhiệm, lương bổng cao, phương tiện sinh sống chắc chắn, ổn định, không phụ thuộc chính quyền địa phương, nhiệm kỳ dài. Những định chế đó tạo ra thực quyền của tư pháp. Tư pháp có thể tuyên bố đạo luật của Quốc hội, hành vi của Tổng thống là vi hiến, phán quyết của tòa án là cuối cùng đối với cả hệ thống chính trị. Trong tương lai khi khoa học công nghệ phát triển cao, con

người có thể hủy diệt toàn bộ trái đất bằng vũ khí nguyên tử, trong lúc đó tranh chấp trong xã hội cũng như tranh chấp giữa các nước vẫn xảy ra, thì phương tiện chủ yếu để giải quyết các tranh chấp không gì khác hơn là vai trò của tư pháp. Vấn đề này Chế độ Tổng thống hợp chúng quốc Hoa Kỳ đã nhận ra trước châu Âu và đã xây dựng nên ngành tư pháp vốn mềm yếu vươn lên có vai trò và quyền hạn cân bằng với các ngành quyền lực khác. Đây là một trong các yếu tố tạo nên nhà nước pháp quyền: "Trong nhà nước pháp quyền, tư pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng bởi nơi đó là sự thể hiện rõ nét nhất nền công lý và sự bình đẳng trước pháp luật" [41, tr. 18].

3. Hơn hai trăm năm qua, cùng với sự lớn lên về diện tích tự nhiên, về đơn vị hành chính lãnh thổ và dân số, chế độ Tổng thống hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng có sự thay đổi phát triển mềm dẻo và năng hoạt để tương thích với từng giai đoạn phát triển của quốc gia. Sự phát triển của Chế độ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không tách khỏi quy luật phát triển của các nhà nước tư bản tức là vẫn chứa đựng trong lòng nó những mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Chế độ đó vẫn giữ nguyên bản chất của nhà nước tư sản là bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản. Sự phát triển của chế độ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thể hiện ở sự mềm dẻo năng động linh hoạt của mô hình nhà nước thông qua việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quyền hạn nhiệm vụ, phương thức hoạt động của ba ngành quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính vì có sự thay đổi phát triển này mà Chế độ Tổng thống Mỹ đã vượt qua được những cuộc khủng hoảng, giữ được ổn định, đồng thời vẫn đáp ứng được yêu cầu quản lý một

Một phần của tài liệu Chế độ Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - sự hình thành và phát triển (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)